Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Nhắc” Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thu hồi tài sản các vụ án lớn

Thứ hai, 10/07/2017 - 10:52

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng vừa yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phân công lãnh đạo phụ trách việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn như Vinashin, Vinalines, “đại án nghìn tỷ” tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để đảm bảo công tác điều phối chung.

Trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng có nguy cơ không thu hồi được.

Tại buổi làm việc về tình hình thi hành các đại án, thu hồi tài sản tham nhũng mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá tỷ lệ thi hành án của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội còn đạt tỷ lệ thấp, nhiều việc kéo dài, có những việc chưa thực sự quyết liệt… Đối với những vụ việc tồn đọng trên 10 năm cần phải rà soát lại, có thể lập các tổ để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn.

Riêng với các vụ án lớn như Vinashin, Vinalines, “đại án nghìn tỷ” tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Dũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phải phân công lãnh đạo phụ trách để đảm bảo công tác điều phối chung. Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cũng phải khẩn trương tổng hợp các khó khăn vướng mắc của Hà Nội để có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ.

Tiếp thu ý kiến, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thuộc cục, các chi cục rà soát lại các vụ việc nổi cộm và hứa sẽ quyết tâm hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Theo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, khó khăn hiện nay là các loại việc trong các bản án, quyết định hình sự của tòa án tiếp tục tăng cao. Đặc biệt trong tháng 6/2017 mới thụ lý một số vụ việc có giá trị phải thi hành tăng đột biến là vụ đại án tại Agribank với giá trị thi hành án lên tới trên 3.000 tỷ đồng, hoặc vụ việc có đến 398 người được thi hành án với giá trị phải thu hồi trên 200 tỷ đồng...

Trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, người phạm tội đã chủ đích không đứng tên chủ sở hữu tài sản, không kê khai tài sản, tẩu tán hoặc che giấu tài sản tinh vi nên khó xác minh tài sản. Việc xác minh tài sản, nguồn gốc tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn, đạt hiệu quả thấp, số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản xác minh, xử lý được để thi hành án có giá trị nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án.

Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn như bán đấu giá nhiều lần không thành; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Đến nay, số việc thi hành án tồn đọng trên 10 năm còn tồn trên 1.200 việc. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự TP Hà Nội chỉ đạo các sở ngành, UBND quận, huyện thực hiện phối hợp có hiệu quả với cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án dân sự nói chung và đối với các việc còn tồn đọng 10 năm nói riêng.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2017, trả lời PV, ông Lê Quang Tiến cho biết đã ra quyết định không có điều kiện thi hành án đối với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines vì xác minh thấy “không còn tài sản”.

Ngoài ra, Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành đối với khoản tiền 38 tỷ đồng phải thi hành của ông Trần Hữu Chiều - cựu Phó Tổng giám đốc cũng vì “hông còn tài sản nào khác”.

Ông Mai Văn Khang- cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines phải bồi thường 12 tỷ đồng nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, tài sản chung của vợ chồng Khang chỉ có một căn hộ tại địa chỉ A1, tầng 2, lô 3B, ngõ 62 đường Trường Chinh (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) và hiện nay mẹ, vợ và hai con đang sinh sống. Do giá trị tài sản rất nhỏ so với tổng số tiền phải thi hành 12 tỷ đồng nên chấp hành viên đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và ra quyết định kê biên, xử lý tài sản.

Cựu chủ tịch VinashinPhạm Thanh Bìnhbị tuyên bồi thường 500 tỷ đồng nhưng số tiền thi hành thu hồi được rất ít ỏi. Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng được giao tiến hành thu hồi tài sản của Bùi Thị Bích Loan - nguyên Kế toán trưởng Vinalines - phải bồi thường cho Vinalines 6 tỷ đồng nhưng đã phải ra quyết định chưa có điều kiện thi hành vì bà Loan đang ở nhờ nhà con rể và mắc bệnh hiểm nghèo và phải điều trị hóa chất, tia xạ tại Bệnh viện K.

Trong khi đó, số tiền phải thu hồi của ông Mai Văn Phúc - cựu Tổng giám đốc Vinalines để bồi thường cho Vinalines trên 98 tỷ đồng nhưng đến nay Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ mới đang xác minh nhà đất và tài sản trên đất tại số 72B Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội (?!).

Đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), cơ quan thi hành án dân sự đã từng ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền hơn 1.000 tỷ đồng vì xác nhận người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án.

Trong đó, cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị tuyên bồi thường khoảng 500 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ thu hồi được số tiền rất ít ỏi. Còn Trần Quang Vũ - nguyên Tổng giám đốc Vinashin còn phải thi hành trên 24 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án nhưng tài sản đảm bảo thi hành án rất ít.

Theo Thế Kha (Dân Trí)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm