Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 15/03/2014 - 09:00
(Thanh tra) - Ngày 11/3/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Vũ Việt Hùng và đồng bọn phạm các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng phát triển Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB). Theo cáo trạng, hành vi lừa đảo không có gì tinh vi mới mẻ nhưng quy mô lại lên đến hàng ngàn tỷ đồng khiến nó trở thành 1 trong 10 vụ được VKSND Tối cao đưa vào danh sách đại án tham nhũng nghiêm trọng.
Thẩm phán Nguyễn Anh Loát, người được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa chủ trì họp báo_Ảnh Hồng Nhật.
Biến giấy lộn thành tiền nghìn tỷ
Câu chuyện bắt đầu từ Cao Bạch Mai. Theo cáo trạng, Cao Bạch Mai (sinh năm 1949), nguyên là Giám đốc Công ty TNHH TM DV Minh Nhật (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Công ty này chủ yếu thực hiện thu mua, sơ chế, kinh doanh mủ cao su nguyên liệu nội địa.
Khi biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu (TDXK) với lãi suất thấp, tài sản đảm bảo chỉ bằng 15% vốn vay và thủ tục đơn giản, các giám đốc Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân đã tranh thủ lợi dụng để lừa đảo ngân hàng.
Tháng 7/2008, Mai tìm gặp Vũ Việt Hùng lúc bấy giờ là Giám đốc Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông của VDB hỏi vay để xuất khẩu cà phê, sắn lát, nhân hạt điều. Hùng đồng ý cho vay. Nhưng điều kiện là phải có giao dịch xuất nhập khẩu trong khi Công ty Minh Nhật lại không có.
Thế là Mai ra Móng Cái, Quảng Ninh tìm gặp một số đối tượng người Trung Quốc hay qua lại làm ăn ở khu vực cửa khẩu, nhờ họ ký tên và đóng dấu pháp nhân khống của một số công ty quốc tịch Trung Quốc vào những tờ giấy A4. Bằng cách này, Mai đã làm được gần 100 tờ. Số lượng giấy A4 được đóng dấu khống này được “hô biến” thành những hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD.
Phương án kinh doanh cũng được tự thiết kế. Báo cáo tài chính cũng được “thổi bùa” từ lỗ thành lãi… Tất cả thỏa mãn được điều kiện vay của VDB. Chỉ có điều toàn bộ đều là giả, trừ tư cách pháp nhân công ty.
Từ 10/2008 đến 3/2009, Mai đã thực hiện 26 lượt vay với tổng số tiền là hơn 300 tỷ. Từ làm ăn thua lỗ, Công ty Minh Nhật trở nên “làm ăn thuận lợi” và hạn mức tín dụng được nâng lên 350 tỷ. Đến lúc này thì Cao Bạch Mai đã trở thành đại gia nơi phố núi. Có điều, lý do vay là để thu mua nông sản trong dân nhưng thực tế thì Mai lại dùng tiền vay của lượt sau để trả nợ cho lượt trước và trích ra tiêu dùng cá nhân.
Khi phất lên “như diều gặp gió” thì “nguồn tài nguyên” là những tờ giấy A4 được đóng dấu khống từ Trung Quốc lại hết. Tính kế lâu dài, “quý bà” Cao Bạch Mai nhờ người lập hẳn một công ty ở Trung Quốc, chuyên làm việc cung cấp “tài nguyên” này.
Một trở ngại xuất hiện sau khi thanh lý các hợp đồng tín dụng xuất khẩu là doanh nghiệp phải hoàn chứng từ xuất khẩu cho ngân hàng. Tất nhiên, Công ty Minh Nhật không thể có được những chứng từ này. Và công nghệ làm giả lại được triển khai với mức thuê là 100 triệu đồng/tờ khai (giả) hải quan.
Từ 10/2008 đến 7/2010, Cao Bạch Mai đã vay 1.005 tỷ đồng vốn TDXK của VDB Khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, số tiền vay được Mai sử dụng để trả nợ đáo hạn là 760 tỷ đồng; trả lãi vay hơn 43 tỷ đồng; làm tài sản cầm cố ở VDB 46,5 tỷ đồng, số tiền còn lại Mai chiếm đoạt của VDB Khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông là hơn 155 tỷ đồng.
Chia sẻ “công nghệ” và cùng hối lộ BMW tiền tỷ
Khi thấy Cao Bạch Mai bỗng phất lên thành đại gia trong một thời gian rất ngắn, Trần Thị Xuân (SN 1964) đến hỏi thăm và được chia sẻ lại “công nghệ” vay tiền của bạn mình. Xuân bỏ ra 2 tỷ mua lại pháp nhân một công ty khác của Mai là Công ty TNHH TM DV Nhật Tân để được Mai kết nối quan hệ với Hùng ở VDB.
