>>Gián tiếp giết người, cơ quan nào chịu trách nhiệm?Ngày 7/11/2012, sau khi kiểm tra và biết rằng, UBND huyện Đồng Hỷ vẫn chưa có báo cáo UBND tỉnh về việc giải quyết đơn của bà Nghiêm Thị Liên, ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Chủ tịch UBND Đồng Hỷ phải có báo cáo ngay vụ việc này. Tuy nhiên, qua buổi làm việc ngày 14/11, chúng tôi đã nhận thấy có dấu hiệu của việc “thống nhất bỏ ngoài tai” sự chỉ đạo của cấp trên để không giải quyết vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 6/1/2011 tại Chỏm Vung. Và, nguyên nhân của việc “thống nhất bỏ ngoài tai” này đã được hé mở.Có nhiều “đóng góp” thì được “ưu đãi”?Trong buổi làm việc ngày 14/11, mặc dù đã được báo trước và có sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là phải báo cáo ngay, nhưng các cán bộ có thẩm quyền của huyện Đồng Hỷ lại “lơ mơ” về vụ việc. Ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng nhân tiện buổi làm việc này để nghe Công an huyện báo cáo diễn tiến vụ việc. Còn ông Diệp Văn Vinh, Phó trưởng Công an huyện cũng chỉ trung thành với bản Báo cáo 221, không trả lời được các câu hỏi của chúng tôi về nhiều nội dung “bất ổn” của bản báo cáo này. Ông Diệp Văn Vinh cho rằng, Công an huyện không hề chậm trễ trong việc trả lời đơn của gia đình bà Liên, ông Hà bằng cách khẳng định: Đã nhiều lần trả lời bằng “mồm” và bằng văn bản. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị chứng minh (xuất trình các văn bản trả lời) thì ông Vinh lại lấy lý do đây là tài liệu của vụ án, được quản lý theo quy định “mật” của ngành Công an nên không cung cấp được, trừ khi có sự đồng ý của thủ trưởng và cơ quan báo chí phải có đề nghị bằng văn bản. Còn theo đơn kêu cứu của ông Hà, ông và gia đình không hề nhận được văn bản trả lời nào từ phía Công an huyện, ngoài sự an ủi, động viên nhận tiền để hòa giải.Lạ kỳ hơn là, ông Vinh lên tiếng phê phán ông Hà vì không chịu viết đơn tố giác với Cơ quan Công an mà cứ để vợ viết (mặc dù đã được giải thích nhưng vẫn không chấp hành). Phải chăng điều này cũng là một trong những lý do gây khó khăn cho cơ quan điều tra (CQĐT)? Nhưng, sự khẳng định này của ông Vinh đã bị đại diện của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) bác bỏ: Từ khi vụ việc xảy ra cho tới trước thời điểm có thông báo quyết định không khởi tố vụ án (ngày 8/10/2012), Công an huyện Đồng Hỷ nhận được 19 đơn (do gia đình ông Hà trực tiếp gửi cũng như các cơ quan của Trung ương và tỉnh chuyển đơn đến). Trong đó có 5 lá đơn là của ông Hà.Nghiên cứu bản Báo cáo 211/CQĐT của Công an huyện Đồng Hỷ (phục vụ cho buổi làm việc ngày 14/11/2012) và cùng các tài liệu khác và những thông tin do các đại diện của UBND huyện Đồng Hỷ cung cấp, chúng tôi thấy có nhiều nội dung không hợp lý. Phía huyện Đồng Hỷ cho rằng, vụ việc “Cố ý gây thương tích” này là đơn giản, nhưng lại phức tạp là vì có sự tranh chấp đất đai của Cty Cổ phần (CP) Luyện kim đen Thái Nguyên với doanh nghiệp nơi ông Hà làm công nhân. Mà, Cty CP Luyện kim đen Thái Nguyên lại là doanh nghiệp lớn, có nhiều “đóng góp” cho huyện! Thấy vụ việc bị “dân sự hóa”, chúng tôi đã đề nghị được cung cấp tài liệu về việc tranh chấp này. Các tài liệu được cung cấp cho thấy, chính lãnh đạo UBND huyện Đồng Hỷ đã khẳng định, phần đất tranh chấp thuộc sở hữu của cơ quan ông Hà, còn Cty CP Luyện kim đen Thái Nguyên là doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất để làm khoáng sản. Tuy nhiên, từ trước tới nay, phần đất này vẫn chưa được hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vậy mà Cty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã khai thác, dẫn đến việc ngăn cản và chăng ranh đất, ông Hà bị đánh như vụ việc đã xảy ra. Vậy mà, trong buổi làm việc với chúng tôi, các cán bộ của huyện Đồng Hỷ cứ nhăm nhăm đổ diệt tội cho ông Hà cùng cơ quan của mình đã cố tình gây khó dễ, không cho Cty CP Luyện kim đen Thái Nguyên khai thác mỏ là sai, là gốc nguyên nhân của vụ án.Ngoài ra, một lý do khiến CQĐT khó xác minh vụ việc vì khi xảy ra vụ án, chỉ có người của 2 Cty, biết tin vào lời khai bên nào? Còn Công an xã Cây Thị có mặt từ đầu đến cuối vụ việc thì lấy lý do vì đông người quá nên… không nhìn, không nghe rõ gì cả! Và, chỉ là “… một số bảo vệ của công trường xô đẩy và dùng gậy đánh vào phần đầu của ông Hà bị chảy máu”, chứ không xác định cụ thể là ai. Có điều, sau đó đối tượng Nguyễn Văn Thật đã nhận tội đánh ông Hà, nhưng chỉ là 3 phát gậy cao su vào lưng và đùi. Trên thực tế, các vết thương nặng nhất trên cơ thể ông Hà là phần đầu và bộ hạ lại không được làm rõ.Pháp luật là thượng tôn, vậy vì sao Công an huyện Đồng Hỷ khi giải quyết vụ đánh người gây thương tích lại đề cao quan điểm hòa giải, để rồi chậm giải quyết, vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS)? Không những thế, cơ quan này cũng lấy việc Cty CP Luyện kim đen Thái Nguyên có nhiều đóng góp cho huyện để xuê xoa vụ này. Không hiểu doanh nghiệp này đã đóng góp bao nhiêu và cho ai để được ưu đãi hậu hĩnh đến vậy?Huyện Đồng Hỷ báo cáo thiếu trung thực với tỉnhSau khi kết thúc buổi làm việc với chúng tôi vào sáng 14/11, chiều cùng ngày, ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ đã ký ngay Văn bản 711/UBND-VP báo cáo thực hiện Công văn 1729 của UBND tỉnh Thái Nguyên, cho rằng, “UBND huyện Đồng Hỷ đã trực tiếp làm việc và giao cho Cơ quan Công an huyện giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời trả lời đơn thư của công dân. Từ đó đến nay, UBND huyện thường xuyên đôn đốc chỉ đạo Công an huyện và các cơ quan chức năng tiến hành giải quyết và trả lời đơn thư của bà Nghiêm Thị Liên…”. Nội dung này là không trung thực. Sở dĩ khẳng định như vậy, vì trong suốt quá trình làm việc, ông Trần Quyết Thắng không nắm được quá trình giải quyết vụ việc này như thế nào. Ông Thắng còn “lờ mờ”: “Hình như công văn của tỉnh do anh Lành (Chủ tịch UBND huyện) phê rồi chuyển luôn cho Công an”. Nhưng, kiểm tra sổ công văn của huyện lại cho thấy, văn bản này được giao cho ông Thắng giải quyết. Khi chúng tôi băn khoăn, tại sao văn bản liên quan đến công việc nội chính lại giao cho ông Thắng (phụ trách mảng kinh tế), thì được biết, vì nguyên nhân có liên quan đến việc tranh chấp đất đai nên giao ông Thắng là phải!Lấy lý do “suy nghĩ là phải tập trung chỉ đạo Cơ quan Công an huyện và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc xong sẽ báo cáo UBND tỉnh” nên UBND huyện vẫn chưa có văn bản báo cáo UBND tỉnh là hợp lý. Nội dung trả lời này lại càng không đúng. Vì, ngày 5/10/2011 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo rõ: “Xác minh và có biện pháp giải quyết ngay, đồng thời có văn bản báo cáo UBND tỉnh, thời gian trong tháng 10/2011”.Nếu UBND huyện Đồng Hỷ thực hiện nghiêm chỉ đạo UBND tỉnh; các cơ quan Công an và các đơn vị liên quan huyện này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật trong TTHS thì chắc chắn không có cái chết của bà Liên. Cũng như, nếu không có cuộc làm việc của chúng tôi với huyện thì cũng không có bản Báo cáo 211 của Công an huyện Đồng Hỷ, mặc dù nó qua loa và đầy mâu thuẫn.Cho đến thời điểm này, Công an huyện Đồng Hỷ đã vi phạm Điều 103 Bộ luật TTHS về thời hạn, thời hiệu ra quyết định khởi tố (hay không khởi tố vụ án) vượt quá khoảng 20 tháng, gấp hơn 10 lần theo quy định. Theo ông Diệp Văn Vinh, số vụ việc có tin tố giác tội phạm như vụ ông Hà, Công an huyện thụ lý bình quân một năm khoảng 70 - 80 vụ. Còn ông Đinh Văn Trọng, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đồng Hỷ, số vụ vi phạm Điều 103 trong một năm của Công an huyện cũng có tới khoảng 30 vụ. Ngày 4/11/2012, ông Nguyễn Văn Hà đã có đơn gửi tới Trưởng Công an huyện Đồng Hỷ khiếu nại (KN) Quyết định không khởi tố vụ án do ông Diệp Văn Vinh (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an huyện Đồng Hỷ ký). Lá đơn này cũng được đồng thời gửi tới Viện KSND huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, đến nay đã qua 2 tuần, nhưng ông Hà vẫn chưa nhận được sự trả lời từ người có thẩm quyền của Công an huyện Đồng Hỷ. Hy vọng rằng, Công an huyện Đồng Hỷ chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chứ không để quá thời hạn gấp hơn 10 lần như chúng tôi đã nêu ở trên. Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Hỷ vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTHS Cùng nghiên cứu, phân tích vụ việc này, còn có các luật sư của Cty Luật MTON Việt Nam. Để làm rõ tính pháp lý, MTON Việt Nam đã có một số ý kiến trao đổi cùng bạn đọc. Xem xét yếu tố đồng phạm Nếu căn cứ vào lời khai của nạn nhân về việc có 3 người khác tham gia tấn công bằng hung khí nên đã tạo ra thương tật đến 29%, trong đó các vết thương ở đầu, phù nề tinh hoàn, Cơ quan CSĐT vẫn bỏ ngỏ, chưa làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các vết thương với đối tượng, công cụ và phương tiện gây án. Ngoài vấn đề xác định những người trực tiếp cố ý gây thương tích là ai? Cơ quan CSĐT cần làm rõ ai là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất để tấn công ông Hà (người giúp sức)? Ai là người thúc đẩy, kích động người khác tấn công ông Hà? (người xúi giục). Theo các tình tiết tranh chấp đất của 2 nhóm người ở 2 Cty như Báo nêu, việc có đồng phạm là điều khó tránh khỏi. Thu thập chứng cứ là sự phản ánh những khách thể đang tồn tại, đang hiện hữu. Trước hết tội phạm được phản ánh vào môi trường xung quanh thông qua các dấu vết, hình ảnh của nó để lại trên các khách thể vật chất (liệt kê ở đây bao gồm ít nhất là cơ thể nạn nhân, công cụ gây án và hiện trường vụ án). Dấu vết tội phạm là cơ sở thực tiễn khách quan cho hoạt động chứng minh tội phạm, cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu, xem xét, tìm ra quy luật hình thành, để xây dựng nên bức tranh của vụ án và từ đó kết luận về những sự kiện có liên quan. Tuy nhiên, dấu vết tội phạm tự thân nó chưa phải là chứng cứ vì đang trong dạng tồn tại đầu tiên của nó, CQĐT, Viện KSND, thậm chí là Tòa án chưa có quyền sử dụng chúng để làm cơ sở cho việc lập luận hay suy đoán của mình được. Muốn sử dụng, các dấu vết đó phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thu thập và phản ánh nó trong hồ sơ vụ án theo đúng quy trình, thủ tục luật định nhằm phản ánh đúng sự thật khách quan đã xảy ra. Trong vụ án này, mặc dù chưa được tiếp cận với hồ sơ vụ án, nhưng với những gì mà Báo Thanh tra phản ánh, luật sư thấy có nhiều bất cập trong cách đánh giá chứng cứ, xác định đối tượng gây án, cũng như chưa làm rõ lời khai của nạn nhân và những người liên quan. Nói rộng ra là phải xem xét lại việc xác định tội phạm và định tội danh. Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là: Trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 và điểm O, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện KSND Tối cao, Bộ Công an, TAND Tối cao, trường hợp Báo Thanh tra phản ánh có dấu hiệu “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, đó là: Khi có KN của gia đình là ông Hà mà cơ quan tiến hành tố tụng không giải quyết theo đúng quy định của pháp luật (Cơ quan CSĐT chậm ra quyết định không khởi tố vụ án thay vì trong vòng 20 ngày phải ra quyết định thì này đến hơn 20 tháng mới ban hành quyết định, Viện KSND không đánh giá và kiểm sát hoạt động điều tra của Cơ quan CSĐT, không đánh giá đầy đủ vết thương và lời khai của nạn nhân…) từ đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của gia đình ông Hà. (Vợ ông Hà là bà Liên đã uất ức mà chết ngay tại UBND vì quá nhiều lần, trong hơn nửa năm ròng, bà đi gọi cửa quan nhiều nơi mà vẫn nhận được thông báo “đang điều tra”; ông Hà và các con không được giải quyết bồi thường để sinh sống do ông Hà mất một phần khả năng lao động). Gia đình nạn nhân KN như thế nào? Ông Hà và người thân có quyền KN quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 325 Bộ luật TTHS). Áp dụng quy định tại Điều 329 Bộ luật TTHS thì: Ông Hà có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp (luật sư) để KN quyết định không khởi tố vụ án là thiếu căn cứ pháp luật; KN việc để quá thời hạn ra quyết định không khởi tố của Cơ quan CSĐT Đồng Hỷ (khoản 2, Điều 103 Bộ luật TTHS)… Trong vụ án này, ông Diệp Văn Vinh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT huyện Đồng Hỷ là người ra quyết định không khởi tố vụ án, vì thế, nếu ông Hà muốn KN ông Diệp Văn Vinh, thì ông Hà cần phải cung cấp thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Quang Sơn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Đồng Hỷ. Thời hạn xem xét giải quyết là 7 ngày kể từ ngày nhận đơn. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì ông Hà có quyền KN đến Viện KSND huyện Đồng Hỷ. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được KN, Viện KSND huyện Đồng Hỷ phải xem xét, giải quyết. Viện KSND huyện Đồng Hỷ có thẩm quyền giải quyết cuối cùng. Theo khoản 2, Điều 327 Bộ luật TTHS, khi nhận được KN, người bị KN là ông Diệp Văn Vinh có nghĩa vụ: (1) Giải trình về quyết định không khởi tố vụ án, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho Thủ trưởng Cơ quan CSĐT là ông Nguyễn Quang Sơn. (2) Chấp hành kết quả giải quyết KN. (3) Bồi thường thiệt hại do quyết định trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật. Người có trách nhiệm tiếp nhận đơn KN và giải quyết KN là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Quang Sơn, nếu có KN lần 2 thì người giải quyết KN là Viện KSND huyện Đồng Hỷ). Khi nhận được đơn KN, người giải quyết KN có trách nhiệm: (1) Thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho ông Hà. (2) Xử lý nghiêm minh người vi phạm. (3) Áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra. (4) Bảo đảm kết quả giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết của mình. Người có thẩm quyền giải quyết KN, mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Điều 338 Bộ luật TTHS). Trách nhiệm của Viện KSND Đồng Hỷ Với trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; chủ động đề ra các yêu cầu điều tra... góp phần nâng cao chất lượng điều tra, giảm tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Như đã nêu ở trên, trong vụ án này, Viện KSND huyện Đồng Hỷ có một số quyền và trách nhiệm điển hình như sau: Viện KSND huyện Đồng Hỷ có thẩm quyền giải quyết KN của ông Hà nếu ông Hà không đồng ý với kết quả giải quyết KN của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và có nộp đơn KN tới Viện KSND Đồng Hỷ (Điều 329 Bộ luật TTHS). Viện KSND huyện Đồng Hỷ có quyền hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT huyện Đồng Hỷ và ra quyết định khởi tố vụ án nếu quyết định không có căn cứ (khoản 2, Điều 109 Bộ luật TTHS). Khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc còn có tội phạm khác thì CQĐT, Viện KSND ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự. (Điều 106 Bộ luật TTHS). Căn cứ khoản 2, khoản 3, Điều 168 Bộ luật TTHS, Viện KSND huyện Đồng Hỷ phải ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung khi phát hiện có đồng phạm khác hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như đã phân tích ở trên. Cơ quan CSĐT và Viện KSND là 2 cơ quan có hoạt động tố tụng thường nhật gần gũi với nhau, đi sát với nhau trong quá trình điều tra và khởi tố vụ án. Công việc của điều tra viên và kiểm sát viên hết sức nặng nề. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT; Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện KSND, người nào trực tiếp thụ lý vụ án cũng mang nhiều trách nhiệm khó khăn trước nhân dân, chịu áp lực từ nhiều phía. Nếu làm tốt thì không sao, nhưng nếu để ra sai sót thì không những bị xem xét kỷ luật mà thậm chí còn phải chịu trách nhiệm hình sự với những tội như: Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 296 Bộ luật Hình sự) hay Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 294 Bộ luật Hình sự). Với những khó nhọc đó, mong rằng vụ án này sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng, một lần nữa xem xét lại toàn diện, đánh giá thận trọng và có được những quyết định đúng luật, hợp lòng dân, không để dư luận bức xúc kéo dài. Nhóm PV