Sự choáng váng từ “bóng tối ngờ vực”

Sự choáng váng của những tín đồ Chanel không chỉ bởi những cáo buộc “nữ vương” của làng thời trang Pháp làm gián điệp cho Đức Quốc xã thời Thế chiến thứ hai bởi thực ra những tin đồn về chuyện này đã râm ran từ rất lâu. 

Họ choáng váng bởi cái cách mà lần này những cáo buộc được đưa ra. Chính người Pháp - những người từng rất không muốn hình ảnh của Gabrielle Coco Chanel, một trong những thần tượng văn hóa vĩ đại của nước Pháp, bị hủy hoại - lần này đã là chủ nhân của bộ phim tài liệu có tựa đề L'Ombre d'un Doute (The Shadow Of A Doubt - Bóng tối ngờ vực) trong đó chứa đựng bằng chứng không thể chối cãi về việc Chanel từng làm gián điệp cho Đức Quốc xã trong thời chiến. 

Và cũng lần đầu tiên, sau rất nhiều lần “ngó lơ”, một trong những kênh truyền hình quốc gia của Pháp France 3 - ngày 3/12 vừa qua - đã cho phát sóng L'Ombre d'un Doute như một lời thừa nhận chính thức rằng Chanel từng là điệp viên có bí số hẳn hoi của Abwehr, cơ quan tình báo quân sự bí mật của trùm phát xít Adolf Hitler.

Độ chính xác 100% của những nghi vấn về nữ điệp viên Coco Chanel dưới mật danh F-7124, tên mã là Westminster, đã được kiểm chứng. 

Lần giở lại lịch sử, giờ này nhiều người mới hiểu rằng vì sao sau Thế chiến thứ hai, chính quyền Pháp từng ban lệnh bắt Coco Chanel vì tội phản quốc; vì sao “nữ vương” thời trang oai liệt là thế, ham mê ánh sáng phù hoa của đường catwal là thế, lại có lúc cam chịu ủ mình cho đến khi chết vì tuổi già và nỗi cô độc trong chính khách sạn Ritz - chứ không phải là nơi chốn nào khác. Và vì sao, một người Pháp, làm nên niềm tự hào vô song cho thời trang Pháp như Coco Chanel rốt cuộc lại chọn nơi an nghỉ, không phải là nước Pháp quê hương mà tại Lausanne (Thụy Sĩ).

“Ngủ với kẻ thù”…

Lausanne chính là nơi Coco Chanel sống lưu vong mấy năm hậu chiến bên cạnh người tình Hans Guenther von Dincklage và Hans Guenther von Dincklage - điệp viên chuyên nghiệp của Abwehr - chính là người mà trong cuốn sách phát hành hồi tháng 8/2011 mang tên “Sleeping With the Enemy: Coco Chanel's Secret War” (“Ngủ với kẻ thù: Cuộc chiến bí mật của Coco Chanel”), sử gia người Mỹ Hal Vaughan đã thẳng thừng cáo buộc rằng đã đưa một Coco Chanel đơn thuần của thời trang và nước hoa trở thành điệp viên Westminster.


 Coco Chanel

L'Ombre d'un Doute và “Sleeping With the Enemy: Coco Chanel's Secret War” đã cùng đạt tới sự thống nhất khi tìm ra sự thật về mối quan hệ Coco Chanel - Hans Guenther von Dincklage. 

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1940 - Pháp thất thế trên chiến trường, Paris hoa lệ trong tay phát xít Đức. Đang ở đỉnh điểm của thành công, chiến tranh buộc “đại gia” Coco Chanel phải bỏ Paris, sơ tán về miền biên giới sát Tây Ban Nha chưa bị phát xít Đức chiếm đóng để lánh nạn. 

Tuy nhiên, một con người đam mê yêu, ham thích phù hoa, từng trải qua thời thơ ấu trong trại tế bần nên căm ghét sự nghèo nàn và tĩnh lặng như Coco Chanel đã không thể chịu đựng được cuộc sống sơ tán. 

Mùa Thu năm 1940, bất chấp mọi nguy hiểm, Chanel quay về Paris, đòi về chính căn hộ của bà trong khách sạn xa xỉ Ritz bên quảng trường Place Vendôme. Chính tại khách sạn giờ đây bị quân Đức trưng thu và biến thành đại bản doanh của không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) tại Pháp, cuộc tình giữa nhà thiết kế người Pháp với nam tước Hans Gunther von Dincklage, tùy viên tại Đại sứ quán Đức đồng thời là sĩ quan cao cấp của Gestapo (cơ quan mật vụ Đức Quốc xã), kém Chanel tới 13 tuổi, bắt đầu. 

… Và tham vọng bí mật 

Khó có thể nói trong câu chuyện tình Coco Chanel - Hans Guenther von Dincklage, ai sa vào lưới tình của ai. Chính xác thì cả Coco Chanel lẫn Hans Guenther von Dincklage, trước khi bước chân vào mối quan hệ đầy bí mật này (Coco Chanel - Hans Guenther von Dincklage chưa bao giờ cùng nhau xuất hiện bên ngoài khách sạn Ritz), đều tự giăng cho “đối tác” một cái bẫy riêng. 

Với Hans Gunther von Dincklage, theo sự chỉ huy của “cấp trên”, “đơn giản” là tận dụng triệt để danh tiếng cùng vô số những mối quan hệ mật thiết của “người đàn bà quyền lực” với rất nhiều nhân vật đình đám tại nước Anh. 

Còn với Coco Chanel, một người, theo sử gia Hal Vaughan, “không tin bất kỳ thứ gì, trừ thời trang, không quan tâm tới Hitler, chính trị hay chủ nghĩa quốc xã, ngoài công việc kinh doanh của mình”, thì mối quan hệ với Hans Guenther von Dincklage, cả chuyện trở thành điệp viên Westminster, đơn giản là “dựa hơi để thu lợi”. Chiến tranh đã làm công việc kinh doanh của bà vốn đang trên đỉnh cao phát đạt, bị ảnh hưởng. Sự “che đỡ” của Đức Quốc xã sẽ giúp bà “yên tâm làm ăn”. 

Thêm nữa, theo nhiều tài liệu, Chanel đã lợi dụng sự ảnh hưởng của bà với phát xít Đức để giành lại công ty kinh doanh nước hoa mà bà từng bán cho gia đình Do Thái Wertheimer hồi năm 1924 (gia đình này đã đưa nước hoa Chanel số 5 trở thành sản phẩm bán chạy nhất thế giới. Tuy nhiên, thời đó, phát xít Đức có quy định cấm người Do Thái sở hữu các doanh nghiệp, sẽ khiến dây chuyền sản xuất nước hoa Chanel bị tịch thu và trả lại cho bà).

Có điều, “nhân tính không bằng trời tính”, gia đình Wertheimer đã kịp thời bán cổ phần của họ trong công ty nước hoa cho một doanh nhân Đức. Sứ mệnh của một “sứ giả hòa bình” rốt cuộc cũng “xôi hỏng bỏng không” khi Chanel dự định tranh thủ mối quen biết trong quá khứ với Thủ tướng Anh Winston Churchill để giúp Đức đảm bảo một thỏa thuận với lực lượng Anh khi đó đang đóng tại Madrid. 

Tuy nhiên, kế hoạch của Chanel đã thất bại khi nhà lãnh đạo Anh phớt lờ lời đề nghị này. Với “nữ vương” Coco Chanel, tham vọng quá lớn rốt cuộc đã trở thành sự tuyệt vọng, thậm chí phủ lên danh tiếng của bà vết nhơ phản quốc khiến cho bà tới khi qua thế giới bên kia, vẫn phải chọn cuộc sống lưu vong.  

Hà Anh