Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hương Khê: Đừng quên quyền lợi của dân

Thứ ba, 12/07/2011 - 09:07

(Thanh tra)- Chợ Sơn rộng 14.244m2, nằm cạnh hồ Bình Sơn, thuộc thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khuê, tỉnh Hà Tĩnh. 4 con đường thẳng tưng chạy quanh chợ, tạo nên khu đất đẹp và hấp dẫn như miếng vàng lá ngự trong tủ kính của tiệm kim hoàn. Bất ngờ, khu đất này lọt vào tầm ngắm của ông Nguyễn Bá Toàn, doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Phúc Lợi. Sau những bước vận hành đầy kịch tính, ông Toàn kiêu hãnh “cầm” chợ Sơn… đút túi. Thời hiệu xông xênh 50 năm. Sự khôi hài ở đây là, người dân buôn bán ở chợ Sơn không ai hay biết gì về dự án này. Chỉ khi cái biển sơ đồ dự án xây dựng chợ Sơn thình lình mọc lên thì sự hồn nhiên và niềm tin của người dân chợ Sơn theo nhau vụt tắt. Từ đây, người dân cấp tập gửi đơn thư.

Dân đua nhau kêu cứu
   
Vừa vào đến chợ, dân đã ùa ra kêu cứu và tố khổ. Nào là mất chợ dân sẽ sống ra sao? Một người đi chợ, mấy người ăn theo. Lấy gì nuôi con ăn học, lấy gì nuôi cha mẹ già yếu, lại còn công này việc nọ?

Về chợ mới biết những lá đơn của người dân, không đơn thuần chỉ là đơn. Đó là lời kêu cứu vô vọng, sự ấm ức, bất bình, âu lo và cả những giọt nước mắt bi thương. Chợ Sơn đơn thuần là chợ dân sinh miền núi. Tiểu thương ở đây là thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các hộ dân nghèo. Chợ chỉ có các thứ sản vật của dân quanh vùng mang tới bán như khoai sắn, rau quả, gà, vịt... Chợ lụp sụp với những tấm mái prôximăng mệt mỏi như chực rơi xuống đầu người, những kiốt chật chội, lỉnh kỉnh mấy thứ đồ gia dụng...
   
Tôi dừng lại trước một kiốt nhỏ vì sự thu hút ám ảnh lạ kỳ, cái chân màu cánh gián mà người lính già đang sở hữu. Tôi buột miệng: Cái chân xịn nhỉ, chân Liên Xô cũ.
   
Ông hỏi: Sao chú biết. Chắc là lính à. Mấy ông thương binh lớp sau, nhận chân nội hỏng thay mấy lần rồi. Đúng là chân Liên Xô cũ tốt thật. Gỗ tếch đấy! Vừa bền vừa nhẹ - Ông tự hào về cái chân gỗ của mình làm tôi nghẹn cổ.
   
- Sao anh không nghỉ cho khoẻ ra ngồi cái lò thiêu này làm gì?
   
+ Ra bán thêm thuốc lào phụ giúp con.
   
- Mỗi ngày anh lãi được bao nhiêu?
  
  + Cỡ vài chục ngàn gì đó, vài cân gạo xấu ấy mà...
   
Lúc này, xung quanh chúng tôi vẫn nượp người. Vẫn những câu nói được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần: Chú về nói với T.Ư cứu dân chợ Sơn với, mất chợ là con cái thất học, cả nhà chết đói chú ơi!

Phép tính của dân
   
Trong Giấy chứng nhận đầu tư số 28121000084 ngày 22/10/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh có quy mô và các hạng mục chi tiết với tổng mức đầu tư 51.346.031.000 đồng; diện tích đất sử dụng xây chợ tổng cộng 7.354m2 trên 14.224m2. Như vậy, diện tích còn lại là 6.890m2.

Theo người dân phản ánh, số đất này dự kiến sẽ được hợp thức và xây biệt thự cao cấp ở các khu vực mặt tiền của đường. Điều người dân lo ngại nhất là, giá thuê kiốt cao nhất ở khu chợ Sơn là 715.000.000 đồng/40m2; 18m2 là 321.786.000 đồng; 6m2 là 107.620.000 đồng; 4m2 là 38.784.000 đồng.
   
Với giá bán kiốt như vậy, chủ đầu tư lãi hàng trăm tỷ đồng.
   
Dân chợ Sơn, những người quá nghèo khổ không thể gồng nổi cái giá của chủ đầu tư đặt ra. Như vậy, những người nghèo có nguy cơ bật ra khỏi chợ và thất nghiệp. Chính quyền huyện Hương Khê nghĩ gì về điều này?
   
Mong muốn của người dân, một là, Nhà nước với dân cùng đóng góp để xây dựng khu chợ hợp với quy mô chợ dân sinh miền núi. Hai là, Nhà nước không hỗ trợ thì dân sẽ đóng góp tiền để xây dựng chợ theo quy hoạch, thiết kế của huyện hợp với túi tiền của dân. Nhất quyết không bán đất cho nhà đầu tư. Ở huyện Hương Khê có rất nhiều doanh nghiệp mạnh về tài chính đủ sức cáng đáng để xây dựng chợ tại sao chính quyền huyện Hương Khê lại không tạo điều kiện cho con em quê hương mình?

Tạm kết
   
Kêu gọi đầu tư là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, vấn đề lợi ích cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sao cho nhân dân, nhất là bà con khu chợ Sơn được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Xây chợ là để dân tiếp tục hành nghề được theo đồng vốn của mình. Đừng như một số địa phương xây xong chợ, cái lợi nhà đầu tư hưởng còn chợ thì... bỏ không, hoặc dân không có tiền để có thể được tiếp tục kinh doanh tại chợ!
      
Đừng ép dân vào bước đường cùng và càng không nên đổi dân để lấy dự án.

            Liên Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm