Tránh tố cáo tràn lan, sai sự thật

Trình bày tờ trình, theo Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật.

Luật Tố cáo được sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo.

Cùng với đó, quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.

Liên quan đến hình thức tố cáo, dự thảo quy định, chỉ chấp nhận xem xét, giải quyết tố cáo bằng đơn và trực tiếp, không xem xét tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại, tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo).

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu lý giải, điều này để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

Những năm qua, các cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó, có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

“Nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo”, Tổng Thanh tra nói.

Lo ngại giải quyết đơn nặc danh sẽ rất rối

Cho ý kiến về Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt chia sẻ, công việc giải quyết tố cáo rất vất vả, áp lực.

“Trên mặt trận nóng bỏng này mà giữ được đất nước ổn định trong những năm qua là có công của các đồng chí”, ông Việt nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, "chúng ta chỉ nên giải quyết đơn thư chính thống”

Theo ông Võ Trọng Việt, hiện có một bộ phận đội ngũ cán bộ tiêu cực rất sáng tạo, tinh vi đối phó với chính sách pháp luật. Trong khi, cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay rất yếu, nhiều trường hợp vì “miếng cơm manh áo” nên người ta phải im lặng.

Tuy vậy, ông đồng ý với tờ trình của Chính phủ, không quy định giải quyết tố cáo nặc danh.

“Trong tình cảnh này mà giải quyết đơn thư nặc danh thì loạn đất nước. Chúng ta chỉ nên giải quyết đơn thư chính thống”, ông Việt nêu quan điểm và cho rằng, vấn đề quan trọng là phải xây dựng đội ngũ giải quyết khiếu nại, tố cáo làm sao để dân bái phục. Đồng thời phải xử lý người tố cáo bậy, cố tình dựng chuyện, vu cáo người khác.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu, đã đứng lên tố cáo thì phải đàng hoàng, chính danh tránh tình trạng “ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe”.

“Nếu chấp nhận giải quyết đơn tố cáo mạo danh, nặc danh, khuyết danh thì rất rối”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu, Dự thảo cũng chỉ nên quy định chấp nhận hai hình thức tố cáo là trực tiếp và bằng văn bản.

Quy định chặt, tránh tố cáo như “khủng bố tinh thần”

Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… cũng như cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình phân tích, “trong điều kiện xã hội hiện nay, khi tố cáo không phải ai cũng mạnh dạn nói cái tên của mình. Vừa qua có nhiều chuyện đau lòng. Như chuyện ở một trường thôi, tất cả giáo viên đã không dám nói khác với cô hiệu trưởng, nói gì đến tố cáo những việc khác. Rồi rất nhiều chuyện, Thủ trưởng nói, nhân viên im lặng”.

Theo GS.TS Bình, nếu quy định không xem xét đơn tố cáo nặc danh thì e rằng sẽ bỏ lọt nhiều thông tin.

“Trong thế giới phẳng, mạng thông tin xã hội là công cụ để người dân nói thẳng suy nghĩ, ý kiến của mình. Vấn đề ở đây, chúng ta phải tiếp nhận, sàng lọc thông tin. Có những thông tin ban đầu tưởng là rất tào lao, nhưng sau này xác minh lại thấy có sự thật”, ông Bình nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về nguyên tắc không giải quyết đơn thư nặc danh, mạo danh, nhưng trường hợp nội dung rõ ràng, có chứng cứ thì cần phải có trách nhiệm xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Cho nên, Dự thảo quy định phải cân nhắc, để không bó hẹp, làm vô hiệu hóa các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nếu luật này không mở ra hình thức để người dân có điều kiện sử dụng thì lại chưa đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng và xu hướng của Chính phủ.

“Tuy nhiên, một việc chúng ta cũng bức xúc quan tâm là tối, ngày tố cáo qua nhắn tin như khủng bố tinh thần. Không phải tố cáo mình nhưng đọc những tin đó như khủng bố tinh thần, liên tục có khi nửa đêm, có khi đêm giao thừa cũng nhắn tin, chúng ta không để xã hội diễn ra 1 cách lộn xộn như thế”, bà Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu bổ sung hình thức tố cáo thì phải quy định thật chặt chẽ, tức là phải gửi đúng địa chỉ, cơ quan có thẩm quyền, nghiêm cấm việc gửi tin nhắn cho hàng trăm người... Đối với đơn thư nặc danh, mạo danh, trường hợp nội dung rõ ràng thì cần phải có trách nhiệm xem xét.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình thêm và nêu quan điểm, nên giữ 2 hình thức tố cáo và giải quyết những vấn đề khác mở rộng đều xoay quanh 2 trục này.

“Ví dụ, qua mail, fax hay qua thông tin điện tử khác, cơ quan nhận được thì phải tiếp cận thông tin, tìm cho rõ người tố cáo, kể cả nội dung tố cáo để nhận bằng chứng hết sức rõ ràng để xử lý. Như vậy, chúng ta biết được địa chỉ, chức danh, tên họ của người tố cáo, nghĩa là vẫn giải quyết theo đơn có địa chỉ. Nếu không rõ, thì xử lý như đơn mạo danh, nặc danh. Tôi thống nhất cũng là xem xét nếu nội dung nếu tình tiết đó hoặc có bằng chứng hết sức cụ thể, rõ ràng để xử lý”.

So với Luật Tố cáo năm 2011, Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) có thêm một chương mới là chương V về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo. Luật sửa đổi lần này cũng thêm mới 14 điều; sửa đổi, bổ sung 36 điều so với Luật Tố cáo.

Hầu hết các vấn đề quan trọng của Luật Tố cáo năm 2011 đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thêm mới như: Phạm vi điều chỉnh; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.

Thảo Nguyên