Tại khu vực Cảng cá Mắt Rồng, đến thời điểm kiểm tra đã có 277 phương tiện đánh bắt xa bờ về tránh trú, 03 phương tiện hiện đang trên đường về cảng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ ghi nhận sự chủ động của huyện Thủy Nguyên cùng các đơn vị chức năng trong công tác tuyên truyền vận động các phương tiện và ngư dân về nơi tránh trú.

Đồng thời, Phó Chủ tịch yêu cầu, bão số 2 đang có những diễn biến phức tạp, vì vậy chính quyền địa phương cần liên tục cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện tàu thuyền và ngư dân, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Liên quan đến tình hình mưa gió do ảnh hưởng của bão, tại huyện Thủy Nguyên có nhiều công trình dự án đang thi công xây dựng, Phó Chủ tịch đề nghị nhà thầu cùng với Ban Quản lý khẩn trương thu dọn vật tư, tránh để xảy ra thiệt hại, đặc biệt là những công trình đang đào thi công rãnh thoát nước phải có cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông.

Cùng với đó, huyện Thủy Nguyên cần lưu ý tại một số khu vực sát núi, mưa lớn rất dễ gây tình trạng sạt lở…

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ cùng các sở, ban, ngành kiểm tra tại Trạm bơm Máy Đèn, quận Ngô Quyền. Ảnh: KT 

Kiểm tra hệ thống thoát nước đô thị tại Trạm bơm Máy Đèn, quận Ngô Quyền, Phó Chủ tịch yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị và địa phương thành phố tiếp tục kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công, tiếp tục tận dụng thuỷ triều, hạ thấp mực nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi; hệ thống thoát nước đô thị đề phòng mưa lớn và nước dâng do bão trong những ngày tới…

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến 10h00 ngày 10/8/2022 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.421 phương tiện/7.966 lao động, 344 lồng bè/792 lao động; 193 chòi canh/136 lao động đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Trước đó, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với bão số 2 (cơn bão Mulan). Các sở, ban, ngành và các quận, huyện khẩn trương rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với bão đã được phê duyệt; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão động phòng tránh; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Các đơn vị, địa phương chủ động điều tiết nước phòng chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, công trình phòng chống thiên tai, các công trình cao tầng đang thi công, các khu nhà cũ, yếu; sẵn sàng thực hiện xử lý các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.

Sở Xây dựng thành phố chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn; Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đảm bảo công tác phòng chống bão tại các khu, cụm công nghiệp quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão, kết quả triển khai thực hiện của các ngành, địa phương và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố các nội dung cần chỉ đạo để ứng phó và khắc phục hậu quả của bão.

Kim Thành