Để có thể được vay tiền tại VDB, Xuân đã mua lại những tờ giấy A4 đóng dấu khống của các công ty Trung Quốc với mức 20 triệu đồng/tờ. Tổng số tiền Xuân chi khoản này cho Mai (cho đến lúc bị bắt) là 1,1 tỷ đồng.
Toàn bộ công nghệ “bùa chú” hồ sơ vay cho đến tờ khai hải quan đều được copy lại từ cách làm của Mai. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng tốc độ vay của Xuân không thua kém gì Mai.
Từ khi đại diện theo pháp luật của Công ty Nhật Tân là ngày 28/10/2008 cho đến ngày bị khởi tố là ngày 10/3/2011, Xuân đã sử dụng 65 HĐKT xuất khẩu giả với các đối tác nước ngoài để vay số tiền 938,5 tỷ đồng vốn TDXK của VDB Khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, số tiền vay được Xuân sử dụng để trả nợ đáo hạn vay TDXK là 658,6 tỷ đồng, trả lãi vay TDXK là hơn 29 tỷ đồng, làm tài sản bảo đảm cầm cố tại VDB 48 tỷ đồng, số tiền còn lại Xuân chiếm đoạt của VDB Khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông là hơn 202 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Mai và Xuân khai mỗi hợp đồng vay đều chung chi cho Hùng. Tổng mức chi lên đến 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại buổi họp báo ngày 06/3/2014, đại diện VKS cho biết, Hùng một mực không thừa nhận khoản này và VKS cũng không có thêm căn cứ để buộc tội Hùng, ngoại trừ chiếc xe BMW mà Hùng nhận của Mai và Xuân.
Đầu tháng 9/2009, Công ty Minh Nhật và Công ty Nhật Tân đều đã vay đạt mức tín dụng 350 tỷ tại VDB. Lúc này Mai và Xuân được Hùng thông báo là Quý IV/2009, 2 công ty này đều phải hạ mức tín dụng xuống còn 250 tỷ đồng.
Cú nhấn nhá của Hùng có tác dụng khá tốt, vì cả 2 “quý bà” đều “chơi chiêu” là lấy khoản vay sau để trả nợ cho khoản vay trước nên sẽ đối diện với nguy cơ mất khả năng thanh toán. Thế là 2 quý bà bàn nhau hối lộ “quả đậm” cho Giám đốc Hùng. Ý tưởng được chọn là 1 chiếc ô tô và được Hùng đồng ý với yêu cầu bổ sung là “chiếc nào khác khác người ta một chút”. Cuối cùng, họ đã góp nhau mua cho Hùng 1 chiếc BMW-X6 trị giá 3,2 tỷ. Trong đó Xuân góp 1,5 tỷ và Mai góp 1,7 tỷ.
Tuy nhiên, sau Quý IV/2009 thì khả năng thanh toán của 2 công ty này vẫn không thể thay đổi. Hạn mức không thể tăng, thanh khoản VDB vẫn phải đảm bảo. Họ đã cấu kết nhau tạo nên một cú lừa ngoạn mục đối với ngân hàng TMCP Nam Á và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Hùng đã bày mưu cho Xuân, Mai và một số khách hàng có nợ xấu tại VDB đi vay tiền của các ngân hàng khác để lấp vào khoản nợ xấu của VDB. Hùng “hỗ trợ” cho con nợ của mình bằng cách ký khống hợp đồng tiền gửi (không có tiền) cho các con nợ này để họ dùng làm tài sản đảm bảo đối với các tổ chức tín dụng kia. Đồng thời Hùng cũng sẵn sàng ký cam kết phong tỏa tài khoản tiền gửi để đảm bảo niềm tin với ngân hàng đối tác.
Kết cục là ông cựu giám đốc VDB Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông đã bày mưu để chiếm đoạt 530 tỷ đồng của OCB.
Theo thẩm phán Nguyễn Anh Loát, người được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa, các bị cáo đều bị đề nghị ở mức cao nhất của các khung hình phạt. Ngoài việc buộc các bị cáo phải trả lại tài sản chiếm đoạt thì một trong những biện pháp tư pháp khác là buộc Ngân hàng phát triển Việt Nam trả lại số tiền hơn 461 tỷ đồng cho OCB và 50 tỷ đồng cho Ngân hàng Nam Á; buộc Ngân hàng Nam Á phải trả lại 50 tỷ đồng cho OCB.
Hồng Nhật
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND thành phố Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Thiết kế và Sản xuất nội thất TPADECOR (Công ty TPADECOR) vì chậm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.
Đông Hà
18:01 15/12/2024(Thanh tra) - Ngày 15/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kim Thành
17:47 15/12/2024Ngọc Giàu
14:07 15/12/2024Văn Thanh
12:52 15/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân