Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viện KSND Tối cao đẩy trách nhiệm cho Công an Hà Nội

Thứ sáu, 10/06/2011 - 05:32

(Thanh tra)- Rất nhiều tình tiết khó hiểu xoay quanh một vụ trộm xảy ra tại 68 phố Thuốc Bắc, Hà Nội nhưng trong quá trình điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã để vụ án rơi vào bế tắc (Báo Thanh tra số 108/2010 và Thanhtra Online đã có bài phản ánh). Những tưởng vụ việc sau khi được chuyển đến Cơ quan Điều tra (CQĐT) Hình sự, Viện KSND Tối cao sẽ có chiều hướng tốt hơn. Nhưng, chỉ bằng một văn bản ngắn gọn, đơn vị này đã đẩy trách nhiệm sang Công an Hà Nội. Để rồi, cho đến thời điểm này, người bị hại vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía cơ quan Công an.

Bà Lê Thị Vô Tư và Huỳnh Thị Lợi

Cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm?

Như chúng tôi đã phản ánh, sáng 31/7/2006, khi bà Lê Thị Vô Tư và bà Huỳnh Thị Lợi đến làm việc tại cửa hàng 68 Thuốc Bắc (Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực - Thực phẩm Hà Nội) thì phát hiện tủ sắt bị phá khoá, số tiền 500 triệu đồng để trong đó cũng bị kẻ gian lấy mất. Đáng nói là, 4 khoá cửa bảo vệ bên ngoài cửa hàng vẫn còn nguyên vẹn, không bị cạy phá.
       
Vụ án xảy ra từ năm 2006, nhưng đến năm 2008, trong Thông báo số 146, ngày 20/10/2008, Công an quận Hoàn Kiếm mới thừa nhận sai sót về việc khởi tố vụ án chậm, đưa quyết định tạm đình chỉ vụ án đến tay bị hại chậm... Tiếp đó, năm 2009, Công an quận đã công bố sai sót của cán bộ chiến sĩ là các ông Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Đức Bình. Tuy nhiên, sự vào cuộc của Công an quận Hoàn Kiếm xem ra cũng hết sức hời hợt vì thủ phạm đến nay vẫn chưa được chỉ ra.

Với mong muốn sự thật được làm rõ,  bà Lê Thị Vô Tư đã làm đơn gửi tới Viện KSND Tối cao. Tuy nhiên, trong Văn bản trả lời số 44/2010/VKSTC-C6, ngày 20/5/2010, do Phó Thủ trưởng CQĐT Hình sự, Viện KSND Tối cao Nguyễn Thanh Bình ký đã nêu: “… Qua nghiên cứu tài liệu thể hiện trên hồ sơ vụ án, CQĐT Hình sự, Viện KSND Tối cao xem xét thấy không có căn cứ xác định có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án được quy định tại Điều 300 Bộ luật Hình sự”. Sau đó, cơ quan này đã chuyển đơn của bà Tư tới Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền. Làm việc với báo chí, bà Lê Thị Vô Tư không giấu được sự thất vọng về Văn bản số 44/2010/VKSTC-C6 vì cho rằng đây là cách “làm cho xong chuyện” của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, những câu hỏi liên quan đến việc vì sao vụ án bị khởi tố chậm, sau 3 năm mới công bố sai phạm của cán bộ điều tra vẫn chưa được giải đáp. Cho đến thời điểm này, trong đơn thư gửi các cấp, bà Tư và bà Lợi vẫn mong vụ án sớm được phục hồi điều tra. Tuy nhiên, việc này xem ra gặp không ít khó khăn bởi như trả lời của Công an quận Hoàn Kiếm thì phim ảnh hiện trường đã bị cháy. Vậy, liệu các vật chứng khác như: Thùng sắt, kéo, khoá cửa cùng các biên bản liên quan đến dấu vân tay thu thập tại hiện trường có còn hay cũng “cháy” theo phim chụp ảnh? Nếu vẫn còn, liệu Công an quận Hoàn Kiếm có thể công khai với công luận, đặc biệt là người bị hại? Đáng tiếc là tình tiết này chưa được CQĐT Hình sự, Viện KSND Tối cao và Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội làm rõ.

Công văn trả lời của CQĐT Hình sự, Viện KSND Tối cao.


Vụ trộm kỳ lạ

Cửa hàng 68 phố Thuốc Bắc được chia làm 2 phần, một nửa do bà Tư và bà Lợi sử dụng, nửa còn lại do ông Nguyễn Thế Hưng quản lý. Theo như lời ông Nguyễn Thế Hưng kể với báo chí, mặc dù có lưới ngăn, nhưng vẫn có một khe hở ở phía trên. Việc đi từ gác xép cửa hàng này sang gác xép cửa hàng kia (nếu muốn) không hề khó chút nào.
   
Có một điều hết sức lạ lùng là, sáng 31/7/2006, khi phát hiện cửa hàng của bà Tư, bà Lợi xảy ra vụ mất trộm 500 triệu đồng thì các khoá bảo vệ vẫn không hề bị phá; cửa hàng nhà ông Hưng cũng vậy, các khoá vẫn nguyên vẹn. Nguyên tắc đầu tiên của công tác điều tra là lấy dấu vân tay các khóa bảo vệ của cả 2 cửa hàng để xác minh xem thủ phạm có phải là người quen hay không. Nếu đúng như Thông báo số 146, ngày 20/10/2008 của Công an quận Hoàn Kiếm gửi cho bị hại thì biện pháp thu thập dấu vân tay đã được tiến hành. Có điều, kết quả thu được như thế nào, đến nay vẫn chỉ có Công an quận biết.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, 2 đương sự nghi vấn là Ngô Văn Vượng (thời điểm đó thường xuyên làm việc cho cửa hàng nhà ông Nguyễn Thế Hưng) và Nguyễn Vinh Bính (con rể ông Hưng) đã được mời tới Công an quận làm việc. Trong Công văn số 11/2008/CV-LS, ngày 14/3/2008 do luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng gửi cho bà Tư và bà Lợi đã cung cấp thông tin: CQĐT đã lấy lời khai của Ngô Văn Vượng, đối tượng bị tình nghi. Ngô Văn Vượng khai nhận đã cùng với đối tượng khác tên Bính thực hiện vụ trộm cắp. Tuy nhiên, sau đó Ngô Văn Vượng lại phản cung, không công nhận đã thực hiện hành vi trộm cắp. “Việc Vượng phản cung như thế nào cũng không được giải thích rõ ràng”, bà Tư và bà Lợi thắc mắc.
   
Như trên đề cập, CQĐT Hình sự, Viện KSND Tối cao đã chuyển đơn của bà Tư tới Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền, nhưng đến nay, người bị hại vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía Công an Hà Nội.

Ngô Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

(Thanh tra) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn giả mạo thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp lấy cả người đã chết để đứng tư cách pháp nhân thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn.

Văn Thanh

21:28 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm