“Việc điều chuyển đối với Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương là phản ứng rất nhanh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cá nhân tôi, đánh giá, việc này hợp với ý nguyện, mong muốn của cử tri, dư luận”, bà Hải nói. 

Điều chuyển ông Nguyễn Đăng Cương về Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Chiều 30/5, Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phát đi thông báo chính thức cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất điều chuyển ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đến làm việc tại Văn phòng Bộ trong thời gian 6 tháng (từ ngày 1/6) để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ của Bộ và chờ bố trí, sắp xếp công tác khác.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm tập thể và các cá nhân liên quan.

Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành nói chung và tập trung rà soát lại các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để báo cáo Bộ trưởng và cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay.

Vụ Tổ chức cán bộ sẽ chủ trì phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan liên quan rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Bộ cũng nêu rõ, 300 bài hát ghi trong danh mục đã được gỡ bỏ ra khỏi website của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin rộng rãi về các giải pháp xử lý liên quan đến việc cập nhật, bổ sung danh sách 300 ca khúc trong thời gian vừa qua.

Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ, trong sáng nay, bà có nhận được kiến nghị của nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang là một bức thư rất tâm huyết, trong đó, nêu bức xúc và mong muốn với những sai phạm trong điều hành như vậy thì đề nghị ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phải bị tạm đình chỉ công tác.

Ngoài ra, bản thân bà cũng nhận được một số điện thoại của cử tri và phản ánh của những xung quanh thể hiện bức xúc về việc cấp phép bài hát Quốc ca.

“Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn là cán bộ có giữ chức vụ nên tất cả việc xem xét, đánh giá trách nhiệm, bố trí công việc sẽ phải theo trình tự công việc, đánh giá theo năng lực, đào tạo để bố trí để làm sao không làm gián đoạn công việc của Cục Nghệ thuật biểu diễn”.

Theo bà Hải, Cục Nghệ thuật biểu diễn rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân, cần thiết phải được điều hành thông suốt chứ không thể để trống.

Việc Thứ trưởng Vương Duy Biên tạm thời phụ trách Cục là giải pháp hợp tình hợp lý vì Thứ trưởng Biên là người trực tiếp phụ trách nghệ thuật biểu diễn và là 1 nghệ sĩ nhân dân cũng có kiến thức tốt trong lĩnh vực này

Trước ý kiến cho rằng, việc ông Nguyễn Đăng Chương bị điều chuyển công tác được xem là trường hợp đầu tiên “mất chức” vì các phản ứng của dư luận, bà Hải cho hay, quyết sách đó đều dựa trên luật như Luật Công chức, viên chức...

Tuy nhiên, cũng có sự việc cần có thời gian để nghiên cứu đánh giá và cũng có sự việc bản thân nó phơi bày ra kết quả nên thời gian đánh giá cũng ngắn hơn nhưng tất cả đều phải làm theo quy định thủ tục của pháp luật.

Về thời hạn xử lý sự việc tương đối nhanh, theo bà Nguyễn Thanh Hải, điều này thể hiện tuyên ngôn của Thủ tướng về một Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, liêm chính.

Thời gian qua, trên cương vị quản lý, ông Nguyễn Đăng Chương đã để xảy ra nhiều sự việc liên quan đến việc cấp phép ca khúc, khiến dư luận bức xúc.

Mở đầu là việc ra văn bản “cấm nhầm” với 5 ca khúc nhạc xưa, trong đó có bài “Con đường xưa em đi”. Lý do thu hồi giấy phép lưu hành 5 ca khúc này được Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra là vì ca khúc bị sửa lời, sai tên tác giả, vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày 14/4, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải thu hồi lại văn bản dừng lưu hành 5 ca khúc và thừa nhận sai. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng và ông Đào Đăng Hoàn, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thừa nhận lỗi và xin rút kinh nghiệm sâu sắc.

Sau sự việc này, đến đầu tháng 5/2017, câu chuyện cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục khiến dư luận bức xúc. Cục đã cập nhật hơn 300 bài “nhạc đỏ” trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến”, gây ra làn sóng phản ứng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố phổ biến những bài hát này của Cục Nghệ thuật biểu diễn là việc làm không cần thiết, vì đó hầu hết là những bài hát đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc. Thậm chí bài "Tiến quân ca" đã được Quốc hội lựa chọn là Quốc ca nước ta từ năm 1946 đến nay.

Ngày 22/5, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26/4/2017, trên tinh thần: Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Liên quan đến việc này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Sau đó, ông Nguyễn Đăng Chương lại lên tiếng xin lỗi và thừa nhận việc rà soát, cập nhật danh mục các bài hát đã được phổ biến rộng rãi trên website đã gây ra sự hiểu lầm trong dư luận là Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép các bài hát cách mạng.

  Thảo Nguyên