Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Huyện và Ban Quản lý D.A đều sai

Thứ năm, 15/11/2012 - 09:55

(Thanh tra)- Trong bài “Dân chịu khổ đủ đường” ra ngày 13/11/2012, chúng tôi đã đề cập đến những khó khăn, thiếu thốn của người dân khi chuyển sang khu tái định cư (TĐC) thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Tiếp tục tìm hiểu, xác minh, chúng tôi nhận thấy, cả UBND huyện Gia Lâm và Ban Quản lý (BQL) Dự án (D.A) đều đang đi ngược với nguyên tắc về bố trí TĐC, thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) không đúng quy trình, thiếu công khai minh bạch trong thực hiện D.A.

Chưa thỏa thuận tiền đền bù xong với hộ bà Đặng Thị Hồng Hạnh, nhưng UBND huyện Gia Lâm đã thực hiện cưỡng chế thu hồi đất

>>Dân chịu khổ đủ đường

Bố trí tái định cư kiểu “tiền trảm, hậu tấu”

Luật Xây dựng quy định, khi thu hồi đất thực hiện D.A, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu TĐC một cách đồng bộ trước để bố trí chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng cho người dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, ở D.A này, BQL D.A huyện Gia Lâm mới quan tâm đến khu đấu giá đất và xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực này đầy đủ trước. Còn việc xây dựng hạ tầng TĐC thì thực hiện với tiến độ “rùa bò”. Bởi thế, đến nay chỉ có trên dưới 10 hộ dân nhận đất TĐC và xây dựng nhà cửa.

Theo phân tích của một cán bộ có kinh nghiệm trong công tác GPMB huyện Gia Lâm, thực chất huyện đang lạm dụng quyền hành trong bố trí TĐC cho dân, bởi tiến hành thu hồi đất thì TĐC phải đi trước một bước. Trong trường hợp này, người dân TĐC đã bị “nhét” vào nơi cách xa khu bị thu hồi đất, còn mặt tiền, vị trí đẹp lại dành để đấu giá bán. Như vậy, về bản chất và nguyên lý về TĐC là huyện làm ngược. Chưa nói đến quy hoạch về khu TĐC này đã đúng hay chưa.

 Tại buổi làm việc với báo chí, với sự tham gia của đầy đủ các đơn vị, phòng, ban liên quan, khi đề cập về vấn đề làm ngược quy trình TĐC này, Trưởng ban Đền bù GPMB huyện Gia Lâm Dương Văn Tuấn (người được lãnh đạo huyện ủy quyền chủ trì buổi làm việc) đã “định hướng”: “Phó Giám đốc BQL D.A dự họp vừa được bổ nhiệm không biết có nắm được không?... Còn việc xây dựng khu TĐC, chúng tôi không phải là đơn vị được giao thực hiện D.A”.

 Cũng theo ông Tuấn, không cứ gì huyện Gia Lâm mà kể cả các D.A lớn của Hà Nội, tình trạng các khu TĐC cũng thế. “Lúc đầu, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến D.A chính, còn TĐC liên quan đến tiểu D.A... thì đôi khi lại xây dựng xong chậm hơn. Thực tế, khu TĐC của D.A này đã đầu tư xây dựng sau so với khu 31ha đấu giá đất”, ông Tuấn thừa nhận.

Huyện làm sai quy trình cưỡng chế

Không những làm TĐC kiểu ngược, UBND huyện Gia Lâm, BQL D.A huyện Gia Lâm và các đơn vị liên quan còn thực hiện quy trình cưỡng chế GPMB một cách thiếu thuyết phục và không hoàn toàn đúng với các thủ tục, trình tự theo quy định.

Điển hình là trường hợp hộ bà Đặng Thị Hồng Hạnh (cùng các đồng thừa kế hợp pháp là Trần Thị Hồng Vân, Trần Thị Vân Hà, Trần Hồng Ngọc) của thửa đất ở rộng 306,6m2 tại đường Ngô Xuân Quảng, thôn Chính Trung, thị trấn Trâu Quỳ. Để thực hiện D.A khu đấu giá đất 31ha, toàn bộ diện tích nhà bà Hạnh nằm trong diện bị thu hồi. Sau nhiều lần tổ chức họp riêng của UBND huyện Gia Lâm, BQL D.A, UBND thị trấn Trâu Quỳ và các đơn vị liên quan với hộ bà Hạnh thì cả 2 bên đều chưa đi đến thống nhất về phương án đền bù thu hồi đất và TĐC.

Thế nhưng, ngày 10/2/2012, UBND huyện Gia Lâm đã bất ngờ ký Quyết định 280/QĐ-UBND cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất 306,6m2 đất của hộ bà Hạnh. Sau đó, ngày 26/10/2012, đã thi hành quyết định cưỡng chế. Ban Đền bù GPMB huyện Gia Lâm xác nhận, đến thời điểm này, hộ bà Hạnh chưa nhận tiền, chưa có biên bản bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc BQL D.A huyện Gia Lâm cũng thừa nhận: Quyết định thu hồi đất số 3407/QĐ-UBND đối với hộ bà Hạnh ký ngày 14/12/2011, nhưng do sơ xuất tại thời điểm này chưa giao ngay mà đến 14/6/2012 mới giao. Còn quyết định cưỡng chế thì ngày 10/2/2012 đã được giao cho hộ bà Hạnh. Như vậy, quyết định thu hồi đất đã được BQL D.A giao sau quyết định cưỡng chế.

 Mặt khác, thay vì ra quyết định thu hồi đất riêng với từng hộ theo quy định thì huyện Gia Lâm lại ra Quyết định thu hồi đất số 3407/QĐ-UBND chung cho 9 trường hợp sử dụng đất tại thị trấn Trâu Quỳ với diện tích bị thu hồi là 974,7m2 (trong đó có hộ bà Hạnh).

Trả lời về vấn đề này, ông Tuấn lập luận rằng: “Có D.A liên quan tới 500 - 600 hộ dân nên cùng lúc giao từng quyết định riêng là rất phức tạp. Trường hợp này TP Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể nên đôi khi giao quyết định theo kiểu từng đợt. Còn đúng hay không đúng quy định thì khó nói”…

Theo một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của huyện Gia Lâm có kinh nghiệm trong công tác GPMB, trường hợp cưỡng chế đối với hộ bà Hạnh phải có đầy đủ văn bản giấy tờ liên quan, tiền đền bù thu hồi đất, suất mua TĐC, thậm chí cả biên bản bàn giao mặt bằng mà bà Hạnh đồng ý và ký nhận... thì UBND huyện mới có quyền thực hiện cưỡng chế. Trong trường hợp này, việc thực hiện cưỡng chế là hoàn toàn sai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không những làm thiếu thủ tục, sai quy trình trong cưỡng chế và làm ngược quy trình bố trí TĐC, các cấp chính quyền huyện Gia Lâm và BQL D.A còn có biểu hiện thực hiện công tác thỏa thuận đền bù tiền thu hồi đất cũng như TĐC với các hộ dân trong diện mất đất một cách thiếu công khai, minh bạch. Bằng chứng là, theo quy định, dân được tham gia họp, đóng góp ý kiến từ khâu quy hoạch đến triển khai D.A, thế nhưng nhiều hộ dân thuộc diện mất đất của D.A (ở nhiều vị trí cách xa nhau) đều phản ánh chưa từng được họp tất cả các hộ dân liên quan tới D.A một cách công khai. Thay vào đó là kiểu thỏa thuận đền bù theo kiểu “đánh úp” từng hộ, hoặc từng nhóm hộ dân (như quyết định thu hồi đất của 9 hộ thôn Chính Trung).

Tiếp thu những gì Báo Thanh tra phản ánh, Trưởng ban Đền bù GPMB huyện Gia Lâm Dương Văn Tuấn cũng thừa nhận. “Trong quá trình thực hiện, các đồng chí cán bộ không được đào tạo như các lĩnh vực khác như cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường hay Xây dựng. GPMB liên quan tới nhiều lĩnh vực, đất đai, cây cối, hoa màu, chính sách bồi thường... Trong khi đó, cán bộ làm GPMB đi kê khai kiểm đếm, lên hồ sơ phương án đền bù một là còn thiếu, hai là trình độ năng lực còn hạn chế. Vì vậy, trong quá trình đi làm anh em không tránh khỏi những thiếu sót. Chưa kể, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập trong khi việc chuẩn bị của các D.A còn chưa chu đáo. Các hạng mục TĐC được xây dựng sau và chưa bảo đảm được ngay”.

  Bài và ảnh: Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm