Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy người vô tội vào vòng lao lý

Thứ năm, 22/09/2011 - 21:18

(Thanh tra)- Vì phát lại nương trồng sắn từ đời ông, bà, bố mẹ chồng để lại mà 2 chị Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Lạc đã can tội “Hủy hoại tài sản”, bị Công an huyện Kỳ Sơn bắt tạm giam và phải chịu 480 ngày oan ức. Sau đó, 2 chị đã được minh oan, song ai gây ra oan sai, ai chịu trách nhiệm? Công luận vẫn đang chờ câu trả lời của các cơ quan thi hành pháp luật tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Hai chị Nguyệt, Lạc với những tập đơn kêu cứu minh oan.

 Người vô tội bị đẩy vào vòng lao lý
         
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (xóm Nút, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn) cho biết: “Sáng ngày 6/1/2010, gia đình tôi làm giỗ bố chồng. Họ hàng, bà con làng xóm đến rất đông. Hai chị em (chị Lạc là em dâu tôi) đang chuẩn bị mâm cỗ thắp hương thì mấy anh ở Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Kỳ Sơn tới, yêu cầu tôi và cô Lạc cùng mọi người im lặng nghe đọc lệnh bắt tạm giam. Không kịp thắp nén nhang cho bố chồng, 2 chị em đã bị Công an dùng còng số 8 khóa tay dẫn giải lên xe trước sự bàng hoàng của chồng con, các cháu, họ hàng, bà con làng xóm. Cả cái xóm Nút này đều biết 2 chị em tôi bị bắt oan…”.

Kể về 14 ngày ở trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình, 2 chị Lạc, Nguyệt giọng vẫn còn run sợ. Chị Nguyệt nói: “2 chị em khóc cạn nước mắt, đến bữa không nuốt nổi miếng cơm”. “Mấy lần tôi định đâm đầu vào tường mà chết cho xong. Nhưng tôi nghĩ, công lý nhất định sẽ bảo vệ cái đúng”, chị Lạc nhớ lại.

Tìm hiểu vụ việc được biết, theo phong tục tập quán canh tác của người dân tộc Mường, khi họ khai phá một khu đất nào đó mà chưa có hộ nào bẻ lá cắm nêu (làm dấu) nhận đất để làm nương… thì hết năm này qua năm khác là của gia đình đó. Khi đất bạc màu, chủ hộ chuyển đi làm nương ở khu đất khác, nhưng cái nương cũ vẫn là của gia đình, không hộ nào đến canh tác.

Khu đất (đất nương) trên đồi Cộ Tô rộng khoảng 2ha, cách xóm Nút hơn 1km đường núi cũng vậy. Đây là đất nương của ông bà, bố mẹ chồng 2 chị Nguyệt, Lạc đã khai phá để trồng sắn từ hàng chục năm nay. Khi về làm dâu (năm 1976), 2 chị được trồng sắn cùng bố mẹ chồng trên nương cho đến năm 1996, do đất bạc màu nên 2 gia đình chị Nguyệt, Lạc cho “đất nghỉ”.
            
Năm 1997 - 1998, 2 anh em Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Bường là người cùng xóm, đến hỏi chị Nguyệt, chị Lạc mượn đất trồng cây thanh hao. Ông Bình cho biết: “Trong mấy chục năm gia đình 2 chị Nguyệt, Lạc làm nương không xảy ra tranh chấp. 2 năm anh em tôi mượn trồng thanh hao cũng không thấy ai hỏi, ai can ngăn. Năm 1999, đất bạc màu quá, anh em tôi trả đất cho gia đình chị Nguyệt, chị Lạc”.
           
Không chỉ 2 ông Bình và Bường mà hầu hết người dân xóm Nút đều công nhận đất nương trên đồi Cộ Tô là đất từ đời ông bà đến đời bố mẹ chồng 2 chị Nguyệt, Lạc đã khai phá, canh tác và nay để lại cho con cháu. Một bằng chứng nữa là, một số cây rừng có đường kính trên 30cm, hiện còn lại là những cây gia đình chị Nguyệt dùng làm cột lều trông coi nương. Từ những chứng cứ trên cho thấy, 2ha đất nương trên đồi Cộ Tô có nguồn gốc rõ ràng, hàng chục năm nay, gia đình 2 chị Nguyệt, Lạc sử dụng ổn định không xảy ra tranh chấp.
                                   
Hình sự hóa vụ án dân sự
        
Năm 2004, sau 5 năm cho “đất nghỉ”, chị Nguyệt và chị Lạc cùng nhiều hộ dân trong xóm lên nương cũ phát dọn thực bì lấy đất để trồng cây keo. Đang dọn nương thì ông Nguyễn Đức Thi, Phó Chủ tịch HĐND xã Dân Hạ (nay là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã) lên ngăn cản. Ông Thi nói rằng, đây là đất của gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 1995. Mâu thuẫn, khiếu kiện giữa gia đình ông Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Đức Thi với 2 chị Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Lạc bắt đầu từ đó.
Trước đó, ngày 4/12/1995, ông Thi viết đơn xin nhận giao đất, giao rừng gửi chính quyền xã Dân Hạ. Chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ, ông Thi đã được giao đất, giao rừng và có GCNQSDĐ.
             
Theo Nghị định 02/CP của Chính phủ và Công văn số 249/CV ngày 28/5/1994; “Kế hoạch mở rộng diện giao đất, giao rừng, khoán rừng trong toàn tỉnh" ngày 8/8/1994 của UBND tỉnh Hoà Bình thì quá trình giao đất, giao rừng phải tôn trọng hiện tại, hợp tình, hợp lý. Phải theo các bước: Mở hội nghị chủ hộ (xóm) để phổ biến chủ trương chính sách, hướng dẫn hộ kê khai phần đất, rừng hiện có. Sau đó, chủ hộ viết đơn xin giao đất, giao rừng. Tiếp đến, mở hội nghị chủ hộ lần 2 công bố mức giao đất, giao rừng cho từng hộ và giải quyết vướng mắc trong xóm, bản. Rồi, tiến hành giao ngoài hiện trường, khoanh vẽ tính bản đồ (bước này các chủ hộ cùng Hội đồng giao đất, giao rừng xã đi thực địa xác định ranh giới). Biên bản giao đất, giao rừng phải có xác nhận của các hộ liền kề.
          
Thực tế, Hội đồng giao đất, giao rừng xã Dân Hạ đã không thực hiện đầy đủ, đúng trình tự theo quy định về giao đất, giao rừng. Bởi vậy, tính hợp pháp của GCNQSDĐ của hộ ông Nguyễn Đức Thi cần phải xem xét lại.

Tiếp tục diễn biến vụ việc, do không ngăn cản được chị Nguyệt và chị Lạc phát dọn thực bì, ông Thi đã làm đơn tố cáo chị Nguyệt và chị Lạc phá rừng cây của gia đình, “vi phạm Điều 143 Bộ luật Hình sự về tội “Huỷ hoại tài sản”. Sau đó hồ sơ vụ việc được chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn. Ngày 10/8/2009, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn ký quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra. Ngày 11/8/2009, Viện trưởng Viện KSND huyện Kỳ Sơn đã ký quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với chị Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Lạc về tội “Huỷ hoại tài sản” được quy định tại Điều 143, khoản 1 Bộ luật Hình sự.
          
Sau nhiều lần triệu tập lấy lời khai, ngày 6/1/2010, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã thi hành Lệnh bắt tạm giam số 01/BTG do Viện KSND huyện Kỳ Sơn phê chuẩn đối với 2 bị can Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Lạc.
           
Tuy nhiên, xét bản chất của vụ việc, 2 chị Nguyệt, Lạc không có hành  vi “huỷ hoại tài sản” của ông Thi. Vì, tài sản (cây) trên đất (khoảnh 5 lô 2) đồi Cộ Tô không phải tài sản của ông Nguyễn Đức Thi. Tại Biên bản giao đất, giao rừng ngày 5/12/1995 đã ghi: “Đất trống để trồng rừng là 5.500m2 - khoảnh 5 số lô 2,3,4”. Biên bản kiểm tra về việc SDĐ lâm nghiệp, ngày 21/10/2008 của Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn, Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND xã Dân Hạ xác định: “Từ năm 1995, sau khi được giao đất theo Nghị định 02/CP, gia đình ông Thi hàng năm có bỏ công trông coi, bảo vệ để rừng phát triển tự nhiên, ngoài ra không có tác động gì khác”. Ông Thi cũng đã khai trước toà: “Riêng đồi Cộ Tô là 52.000m2 do không có đường vào nên không tiến hành trồng cây được, do vậy gia đình tôi đã khoanh nuôi bảo vệ từ đó đến nay”.  

Ở một khía cạnh khác, ông Thi được giao đất, giao rừng ngày 5/12/1995, nhưng năm  1997 - 1998, 2 anh em ông Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Bường vẫn mượn đất gia đình chị Nguyệt, Lạc để trồng cây thanh hao. Ông Bình cho biết: “Trong quá trình trồng cây Thanh hao, 2 anh em tôi đã thuê người phát dọn, đốt thực bì nhưng không thấy ông Thi ngăn cản. Tại đây không có cây to ngoài mấy cây rừng gia đình chị Nguyệt để lại làm cột lều trông nương”. Và, nếu ông Thi có tài sản trên đất (cây) thì người “huỷ hoại tài sản” ông Thi phải là 2 ông Bình và Bường.

Trong Biên bản khám nghiệm hiện trường, ngày 10/6/2009 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn và Quyết định trưng cầu giám định tài sản, ngày 17/6/2009 có ghi: “… Loại đường kính 20cm bằng 15 cây, chiều dài trung bình 4m”. Chứng cứ trên không thuyết phục, vì năm 1998, 2 ông Bình, Bường mới thu cây thanh hao, trả đất cho chị Nguyệt thì dù là cây rừng tái sinh hay cây ông Thi trồng, với thời gian 5 năm (1998 - 2004) cũng không thể có cây to (đường kính 20cm) như vậy.
Như vậy, các chứng cứ nêu trên đều cho thấy: Tài sản trên đất (cây) khoảnh 5 lô 2 - đồi Cộ Tô không phải của ông Nguyễn Đức Thi. 2 chị Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Lạc không phạm tội “Huỷ hoại tài sản”.
 
Từ vụ kiện dân sự, cơ quan pháp luật huyện Kỳ Sơn đã “chuyển” thành vụ án hình sự. Hậu quả là, 2 công dân vô tội là chị Nguyễn Thị Lạc và Nguyễn Thị Nguyệt đã phải chịu oan ức trong suốt 480 ngày. Nay, dù đã được minh oan, nhưng những tổn thất về thể xác, tinh thần của 2 chị là rất rõ ràng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Dư luận đang chờ đợi sự phán quyết nghiêm minh, công bằng của pháp luật đối với những người đã đẩy người vô tội vào vòng lao lý!

Nguyễn Ngọc Anh Thảo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm