Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có giữ nổi rừng ở Tây Nguyên?

Thứ sáu, 04/05/2012 - 06:34

(Thanh tra)- Rừng Tây Nguyên được xem như lá phổi xanh của cả khu vực Đông Dương nhưng ngày càng bị cạn kiệt và dần đi đến tiêu vong. Chỉ tính trong quý I/2012, những vụ phá rừng "động trời" đã bị cơ quan chức năng phanh phui.

Hơn 100m3 gỗ được thu giữ từ vụ con cán bộ kiểm lâm phá rừng ở Gia Lai

Tại tỉnh Đắk Lắk, những cánh rừng giàu ở các huyện Ea H'leo, Ea Súp, Buôn Đôn là mảnh đất béo bở mà các đối tượng "lâm tặc" không thể bỏ qua. Trong tháng 1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ 12 đối tượng liên quan đến vụ vận chuyển, cất giấu trái phép khoảng 200m3 gỗ quý ở khu vực biên giới thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) vận chuyển về huyện Đắk Min (tỉnh Đắk Nông) tiêu thụ…

Tại tỉnh Gia Lai, vụ việc lớn gây rúng động dư luận nhất về tình trạng phá rừng xảy ra tại khoảnh 3, 5 tiểu khu 1003 thuộc lâm phần do Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ia Mơr (huyện biên giới Chư Prông) quản lý, lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện và bắt giữ 1 xe cẩu, 2 máy cày, 1 xe tải cùng 695 lóng gỗ, khối lượng lên đến gần 120m3.

Những cây to cả trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc tại rừng phòng hộ Đăk Đoa (Gia Lai)


Liên quan đến vụ việc này, ngày 5/3/2012, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam đối với đối tượng Vũ Duy Tuấn (34 tuổi, trú tổ 9, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) là đối tượng cầm đầu 6 đối tượng khác “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Đáng nói, Tuấn là con trai của một cán bộ lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai. 

Không dừng ở đó, những cánh rừng đặc dụng ở Gia Lai cũng bị phá hoại nghiêm trọng trong quý I/2012.

Tại lâm phần do BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê (huyện Đắk Pơ) quản lý, 16 hộ dân chặt phá gần 45.000m2 rừng để làm nương rẫy trái phép. Tại các tiểu khu 413, 415, 416, 418 và 456 thuộc cánh rừng phòng hộ Đăk Đoa, từ tháng 11/2011 đến cuối tháng 2/2012, các đối tượng "lâm tặc" và người dân tại chỗ đã ngang nhiên tổ chức 23 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích 22,65 ha. Khi vụ việc trở nên quá phức tạp, chính quyền và các lực lượng chức năng mới vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này. Liên quan đến tình hình này, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra, xử lý vụ việc phá rừng tại rừng phòng hộ Đắk Đoa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/3/2012.

Gỗ được “lâm tặc” cưa ngay ngắn cất giấu trong rừng


Không thể phủ nhận công tác điều hành của ngành chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên trước "vấn nạn" phá rừng. Trước tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn, mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Gia Lai đã có văn bản yêu cầu một số chủ rừng báo cáo, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vì để xảy ra chuyện rừng bị phá, lấn chiếm trái phép; tự nhận hình thức kỷ luật; đồng thời chỉ đạo tập thể, cá nhân các BQL rừng phòng hộ có liên quan đến trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và đề xuất Sở NN&PTNT ra quyết định xử lý kỷ luật.

Thế nhưng, điều nhiều người muốn biết: Tại sao các khu vực có rừng ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, với đủ các lực lượng Kiểm lâm, cán bộ BQL rừng, chính quyền địa phương, các trạm kiểm soát liên ngành, song "lâm tặc" vẫn có thể “đàng hoàng” xẻ gỗ thành hộp, tập kết hàng trăm m3 gỗ? Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Trách nhiệm của những lực lượng liên quan đến đâu trong các vụ việc này, hay chính việc quản lý và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên có "vấn đề"?

Điều đáng buồn là, chính những cán bộ làm công tác quản lý và bảo vệ rừng hay những người liên quan đến công tác này lại tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng. Đơn cử: Vụ Công an tỉnh Gia Lai phát hiện và bắt giữ đối tượng Vũ Duy Tuấn, con trai của cán bộ kiểm lâm tỉnh Gia Lai. Hay mới đây, ngày 30/3/2012, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang Thiếu úy công an Trần Thanh Tùng và kiểm lâm viên Tô Sỹ Phán thuộc Trạm Kiểm soát liên ngành đường sông Sê San 4 (tỉnh Kon Tum) đang nhận 15 triệu đồng hối lộ từ một đối tượng “lâm tặc” tại TP Pleiku.

Công văn chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Gia Lai


Hàng loạt vụ việc xảy ra liên quan đến tình trạng chặt phá rừng không thương tiếc trên những cánh rừng thuộc địa bàn Tây Nguyên, nhất là khu vực biên giới lúc này nóng hơn bao giờ hết.

Đã đến lúc, cần phải gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tàn phá rừng. Người dân mong muốn trước sự chỉ đạo của Chính phủ và sự ra quân quyết liệt của chính quyền, các ban, ngành chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên sẽ ngăn chặn hữu hiệu, trả lại màu xanh vốn có từ ngàn đời cho những cánh rừng hùng vĩ trên cao nguyên này.

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

(Thanh tra) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn giả mạo thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp lấy cả người đã chết để đứng tư cách pháp nhân thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn.

Văn Thanh

21:28 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm