Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguy cơ phá sản!

Thứ ba, 14/11/2017 - 06:46

(Thanh tra)- Thị trường bán lẻ gas đang chứng kiến cảnh các doanh nghiệp kinh doanh gas đứng trước một cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt, không ít doanh nghiệp sử dụng những “chiêu bẩn” để hạ uy tín của đối phương. Đáng chú ý, ngoài chiêu “cắt tai, mài vỏ” bình gas quen thuộc, thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ chiếm giữ trái phép vỏ bình gas, với số lượng lên tới hàng chục ngàn bình.

Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra gần 30.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ tại kho hàng Dị Sử, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Ảnh: ND

Vì sao phải chiếm giữ vỏ bình gas của đơn vị khác?

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây có không ít đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh gas bỗng nhiên bị mất một số lượng lớn vỏ bình gas. Điển hình như Công ty Cổ phần (CP) Hải Dương Gas (công ty thành viên của Tập đoàn Vạn Lộc Gas) cho biết, thời gian qua “tự nhiên” số lượng vỏ bình gas thu về sụt giảm rõ rệt, khiến công ty bị thiếu vỏ bình nghiêm trọng để sang chiết gas cung cấp cho người tiêu dùng.

Thực tế là mới đây, ngày 22/9 cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã phát hiện hàng chục nghìn vỏ bình gas của nhiều hãng khác nhau chất trên xe ô tô của Hồng Hà Gas thuộc Cty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân, sau đó lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đã kiểm đếm được số lượng là 28.560 vỏ bình gas các loại được tập kết một cách “bất thường” tại kho hàng Dị Sử, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên).

Kết quả kiểm đếm cho thấy, phần lớn là vỏ bình gas mang thương hiệu Đại Lộc và một số vỏ mang thương hiệu khác của Tập đoàn Vạn Lộc (Vạn Lộc Gas, Asia...). Hiện lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đang làm rõ chủ sở hữu số vỏ bình gas trên, đồng thời điều tra người đã chiếm giữ trái phép số hàng hoá này.

Trước đó, ngày 21/9, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng đã phát hiện hơn 23.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép tập kết tại Ban Quản lý cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Trong đó, phần lớn vỏ bình cũng mang thương hiệu Đại Lộc và các thương hiệu khác của Tập đoàn Vạn Lộc.

Theo Giám đốc một công ty phân phối gas cho biết, để sản xuất ra một chiếc vỏ bình gas thì chi phí sẽ rơi vào khoảng từ 300.000 - 700.000 đồng/chiếc tuỳ kích cỡ. Như vậy, với con số hơn 50.000 vỏ bình gas của một doanh nghiệp đang bị doanh nghiệp khác chiếm giữ, thì đương nhiên số tiền bị thiệt hại cũng tương đương khoảng 20 - 35 tỷ đồng.

Còn đại diện nhãn hàng gas Vạn Lộc cho biết: “100.000 vỏ tương đương với 30 tấn gas, nếu doanh nghiệp bị mất 10.000 vỏ tức là khả năng cung ứng trên thị trường giảm đi khoảng 3 tấn. Trong khi để có được khả năng phân phối thêm 3 tấn gas cho người tiêu dùng, doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu từ 3-4 năm”.

Cũng theo vị đại diện này, việc thu giữ bình gas hãng khác của một số đơn vị là nhằm cạnh tranh không lành mạnh, triệt hạ đối thủ. Hãng nào bị mất vỏ bình gas sẽ mất dần thị trường. Để kéo lại thị trường, doanh nghiệp bị mất vỏ bình sẽ liên tục phải bỏ tiền ra sản xuất bù số vỏ đã mất, như vậy thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

“Không chỉ thu giữ vỏ bình gas, các doanh nghiệp còn sử dụng nhiều chiêu trò khác để biến phương tiện sản xuất của hãng khác trở thành phương tiện sản xuất của mình như cắt tai, mài vỏ bình gas, in lại thương hiệu khác lên bình…”, đại diện hãng gas Vạn Lộc bức xúc.

Chiếm giữ bằng cách nào?

Trao đổi với PV, lãnh đạo Công ty CP Hải Dương Gas cho biết, thời gian gần đây bỗng dưng công ty phát hiện bị thiếu hụt rất nhiều vỏ bình gas sau khi chuyển hàng cho các đại lý của công ty. Sau khi cho nhân viên theo dõi và tìm hiểu thì được biết, số vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép khoảng 40.000 chiếc mang thương hiệu Đại Lộc, khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc sang chiết gas cung cấp ra thị trường.

"Nhiều cửa hàng thiếu gas bán trong nhiều ngày do chúng tôi không có đủ vỏ bình để sang chiết. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết và đề nghị hỗ trợ từ phía Tập đoàn", vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Trước đó, theo biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP Hải Dương Gas với 12 doanh nghiệp kinh doanh gas ký ngày 27/5/2016, các doanh nghiệp thu gom hộ nhau vỏ bình. Hàng tháng sẽ tiến hành trao đổi vỏ để chiết nạp gas vào đúng vỏ bình của doanh nghiệp, tuyệt đối không chiết nạp vào vỏ bình của doanh nghiệp khác.

Đại diện Công ty CP Hải Dương Gas cho biết thêm, sau khi biên bản thỏa thuận được ký kết, các bên thực hiện nghiêm việc trao đổi vỏ bình. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp đột nhiên không thực hiện cam kết.

“Có thể hàng chục nghìn vỏ bình gas của Vạn Lộc, Đại Lộc này đang chuẩn bị được đưa đi sơn, sửa lại thành thương hiệu khác. Bởi hành vi thu gom vỏ bình số lượng lớn như vậy chắc chắn đã có tổ chức chuẩn bị từ lâu và không chỉ là “bàn tay” của một doanh nghiệp. Rất có thể có vài doanh nghiệp đang liên kết lại nhằm thao túng, độc chiếm thị trường”, lãnh đạo Công ty CP Hải Dương Gas nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có thể dễ dàng chiếm giữ hàng chục nghìn vỏ bình gas như vậy, một số doanh nghiệp đã dùng thủ đoạn sản xuất một lượng khá lớn vỏ bình rồi tung ra thị trường bằng cách “đổi vỏ, bù tiền” cho các cửa hàng gas sau đó thu hồi vỏ bình của hàng gas khác về như vậy lợi cả đôi đường khiến đối thủ thiệt hại về kinh tế và thị phần bị giảm. Theo đó, 1 vỏ đổi 1 vỏ và chủ cửa hàng bán lẻ gas sẽ được nhận thêm tiền chênh lệch từ 50.000 - 70.000 đồng/vỏ.

Chủ cửa hàng gas Cường Thịnh, số 191A đường Nguyễn Thượng Mẫn (TP Hải Dương) Bùi Văn Sinh chuyên kinh doanh gas Đại Lộc cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, một số hãng gas khác đến chào hàng gas với giá rẻ hơn từ 50.000 - 70.000 đồng/bình 12 kg. "Họ còn nói có bao nhiêu bình gas Đại Lộc và các thương hiệu của Vạn Lộc họ mua hết, đồng thời sẽ đổi bình của họ lấy bình của Đại Lộc, chủ cửa hàng sẽ được bù thêm từ 50.000 đồng/bình 12 kg", ông Sinh nói.

Với chiêu này, chỉ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã thu gom được hàng vạn vỏ bình của đối thủ rồi đem đi “nhốt” tại những địa điểm khó phát hiện. Dính đòn "bẩn" của đối phương, doanh nghiệp nạn nhân không có vỏ bình để chiết nạp gas cung cấp ra thị trường, đồng nghĩa với việc dần mất đi thị phần, dẫn tới phá sản.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Trí Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo Điều 25, Nghị định 19 ngày 22/3/2016 của Chính phủ quy định: Chỉ tổ chức nạp LPG (khí gas) vào chai LPG thuộc sở hữu của chính thương nhân… không được chứa chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác khi không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp LPG.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

(Thanh tra) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn giả mạo thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp lấy cả người đã chết để đứng tư cách pháp nhân thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn.

Văn Thanh

21:28 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm