Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có Văn bản số 278/GP - NTBD cấp phép phổ biến cho hơn 300 ca khúc được phổ biến rộng rãi. Trong đó, chủ yếu là các ca khúc nhạc cách mạng với nhiều ca khúc quen thuộc  như “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”… Đặc biệt, ngay cả bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng vừa được Cục này cấp phép "cho phổ biến rộng rãi".

+ Ông nghĩ gì khi nhận được thông tin này?

Ngạc nhiên và hơi bất ngờ. Cơ quan quản lý thực hiện giải pháp nghiệp vụ là bình thường. Nhưng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho phổ biến 300 bài hát, trong đó có nhiều bài là của tác giả cách mạng, được hát mấy chục năm nay thì rõ ràng có vấn đề về mặt quản lý. 

ĐBQH Dương Trung Quốc: Xác định lại chức năng của Cục Nghệ thuật biểu diễn là gì

Chức năng của Cục đúng là kiểm soát các hoạt động có tính chất kinh doanh hoặc công cộng nhưng không phải cấp phép là cách duy nhất.

"Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần xác định lại cho rõ chức năng của Cục Nghệ thuật biểu diễn là gì. Việc cấp phép này cũng rất vất vả cho cả người làm cũng như người khác nữa. Tức là làm phiền lẫn nhau", ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo ĐB Dương Trung Quốc, những bài hát chưa được cấp phép là do có yếu tố lịch sử. Ví dụ như những bài hát sáng tác trước năm 1975.

"Tôi cũng rất muốn, việc này, ngành Văn hóa cần làm ngay, tất cả chứ không phải chờ cấp phép nhỏ giọt", ông nói và cho rằng, tính từ thời điểm giải phóng miền Nam đến nay đã có hơn 40 năm. Chúng ta có cả một cơ chế, viện nghiên cứu, chuyên gia... họ có thể đánh giá lại di sản âm nhạc để thấy cái gì hợp, không hợp để có kiến nghị. Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể dựa vào kết quả ấy để cấp phép chứ không phải là người có quyền cho phép.

Ví dụ, bài “Tiến quân ca” không còn là bài hát thông thường, mà là tài sản chung của đất nước, được khẳng định trong Hiến pháp - đạo luật quan trọng nhất rồi thì liệu có cần cơ quan cấp Cục cho cấp phép phổ biến nữa không?

Hay kỷ niệm ngày 30/4, bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”là tiếng reo vui sau bao năm đất nước chia cắt, gắn với hình ảnh lãnh tụ của chúng ta giờ mới được phép lưu hành?. Cả dân tộc ta mấy chục năm qua là hát “chui”? Liệu ngành quản lý nghệ thuật, biểu diễn có cần quan tâm đến tất cả các bài hát hay không?

Hơn nữa, những tác giả cách mạng, bản thân họ đã có Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhưng công trình, trong đó có những bài hát thì có cần được cấp phép. Những bài hát như thế sao lại đặt vấn đề phổ biến.

Tôi cho rằng, khi cơ quan quản lý ban hành quyết định thì phải cân nhắc đến hiệu quả vì hậu quả của nó liên quan đến văn hóa, nhân văn, thậm trí cả về mặt chính trị.

+ Có một “bài toán” đơn giản là chỉ công bố những bài hát bị cấm phổ biến, những bài hát còn lại mặc nhiên được sử dụng, phổ biến. Quan điểm của ông về điều này?

Đúng vậy! Rõ ràng rà soát những bài hát cấm lưu hành sẽ ít hơn nhiều những bài hát được lưu hành, được phổ biến rộng rãi.

Chúng ta có đặc thù lịch sự là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thời gian đất nước chia cắt hai miền dài nên cần rà soát chưa cấp phép những bài hát không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay

Quan điểm của tôi là chỉ tập trung vào một số tác giả sống ở Miền Nam và  bài hát trước năm 1975 thôi, thay vì rà soát lại tổng thể các tác giả, các bài hát.

Còn những bài hát như "Tiến quân ca", “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”… thì mặc nhiên được công nhận phổ biến rộng rãi.

+ Với một loạt hành động trong quản lý Nhà nước về cấp phép và cho phép phổ biến ca khúc đã đi vào lịch sử, có ý kiến cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trượt một bước quá xa cần phải xem xét trách nhiệm?

Quản lý ở đây là quản lý văn hóa, quản lý sản phẩm văn hóa tinh thần nên những người làm công tác này phải có hiểu biết, ứng xử rất văn hóa, đúng theo lĩnh vực mình quản lý.

Cấp phép lưu hành những bài hát như “Tiến quân ca”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” là những sai sót không thể chấp nhận được.

Tôi cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn và cao hơn là ngành Văn hóa cần phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, xem trách nhiệm đến đâu. Nếu là quy trình thủ tục, cách làm thì phải thay đổi để phù hợp hơn. Còn nếu là do sự thiếu trách nhiệm, làm không đến nơi, đến chốn của những người làm công tác này thì phải có hình thức xử lý phù hợp và công bố rộng rãi với nhân dân và cử tri.

Vì đây là vấn đề đụng đến văn hóa của cả đất nước, cả của dân tộc, ảnh hưởng đến dư luận xã hội, chứ không phải là một quyết định hành chính đơn thuần.

+ Người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giải thích, việc này là để “số hóa” tạo thành kho dữ liệu, giúp cho tất cả giúp cho tất cả các đơn vị tổ chức sự kiện, nghệ sĩ, nhà tổ chức biết, khai thác thông tin sử dụng khi cần thiết. Ông có đồng ý với giải thích này?

Chưa thuyết phục! Bởi “số hóa” thì không phải chỉ 300 bài hát mà kho tàng bài hát rất là nhiều. Việc “số hóa” là kỹ thuật bên trong, đơn thuần chuyển từ hình thức lưu trữ này sang hình thức lưu trữ khác.

Nghĩa là, từ kho dữ liệu lưu trữ băng đĩa của chúng ta bao nhiêu năm nay, cơ quan chuyên môn chứ không phải cơ quan quản lý đổi hình thức lưu trữ từ lưu trữ năng đĩa sang lưu trữ bằng số. Và tung kho dữ liệu đó lên mạng để mọi người có thể truy cập chứ hoàn toàn không phải công bố bằng một quyết định.

+ Việc công bố bằng một quyết định, khiến người dân hiểu rằng, muốn được hát, muốn được phổ biến rộng rãi các bài hát đó phải xin phép cơ quan quản lý theo trình tự thủ tục nhất định nào đầy?

Đúng vậy! Khi công bố như vậy, người tác có cảm giác là để thể hiện quyền của cơ quan quản lý, khi sử dụng phải xin phép, liên quan đến xin - cho, cấp phép - xin phép như một dạng giấy phép con.

Dù hiểu theo góc độ nào thì cũng rất khó chấp nhận.

+ Xin cảm ơn ông!

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Thảo Nguyên