Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chiêu giả người già trốn truy nã của nhân viên thu mua tôm

Thứ sáu, 13/05/2016 - 10:00

Trong hai năm ở vùng biên giới giáp Campuchia trốn truy nã sau khi chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng, Đức thay tên đổi họ, để râu dài như người đàn ông 60 tuổi và có vợ khác.

Đức trong hình truy nã và khi bị phát hiện. Ảnh: C.A

Đầu năm 2014, giới kinh doanh thủy sản ở Cà Mau rúng động trước cú lừa của Tô Hữu Đức (41 tuổi, TP Cà Mau). Anh ta là nhân viên điều hành sản xuất thu mua tôm của công ty nổi tiếng ở địa phương, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn. Công an tỉnh Cà Mau sau đó ra quyết định truy nã đối với Đức về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Đức biến mất như một bóng ma, không để lại bất kỳ dấu vết nào. Trong suốt hai năm bỏ trốn, người này không một lần liên lạc với vợ, cha mẹ và anh em. Có lúc, chúng tôi gần như tuyệt vọng, nhưng với quyết tâm bắt cho bằng được tội phạm, cuối cùng các trinh sát cũng dò la được nơi anh ta ẩn náu", thượng tá Nguyễn Chí Lai, Phó phòng truy nã Công an tỉnh Cà Mau kể.

Người đàn ông này có vợ và con nhưng sau khi phạm tội, anh ta đã âm thầm bỏ trốn, không lời từ biệt. Chỉ với bộ quần áo mặc trên người, gã nhân viên thu mua tôm bắt xe đến tỉnh Kiên Giang trong đêm. "Trong đầu tôi không định hình được mình sẽ đi đâu, chỉ biết đi càng xa càng tốt, đến nơi mà không ai biết mình", Đức khai khi bị bắt.

Biết sự mất tích đột ngột của mình sẽ bị công an truy tìm, nên khi đến Kiên Giang, anh ta không sống ở thành phố hay chợ huyện, mà tìm về những vùng sâu, với vỏ bọc là người xứ khác đi làm ăn nhưng bị chủ lừa gạt tiền công. Lúc đói khát, kẻ này vào nhà dân xin cơm để ăn, rồi ai thuê gì làm nấy. Nhưng nơi nào anh ta cũng chỉ ở được vài tháng.

Năm sau, Đức đến vùng biên giới giáp với Campuchia thuộc địa phận ấp Bà Lý, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Nơi này có địa hình núi non hiểm trở, dân cư tứ xứ đến ở và sinh sống chủ yếu quanh các thung lũng, ít ai đăng ký tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương.

Kẻ trốn chạy quyết định dừng chân để bắt đầu làm lại con người mới. Đức để râu dài ngang ngực, đầu tóc bờm xờm, lấy tên là Tô Văn Tính (tên của người em ruột Đức). Khi có ai hỏi, anh ta nói mình quê ở Cà Mau, vì nghèo khó mà phải bỏ xứ sang đây tìm kế sinh nhai.

Với dáng vẻ hiền lành, hay giúp đỡ mọi người, lại chịu khó làm ăn, người đàn ông trốn truy nã đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà con bản xứ. Không lâu sau, anh ta gặp và kết duyên với cô gái cũng bỏ quê Cà Mau đến đây tìm việc làm. Thấy Đức để râu dài, người vợ hỏi thì hắn bảo là "thích để vậy".

Thượng tá Lai cho biết, trong khi Đức sống ấm êm với cô vợ mới, thì các trinh sát vẫn ngày đêm lùng sục. Họ không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào dù là nhỏ về tung tích của Đức. "Chúng tôi nhiều lần lên Bạc Liêu và TP HCM tìm gặp mẹ và anh trai của Đức, nhằm vận động gia đình khuyên anh ta ra đầu thú. Nhưng họ khẳng định không biết thông tin nào về Đức", thượng tá Lai kể.

Ở những nơi đến, phó phòng truy nã cùng các cộng sự đều để lại thông tin cho người dân, với hy vọng có ai đó phát hiện ra kẻ lừa đảo. Sau hai năm tìm kiếm với những nỗ lực gần như bế tắc, đầu tháng 2, nguồn tin của trinh sát báo có người đàn ông giống Đức đang ở xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. 

Tuy nhiên khi đến nơi, tổ trinh sát gặp nhiều khó khăn, do không thông thạo địa hình đồi núi hiểm trở, cộng với việc bất đồng ngôn ngữ (do người dân nơi đây quen dùng tiếng Campuchia). Mặt khác người di cư không đăng ký hay khai báo thông tin với chính quyền địa phương, nên công tác tìm kiếm lại đi vào ngõ cụt.

"Suốt 3 ngày đêm, anh em chúng tôi lội bộ qua nhiều đồi núi, đến nhiều thung lũng nhưng vẫn không tìm thấy Đức. Mọi người động viên nhau vượt qua khó khăn, ban ngày thì cuốc bộ, ăn cơm hộp, uống nước giếng mang theo, ban đêm về mắc võng ngủ tại trụ sở xã", thượng tá Lai nhớ lại.

Đến ngày thứ 4, thượng tá Lai định báo cáo về đơn vị, xin ý kiến kết thúc cuộc truy tìm, thì nhận tin có người đàn ông đang đi đổi nước ngọt ở ven lộ xã Mỹ Đức giống với Đức. 

Quan sát từ xa người đàn ông đang lom khom đổ nước vào can nhựa, các trinh sát đối chiếu với hình trong lệnh truy nã thì thấy khác nhau hoàn toàn. Hình trong lệnh truy nã là nam thanh niên cao ráo, trắng trẻo, còn người đứng trước mặt họ là người đàn ông khoảng 60 tuổi, râu dài, tóc tai bờm xờm, thân hình đen đúa…

Sau vài phút suy nghĩ, thượng tá Lai tiến lại gần, hô to: "Anh Đức". Lúc này thùng nước trên tay người đàn ông rơi xuống, khi nghe có người gọi đúng tên mình đã che giấu gần 2 năm trời. "Lúc đọc lệnh bắt, vợ anh ta khóc rất nhiều, luôn miệng hỏi vì sao chồng giấu mình sự thật. Đức chỉ biết cúi đầu nói lời xin lỗi vợ trước khi tra tay vào còng để chúng tôi di lý về Cà Mau", thượng tá Lai nhớ lại.

Đức đang bị tam giam, chờ ngày hầu tòa.

Phúc Hưng/VnExpress


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm