Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tòa Hình sự - Tòa án Nhân dân Tối cao có làm sai chức năng?

Thứ hai, 06/06/2011 - 12:26

(Thanh tra) - Cuối tháng 5 qua, Phó Chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), ông Trần Quốc Tú đã bị người dân khiếu tố có dấu hiệu bất thường và vi phạm pháp luật khi ký ban hành công văn số 52/TA-HS để hướng dẫn TAND tỉnh Gia Lai xử án theo hướng bất lợi cho bị hại.

Phiên tòa sơ thẩm đã xong nhưng vụ việc chưa kết thúc

Người đứng đơn khiếu tố khẩn cấp này là bà Phạm Thị Ngọc Xuân, bị hại trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản ở thành phố Pleiku”. Cụ thể là Bích Hạnh đã chiếm đoạt của bà Xuân tổng số tiền lên đến 17,76 tỷ đồng.

Trong phiên xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 31/3/2011 vừa qua, bất chấp tất cả bằng chứng được cơ quan điều tra nêu lên trong cáo trạng và lập luận của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai - bên giữ quyền công tố tại phiên tòa, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên bố bị cáo Bích Hạnh không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Mãi sau khi phiên Sơ thẩm kết thúc, người ta mới vỡ lẽ vì sao TAND tỉnh Gia Lai ra phán quyết gây sửng sốt và hụt hẫng như thế. Hóa ra trước đó hơn một năm, ngày 10/2/2010, ông Trần Quốc Tú với cương vị Phó Chánh tòa hình sự TANDTC đã ký văn bản số 52/TA-HS nhằm hướng dẫn TAND tỉnh Gia Lai chiều hướng xét xử vụ việc.

Sẽ là điều bình thường nếu như việc ký và ban hành văn bản số 52/TA-HS của Tòa hình sự TANDTC là đúng thẩm quyền và nội dung của công văn đúng là nhằm mục đích hướng dẫn cho Tòa án cấp dưới áp dụng chính xác pháp luật. Đáng tiếc là trong trường hợp này, việc ban hành văn bản 52/TA-HS lại hoàn toàn trái pháp luật và hơn nữa, có dấu hiệu bất thường về mặt nội dung.

Về nội dung hướng dẫn của văn bản 52/TA-HS, mặc dù tiêu đề công văn ghi rõ ràng “V/v trao đổi nghiệp vụ” nhưng nó lại mang nhiều hơi hướng của một văn bản hướng dẫn đường lối xét xử vụ án. Tòa hình sự TANDTC dường như đã làm công tác xét xử thay cho TAND tỉnh Gia Lai khi tự mình nhận định và đánh giá chỉ một vài tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để cuối cùng đi tới kết luận: “Chưa đủ cơ sở để kết luận hành vi của Lê Thị Bích Hạnh cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Quả thực sau này, trong phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên đúng như lời kết luận trong văn bản 52/TA-HS. Nói cách khác, kết quả vụ án Lê Thị Bích Hạnh được tuyên không phạm tội đã có trước khi TAND tỉnh Gia Lai mở phiên xét xử, và như thế phiên tòa Sơ thẩm kết thúc ngày 1/4/2011 qua thực chất chỉ là phiên tòa mang tính hình thức.

Cũng công văn 52/TA-HS có ghi rõ trong đoạn mào đầu: “Do việc quý Tòa (tức TAND tỉnh Gia Lai – PV) không gửi toàn bộ hồ sơ vụ án mà chỉ gửi kèm theo công văn một số tài liệu, nên trên cơ sở các tài liệu hiện có, Tòa hình sự TANDTC nhận thấy…”. Nói đơn giản hơn, Tòa hình sự TANDTC đã đưa ra lời kết luận sau khi đọc một vài tài liệu, mà không phải là nghiên cứu cẩn thận toàn bộ hồ sơ vụ án. Kể cả khi TAND tỉnh Gia Lai chỉ cung cấp một vài tài liệu, thì nếu khách quan và khoa học, Tòa hình sự TANDTC cũng phải yêu cầu tòa cấp dưới cung cấp trọn vẹn, đầy đủ hồ sơ tài liệu trước khi đưa ra bất kỳ nhận định nào.

Chưa hết, ở một đoạn khác, văn bản 52/TA-HS viết: “Ngoài ra, các tài liệu mà quý Tòa gửi kèm theo cũng không thể hiện rõ là trong ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ (tức ngày 21/12/2007), Hạnh tuyên bố là chưa có khả năng trả nợ hay từ chối trả nợ cho bà Xuân và lý do từ chối trả nợ (là gì?). Đây là các tình tiết quan trọng ảnh hưởng đến việc xác định ý thức chiếm đoạt của bị can…”. Điều này có nghĩa là TAND tỉnh Gia Lai không cung cấp đầy đủ hồ sơ vụ án và bản thân ông Trần Quốc Tú cũng biết rõ các tài liệu, chứng cứ quan trọng, ảnh hưởng đến việc xác định ý thức chiếm đoạt của bị cáo không được tòa cấp dưới cung cấp, vậy mà ông Tú vẫn lấy danh nghĩa của Tòa hình sự TANDTC để ban hành công văn 52/TA-HS hướng dẫn TAND tỉnh Gia Lai xét xử bị cáo theo hướng “không phạm tội”.

Công văn 52/TA-HS cũng có đoạn: “Lê Thị Bích Hạnh bị quy kết là đã có thủ đoạn gian dối vì Hạnh khai số tiền 17.760.0000 đồng vay của bà Phạm Thị Ngọc Xuân dùng để cho Cai Thị Thanh Trang vay lại và đã bị Trang chiếm đoạt bằng cách đánh tráo các giấy nợ có giá trị ít hơn nhiều lần so với số tiền thực tế Trang nợ Hạnh…”. Nhận định ấy không đúng với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bởi vì trên thực tế Hạnh khai rằng đã bị Cai Thị Thanh Trang đánh tráo và sửa chữa chứng từ, nhưng Cơ quan điều tra đã chứng minh được là không có việc đánh tráo chứng từ. Mặt khác, kết quả giám định cho thấy 28 giấy vay tiền mà Hạnh cho rằng bị Trang đánh tráo và sửa chữa thì có 5 giấy được viết thêm nhiều số 0 vào cuối. Như thế, chứng từ bị sửa chữa trong trường hợp này làm tăng số tiền vay lên gấp nhiều lần chứ không phải “có giá trị ít hơn nhiều lần” như văn bản 52/TA-HS nhận định. Nếu có việc Cai Thị Thanh Trang đánh tráo giấy vay để sửa chữa chứng từ thì với tư cách con nợ, Trang phải sửa theo hướng giảm số tiền vay chứ không ai lại thêm vào các con số 0 để tăng số nợ lên nhiều lần.

Xung quanh 28 giấy vay tiền này, còn khó hiểu hơn nữa khi ông Trần Quốc Tú lập luận cho rằng “đối với 28 giấy vay tiền mà Lê Thị Bích Hạnh giao nộp, cơ quan giám định không kết luận là có chữ viết của Hạnh trên các tài liệu này”. Bị cáo Phạm Thị Ngọc Xuân bức xúc cho rằng, nói như thế tức là ông Tú đã “đánh tráo khái niệm” để ngụy biện, vì điều đó cũng không có nghĩa là Hạnh không có thủ đoạn gian dối để hòng chiếm đoạt tài sản. Ngoài các hành vi gian dối đã được Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai vạch trần, thủ đoạn gian dối của Bích Hạnh trong trường hợp này chính là ở chỗ Hạnh đã dùng các chứng từ bị sửa chữa theo hướng tăng số nợ của Trang lên nhiều lần để cho rằng toàn bộ số tiền hơn 17,7 tỷ đồng Hạnh vay của bà Xuân đã bị Trang chiếm đoạt. Với số nợ thực tế Trang vay của Hạnh chỉ là 36,6 triệu đồng, việc sử dụng chứng từ ngụy tạo để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của Hạnh chính là hành vi gian dối.

Bị hại trong vụ án, bà Phạm Thị Ngọc Xuân đã kiến nghị TANDTC làm rõ tính hợp pháp của văn bản 52/TA-HS ngày 10/2/2010 của Tòa hình sự TANDTC do ông Trần Quốc Tú ký. Nếu đây là một văn bản trái pháp luật thì tự TANDTC cần hủy bỏ hoặc yêu cầu Tòa hình sự hủy bỏ công văn nói trên, đồng thời tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan đến việc ban hành công văn trái pháp luật ấy. TANDTC cũng cần làm rõ vì sao chưa có đầy đủ hồ sơ vụ án nhưng ông Trần Quốc Tú vẫn cứ có ý kiến chỉ đạo xét xử vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo, thiệt thòi cho bị hại?

Bà Ngọc Xuân cũng kiến nghị Tòa phúc thẩm – TANDTC tại Đà Nẵng xem xét, hủy bỏ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 20/2011 của TAND tỉnh Gia Lai vì đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, cụ thể là đã xét xử theo nội dung chỉ đạo, kết quả vụ án có trước khi mở phiên tòa, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử…

Thiện Nhân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm