Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bất an ở thủy điện Đắk Đring

Thứ bảy, 19/04/2014 - 06:59

(Thanh tra) - Từ khi đập thủy điện Đắk Đring tích nước (tháng 10/2013) đến nay, khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) thường xuyên xảy ra hiện tượng nổ lớn, rung chấn, làm người dân hoang mang, lo sợ. Trong báo cáo gửi UBND huyện Kon Plông, chủ đầu tư công trình thủy điện này cho rằng, rung chấn là do người dân nổ mìn đánh cá…

Khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Đring liên tục xuất hiện hiện tượng rung chấn, nổ lớn.

Rung chấn bất thường

Để hiểu rõ thực tế, chúng tôi đã về xã Đắk Nên (huyện Kon Plông) tìm hiểu vấn đề trên thì được nhiều người dân phản ánh: Thỉnh thoảng vẫn xảy ra những tiếng nổ lớn, kèm theo rung chấn nhẹ. Ông A Mân (64 tuổi) và con cháu trong gia đình, ngụ tại thôn Xô Thác (xã Đắk Nên) cho biết: “Thời gian gần đây, đặc biệt là trước Tết Nguyên đán 2014 thường xảy ra tiếng nổ lớn, rung chấn nhẹ trên địa bàn xã, rơi vào buổi tối. Còn từ sau Tết đến nay thì chỉ bị một, hai lần. Mỗi lần rung chấn, mái tôn nhà rung, kêu ồ ồ như có gió lớn thổi qua...”. 

Còn theo anh A Phương (44 tuổi), người dân thôn Xô Thác, cũng xác nhận hiện tượng này và tất cả những lần nổ kèm theo rung mặt đất, đều xảy ra vào ban đêm. “Có một lần khoảng 18, 19 giờ tối, ở lòng hồ thủy điện nổ như có ai đánh mìn nghe to lắm. Mình và mấy người ngồi trong nhà đều thấy nền nhà, mái nhà đều rung lên, ai cũng sợ”, A Phương kể. Ông Võ Thành Đông, một người buôn bán ở thôn Đắk Lai (xã Đắk Nên) cho biết: “Từ sau Tết đến nay, tôi có thấy 3 lần xảy ra tiếng nổ lớn, nhưng lần sau lúc nào cũng nổ to hơn và rung chấn mạnh hơn, trong đó gần nhất là xảy ra khoảng giữa tháng 3/2014”.

Ông Nguyễn Đức Công, cán bộ tư vấn giám sát của Công ty CP tư vấn Dự án điện lực dầu khí (PCC), thuê nhà dân ở thôn Xô Thác cho biết: “Tôi đã thực hiện giám sát nhiều công trình thủy điện, đặc biệt là các thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La thì không thấy xảy ra tiếng nổ và rung chấn. Sau thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), thì tại khu vực thủy điện Đắk Đring này là có xảy ra tiếng nổ và rung chấn.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nên cho hay, sau khi tích nước vào tháng 10/2013, đi về các thôn họp, ở đâu cũng nghe người dân phản ánh có hiện tượng rung trong lòng đất. Còn tại vì UBND xã cách trung tâm lòng hồ thủy điện 4km, tối nằm vẫn thấy hiện tượng rung lắc nhưng nhẹ”. Do hiện tượng rung chấn, tiếng nổ bất thường thường xuyên xảy ra, nên Chủ tịch UBND xã Đăk Nên Nguyễn Thanh Lợi đã ký văn bản báo cáo với UBND huyện Kon Plông biết hiện tượng lạ nói trên để có biện pháp xem xét, xử lý. Người dân đang rất cần một câu trả lời xác đáng để yên tâm, ổn định cuộc sống.Theo văn bản này, từ khi tích nước đến cuối tháng 2/2014, có 10 lần rung chấn, trong đó, từ 12/02 đến 27/02/2014, xảy ra 3 lần rung chấn mạnh. Cụ thể, vào 21 giờ 30 phút ngày 12/02 có 2 lần rung chấn, lần đầu cách lần thứ hai 10 phút; 2 giờ 30 phút ngày 27/02 xảy ra 1 lần rung chấn. Thời gian rung chấn thường xảy ra vào ban đêm, số lần tăng dần theo thời gian, cường độ mạnh dần, lần sau mạnh hơn lần trước, trong lòng đất phát ra tiếng nổ gây chấn động rung lắc mạnh. Sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Đắk Nên, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông đã ký công văn gửi chủ đầu tư, yêu cầu giải trình về việc rung chấn xảy ra trên khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Đring một cách khoa học, để tuyên truyền, giải thích cho người dân an tâm sinh hoạt sản xuất. UBND huyện Kon Plông cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến công trình thủy điện mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân sống trong vùng khu vực lòng hồ thủy điện.

Do dân nổ mìn đánh cá!

Phúc đáp về vấn đề này của Công ty CP thủy điện Đắk Đring (DHC), ông Đặng Hữu Thắng, Phó Giám đốc DHC nhận định: Hiện tượng rung chấn xảy ra vẫn nhỏ hơn động đất cơ sở vận hành theo thiết kế. Nếu xảy ra động đất, theo thiết kế tính toán ứng với xác suất vượt quá 10% trong vòng 50 năm (ứng với chu kỳ lặp lại 475 năm) là cấp 5 và gia tốc amax=25.81cm/s2 thì vẫn không ảnh hưởng đến công trình và đời sống người dân khu vực dự án. Hiện tượng rung chấn sẽ giảm dần theo thời gian và chấm dứt khi ứng suất nền khu vực lòng hồ ổn định sau nửa năm tích nước. Thế nhưng, thời gian 6 tháng đã qua, dù tần suất có thưa hơn nhưng trên lòng hồ đã xảy ra nổ, rung chấn lớn hơn. Như vậy, liệu có an toàn như DHC đã nói?

Cũng trong văn bản phúc đáp, DHC cho rằng, có những lần rung chấn là do dân đánh mìn bắt cá ở lòng hồ. Điều này, Chủ tịch UBND huyện Kon P’lông, ông Nguyễn Văn Lân không đồng tình. Ông Lân khẳng định, không có chuyện nổ mìn trên khu vực lòng hồ thủy điện. Cũng khẳng định điều đó, ông Nguyễn Thanh Lợi, Chủ tịch UBND xã Đắk Nên nói: Từ khi thủy điện tích nước đến nay, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã nên việc chủ đầu tư bảo hiện tượng rung chấn, tiếng nổ bất thường do đánh mìn là không chính xác. Bởi không có người dân nào của xã đánh mìn trên khu vực lòng hồ thủy điện. Cũng như ý kiến của lãnh đạo xã, ông A Phương, trú lại thôn Xô Thác (xã Đăk Nên) cho biết: “Không hề có chuyện người dân xã Đắk Nên đánh mìn. Vì làm gì có thuốc nổ để đánh cá, thuốc nổ bị Nhà nước cấm mà!”.

Trước hiện tượng bất ổn trong suốt những tháng qua, người dân khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Đring của xã Đắk Nên đang rất cần một giải thích khoa học từ các chuyên gia. Cơ quan chuyên môn cần vào cuộc để tìm hiểu và cung cấp cho người dân một câu trả lời xác đáng để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.

Công trình thủy điện Đắk Đring do Công ty CP thủy điện Đắk Đring làm chủ đầu tư, với công suất 125MW. Công trình được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 5.000 tỷ đồng. Thủy điện Đắk Đring được khởi công từ năm 2007, nhưng công tác đền bù, tái định canh, định cư cho người dân vùng lòng hồ thuộc địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vẫn chưa được chủ đầu tư và huyện Kon Plông thống nhất. Đến năm 2011, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư (chiếm hơn 90% tổng vốn dự án), thì việc an cư cho người dân mới được đề cập trở lại. Nhưng việc xây nhà tái định cư chỉ mới khởi động từ đầu năm 2013. Ngoài ra, yếu tố địa hình khu vực này rất hiểm trở, khó tìm được mặt bằng; một số điểm tái định cư phải thay đổi quy hoạch do nhân dân không đồng thuận; khó khăn về giao thông... dẫn đến chậm tiến độ. 

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm