Trong khói hương trầm thoảng nhẹ tại bảo điện ngôi chùa, hàng trăm Phật tử như tôi đang chắp tay trước tam bảo cầu nguyện cho mình và gia đình một năm mới an yên, hạnh phúc.

Cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, cứ thế bắt đầu... bên ấm trà hoa cúc thơm ngát.

Tự chuyển hóa tâm mình

+ Trong giáo pháp của nhà Phật thì không có nghi lễ cúng sao, dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, ngày nay nhiều ngôi chùa sử dụng hình thức cúng sao. Họ lý giải rằng đây là một phương tiện để gieo duyên. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?

- Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Đúng là trong đạo Phật thì không có lễ dâng sao giải hạn. Vì đạo Phật dạy chúng ta tu hành để làm chủ thân tâm, chuyển hóa nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Tức là chuyển hóa vận số của mình từ xấu thành tốt. Đạo Phật đặc biệt như thế. Chúng ta biết là khi một người đã gieo một nhân gì, nếu đủ duyên thì nó sẽ trổ ra thành quả. Tu tập chính là hình thức gieo nhân và tạo những duyên mới tốt đẹp hơn để chuyển hóa những quả xấu. Chỉ có duy nhất phương pháp này để chuyển hóa mệnh số của chúng ta thôi chứ đạo Phật không có hình thức nào khác. Đạo Phật không chỉ để cầu khấn không.

Chúng ta cũng biết rồi, cả cuộc đời chúng ta không thể do một vài ông sao nào chi phối được. Một ông sao thì tuổi thọ có thể đến hàng triệu năm mà cuộc đời của chúng ta dài lắm thì được trăm năm là cùng.

Chẳng lẽ cả cuộc đời chúng ta chịu ảnh hưởng mãi bởi một ngôi sao? Mà chúng ta thấy rất nhiều con người từ lúc nhỏ họ rất nghèo khổ, vất vả nhưng lớn lên họ lại trở thành những người thành đạt, giàu có.

Rồi cũng có những người từ tốt trở thành xấu. Cuộc đời luôn thay đổi chứ không cố định như tuổi thọ hàng triệu năm của một ngôi sao. Bởi vậy, sướng - khổ, giàu sang - nghèo hèn, tốt - xấu là do chính bản thân mình.

Đạo Phật thấy rất rõ nguyên nhân chính tạo nên số phận một con người là từ mình và môi trường (còn gọi là duyên của mình) chứ không thể do một ông sao nào quyết định chi phối cả. Cho nên trong đạo Phật thì không chấp nhận lễ dâng sao giải hạn hay là cắt sao, chuyển số (di cung hoán số). Muốn di cung, muốn đổi số thì phải chuyển hóa tự tâm mình. Cho nên Phật dạy là:

Tâm dẫn đầu các Pháp
Tâm làm chủ tâm tạo
"

Đức Phật cũng cho phép các nhà truyền giáo được phép dùng phương tiện để dẫn độ chúng sinh. Và phương tiện phải là phương tiện thiện xảo, tức là rất khéo léo. Nếu mình dùng phương tiện không khéo thì người ta có thể bị mê lầm do chính phương tiện của mình.

Một số nơi, một số chùa gọi là “dùng phương tiện” để tạo duyên cho nhân dân vào đạo thì cũng phải hết sức cẩn trọng. Nếu không khéo phương tiện chúng ta dùng một lần lại khiến cho người ta có thể bị “hỏng” luôn. Dùng phương tiện này chúng ta sẽ dễ làm cho họ đi vào con đường mê luôn.

Việc dâng sao, giải hạn dễ dẫn cho con người ta đi vào mê tín, tà kiến.

Giữ được chùa là giữ được đạo

+ Từ một chiếc am nhỏ, nay chùa Ba Vàng đã được trùng tu, tôn tạo và xây dựng uy nghi, đẹp đẽ. Một điều đặc biệt đó là ngôi chùa luôn tạo cho Phật tử cũng như du khách thập phương một sự an bình, thân thiện và gần gũi. Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt này, thưa Thầy?

- Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Tại chùa tôi đặt ra ba việc phải làm cũng là ba tiêu chí. 

Thứ nhất: Phải có chương trình tu học của Tăng chúng và Phật tử thật rõ ràng.

Thứ hai: Xây dựng sự hòa hợp, đoàn kết của Tăng chúng và Phật tử. Tăng chúng của chùa phải tu tập lục hòa. Hiện nay, chùa có đến gần 90 đạo tràng. Thế nhưng các đạo tràng sinh hoạt rất đoàn kết và hòa hợp với nhau. Điều này tạo nên sức mạnh cho tùng lâm.

Thứ ba: Phải có chương trình rèn luyện sức khỏe, chăm sóc đời sống cho Tăng chúng. Quan tâm đến điều này để giúp cho Tăng chúng ở chùa yên ổn và an tâm tu hành.

Bên cạnh đó, chùa lấy tinh thần chủ đạo là “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

Tôi cũng chủ trương chùa Ba Vàng là chùa phụng sự cho nên còn gọi là chùa của nhân dân. Các cụ ngày xưa vẫn nói: “Đất của vua, chùa của dân”.

Chùa là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh tu hành thì phải giữ cho trang nghiêm. Vậy nên, tại chùa Ba Vàng thì tôi cũng giữ không cho bán hàng quán, ăn uống nhậu nhẹt, chè chén ở đây. Ở chùa là không có kinh doanh vì khi mang kinh doanh vào trong chùa làm chùa mất đi sự tôn nghiêm.

Hiện, tầng lớp thanh niên, giới trẻ đến chùa rất đông. Điều đó thật là đáng mừng vì nhà chùa rất quan tâm đến thế hệ trẻ để làm sao cho các em được tiếp cận với giáo lý của đạo Phật và được hướng thiện, hướng đến những điều cao quý. Cả chùa đi theo định hướng như vậy. Vì thế, nó cũng góp phần làm nên nét khác biệt.

+ Hiện nay, khoa học đã phát hiện ra vũ trụ của chúng ta có hàng ngàn các hành tinh khác nhau. Điều này Đức Phật đã nói trong kinh điển từ hơn 2.500 năm về trước. Vậy Thầy có cho rằng: Cuộc Cách Mạng 4.0 đã, đang và sẽ đem lại nhiều lợi ích cho con người không?

- Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Tôi nghĩ rằng một nền khoa học được gọi là văn minh thì khoa học đó phải kết hợp với đạo đức, khoa học đó phải được hướng dẫn bởi đạo đức. Giống như nhà bác học Albert Einstein nói: “Đạo Phật không những đồng hành cùng khoa học mà còn có thể dẫn đường cho khoa học”. Cho nên, khoa học thời nay tiến bộ như vậy thì bên cạnh đó phải có đạo đức đi cùng. Nếu thiếu đạo đức thì khoa học cũng có thể hủy diệt loài người, hủy diệt nhân loại, chưa hẳn đã đem lại hạnh phúc cho con người.

Quan điểm của chúng tôi về cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0: Cách mạng 4.0 là tốt nhưng phải luôn luôn được soi sáng và chỉ dẫn bởi đạo đức thì mới đem lại hạnh phúc cho nhân loại được.

Trà Vân (Thực hiện)