Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự

Thái Hải

Thứ hai, 05/04/2021 - 17:08

(Thanh tra) - Ngoài tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng thì việc tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những biện pháp được Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề cập nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.

Ảnh minh họa (Internet)

Theo TTCP, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Coi việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác PCTN.

Luật cũng quy định về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, theo đó, quy định các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là cơ quan Trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam (Khoản 2 Điều 91).

Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng hàng năm được Chính phủ báo cáo công khai trước Quốc hội và Nhân dân trong báo cáo kết quả công tác PCTN của Chính phủ.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản đạt năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn cần triển khai nhiều biện pháp, nhiều lực lượng chức năng cùng vào cuộc, phối hợp thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu của việc thu hồi tài sản do tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong đợi là do số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu... hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường họp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn...

Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, mới đây, TTCP đưa ra những giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã, đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án. Tăng cường phối hợp; tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ này. Xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài.

Ngoài ra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường); nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quan tâm chỉ đạo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trực tiếp là các ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Tư pháp và các ngành có liên quan, nâng cao trách nhiệm và khẩn trương thực hiện và kết luận, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản.

Để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, theo TTCP, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán...

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; hiện Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Nghị định về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (dự kiến tháng 9/2021 trình Thủ tướng Chính phủ). Đây chính là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong PCTN nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm