Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội không phát huy tác dụng

Thứ ba, 30/08/2011 - 07:21

(Thanh tra)- Đó là một trong những hạn chế mà Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ ra tại Kết luận số 136/KL-TTr sau khi thanh tra tại Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa, Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tình trạng tái nghiện, tái mại dâm sau khi đã qua các Trung tâm GDLĐXH vẫn rất cao. Theo Thanh tra Bộ, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý của tỉnh.

Thiếu kiểm tra, đôn đốc

Kết luận thanh tra chỉ rõ: Công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Sở LĐ-TB&XH đối với các Phòng LĐ-TB&XH về phòng, chống ma túy, mại dâm không thường xuyên, dẫn đến tình trạng không thực hiện đúng chức năng, không theo dõi và quản lý được đối tượng nghiện ma túy, mại dâm trên địa bàn, không tiến hành lưu hồ sơ đối tượng.

Cũng bởi không có sự giám sát thường xuyên nên hiện tại huyện Diên Khánh và thị trấn Diên Khánh thuộc tỉnh Khánh Hòa vẫn duy trì tới 4 Ban chỉ đạo: Ban chỉ đạo, phòng chống tệ nạn xã hội; Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy; Ban chỉ đạo 814; Ban chỉ đạo, phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện Diên Khánh còn không có sổ theo dõi đối tượng, không nắm được tình hình số đối tượng nghiện ma túy, mại dâm trên địa bàn mình quản lý. Kiểm tra cũng cho thấy, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Khánh Hòa chưa thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 56/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh tra việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào Trung tâm GDLĐXH, Đoàn thanh tra phát hiện một số đơn vị Công an đã áp dụng sai nguyên tắc trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, cùng một hành vi vi phạm nhưng tại địa phương lại thực hiện 2 hình thức xử lý: Xử phạt vi phạm hành chính và ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường; hoặc xử phạt vi phạm hành chính và đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

 Việc xác định đối tượng thuộc diện phải đi cơ sở chữa bệnh cũng chưa làm đúng theo quy định pháp luật. Đơn cử, kiểm tra tại Công an phường Phương Sơn, TP Nha Trang, đoàn thanh tra phát hiện một số đối tượng đủ 18 tuổi đã bị xử lý vi phạm hành chính về sử dụng trái phép ma túy, sau đó tiếp tục tái nghiện, nhưng lại không được lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Trình tự, thủ tục thẩm tra, xét duyệt hồ sơ để đưa các đối tượng vào Trung tâm GDLĐXH cũng chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm. Theo kết luận thanh tra, thời gian thẩm tra, xét duyệt hồ sơ do Công an TP Nha Trang thực hiện còn chậm, dẫn đến Hội đồng tư vấn TP họp xét duyệt đưa đối tượng vào Trung tâm không bảo đảm thời gian quy định. Hiện tại, TP Nha Trang cũng chưa thực hiện đúng quy trình đưa các đối tượng cai nghiện vào Trung tâm GDLĐXH theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP.

Quản lý sau cai yếu kém

Theo kết luận thanh tra, công tác quản lý sau cai và quản lý, giáo dục đối tượng mại dâm tại cộng đồng, giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng tại tỉnh Khánh Hòa còn nhiều hạn chế. Đơn cử, Phòng LĐ-TBXH huyện Diên Khánh không nắm được tình hình đối tượng nghiện ma túy từ Trung tâm GDLĐXH trở về địa phương; không có sổ quản lý và theo dõi các đối tượng sau cai về địa phương. Vì thế, Phòng không thống kê được số đối tượng sau cai, tình hình đối tượng có việc làm hoặc không có việc làm, có tái hòa nhập được cộng đồng hay không?…

Thống kê cho thấy, các đối tượng sau khi từ Trung tâm trở về thường xuyên đi khỏi nơi cư trú mà không có sự giáo dục, quản lý của địa phương. Và, do công tác quản lý sau cai không tốt nên hầu hết các đối tượng đều tái nghiện trở lại. Báo cáo của UBND huyện Diên Khánh cho biết, 100% con nghiện tái nghiện sau điều trị.

Lý giải nguyên nhân này, theo Thanh tra Bộ là do hoạt động quản lý sau cai chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ địa phương. Việc huy động các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho đối tượng nghiện ma túy, mại dâm gặp nhiều khó khăn. Số đối tượng có thể tự tạo việc làm hoặc được giúp đỡ tạo việc làm còn hạn chế. Ngoài ra, do các Trung tâm GDLĐXH cũng chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thanh tra tại Trung tâm GDLĐXH của tỉnh, đoàn thanh tra cho biết, Trung tâm không thực hiện quản lý sau cai theo Nghị  định số 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng yêu cầu như: Chưa có bác sỹ phục vụ công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho học viên; hiện tại, Trung tâm còn 2 khu nhà ở với sức chứa 400 đối tượng bị bỏ trống, trong khi con số thống kê đối tượng nghiện, mại dâm tại cộng đồng lại rất cao. Thực tế, hàng năm số đối tượng nghiện ma túy, mại dâm được đưa vào trung tâm chiếm tỷ lệ thấp so với đối tượng ma túy, mại dâm tại cộng đồng…

 Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số sai phạm khác của tỉnh Khánh Hòa như: Thiếu chặt chẽ trong lập hồ sơ quản lý tại Trung tâm GDLĐXH; tổ chức quản lý, giáo dục, chữa trị, lao động, dạy nghề cho các đối tượng không đáp ứng yêu cầu (không có khu vực dành riêng cho người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các thiết bị y tế phục vụ khám bệnh còn ít, lạc hậu…).

Thanh tra Bộ yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện về phòng, chống mại dâm, tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai… Đồng thời, kiến nghị Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội xem xét, trình Bộ nâng mức phụ cấp kinh phí cho đội ngũ làm công tác phòng, chống mại dâm, quản lý sau cai tại cộng đồng vì mức phụ cấp như hiện nay không còn phù hợp./.


Khánh Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm