Để lâu sẽ thành thói quen “không có tiền, công việc không chạy”

+ Tham nhũng “vặt” đã trở nên phổ biến đến mức người ta nhìn nhận như một việc bình thường. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Tham nhũng “vặt” rất nguy hại bởi nó ảnh hưởng đến từng người, từng nhà, từng gia đình. Cứ nói “vặt” nhưng trên thực tế nó “nã” vào túi của từng người dân nên tổng số tiền là lớn.

Có những người dân hoàn cảnh rất khó khăn vẫn phải chấp nhận chi trả những khoản tiền để lo thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận lợi. Nghĩa là, nó “vặt” nhưng diễn ra trên phạm vi rộng. 

Nguy hại hơn, tham nhũng “vặt” nếu để tồn tại quá lâu sẽ hình thành hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi tiếp xúc với nhau để trao đổi công việc, thực hiện thủ tục hành chính. Đó là thói quen “không có tiền, công việc không chạy”.

Ví dụ, đi làm giấy khai sinh phải để vào đấy một ít tiền cho nhanh, nếu không là thấy rất lạc lõng. Cán bộ thụ lý việc đó cũng thấy đương nhiên mở ra phải có phong bì, phải có chút tiền mới làm cái việc mà lẽ ra phải thực hiện và dù việc đó đã được chi trả bằng tiền lương. 

+ Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) công bố năm 2018 cho thấy, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân tăng lên. Dù lo ngại đói nghèo nhưng mức độ “chung chi” cho cán bộ nhũng nhiễu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại?

Chính vì lo lắng điều này nên trong rất nhiều cuộc họp thời gian qua ở Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đã đề cập đến cần phải có giải pháp hiệu quả hơn để chống tham nhũng “vặt”, song song với phòng, chống những vụ tham nhũng lớn. 

Người dân nghe qua phương tiện thông tin đại chúng thấy công bố kết luận vụ tham nhũng này thu về cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, kỷ luật người này, khởi tố người kia, họ rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước chống tham nhũng không có vùng cấm. 

Tuy nhiên, ra đường vẫn bắt gặp hiện tượng mãi lộ, vào viện khám bệnh vẫn phải có phong bì, làm bất kỳ thủ tục hành chính gì cũng phải có “lót tay” thì niềm tin của người dân với công cuộc chống tham nhũng sẽ bị xói mòn. 

Tôi đã đưa ra hình ảnh một con đê có thể bị phá bởi những ổ mối rất nhỏ. Những ổ mối đó ban đầu rất nhỏ nhưng nó cứ ăn dần, ăn mòn, cuối cùng khiến cả con đê bị rỗng. 

Tham nhũng “vặt” cũng như vậy! Nếu chậm trễ, tham nhũng “vặt” sẽ ăn mòn đạo đức xã hội, gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của người dân, ảnh hưởng đến những kết quả, thành tựu kinh tế xã hội đã đạt được. 

“Cả hệ thống vào cuộc, chắc chắn tham nhũng “vặt” sẽ giảm”

+ Đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nạn tham nhũng “vặt”này, thưa bà?

Trước hết, nó xuất phát từ các quy định của pháp luật khi vẫn còn các quy định không minh bạch, rõ ràng nên tạo ra các “kẽ hở” để cho những công chức, viên chức lợi dụng để nhũng nhiễu, hỏi lối lộ “lót tay”. 

Tiếp nữa, là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - thực tế là khi thực hiện cải cách, Chính phủ đã rất công khai, minh bạch nhiều thủ tục hành chính, cắt, giảm thời gian thực hiện… nhưng người dân lại muốn thực hiện nhanh hơn nữa nên sẵn sàng chi trả một khoản tiền để đạt được mục đích. Ý thức tuân thủ pháp luật như vậy là rất kém. 

+ Có ý kiến cho rằng, tiền lương của cán bộ, công chức thấp dẫn đến các hành vi trên. Theo bà, có nên đặt vấn đề rằng, đạo đức công vụ xuống cấp có nguyên nhân do tiền lương chưa tương xứng không?

Tôi cũng đánh giá đó là một nguyên nhân, vì người ta vẫn nói rằng một hệ thống pháp luật nghiêm minh, chế độ lương, hỗ trợ công chức đầy đủ, hệ thống giám sát tốt thì người cán bộ, công chức đó không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.

+ Từ nhận diện các nguyên nhân, thực trạng trên, theo bà, đâu là giải pháp để xử lý vấn nạn này?

Phòng, chống tham nhũng “vặt”, không chỉ có ý nghĩa trừng trị những kẻ lộng quyền, nhũng nhiễu người dân, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn có ý nghĩa xây dựng, kiến tạo lòng tin, đạo đức của người dân cũng như cán bộ, công chức. 

Tôi nhớ và rất ấn tượng với hình ảnh, khi phóng viên Nhật bị lực lượng IS giết hại, bố mẹ anh đã lên truyền hình cúi đầu xin lỗi vì đã làm phiền cả nước Nhật lo cho con họ 2 - 3 ngày vừa qua. Để hình thành nên những ứng xử như vậy phải rất lâu.

Trở lại câu chuyện làm thế nào để phòng, chống tham nhũng “vặt”, tôi nghĩ rằng, đầu tiên là cải cách chế độ tiền lương bằng nhiều giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã đặt ra. Khi đời sống của cán bộ, công chức được nâng lên thì họ sẽ không muốn tham nhũng. 

Hành lang pháp lý phải chặt chẽ, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở; đồng thời thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ thì cán bộ, công chức không thể tham nhũng, hối lộ. Cùng với đó, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ thì sẽ không dám tham nhũng. 

Cuối cùng là phải tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi thói quen chi tiền để làm nhanh, để “đi tắt, đón đầu” và tạo cho người dân những cơ chế để giám sát thực thụ. 

+ Làm tốt những việc đó, bà tin, sẽ có những thay đổi tích cực?

Hiện nay, các ngành đã vào cuộc, các cơ quan giám sát rất nhiều, các phương tiện giám sát cũng nhiều, nhất là trong giai đoạn đang cắt giảm biên chế như thế này thì việc anh có hành vi tiêu cực rất dễ bị đưa ra khỏi bộ máy. 

Vì thế, với sự tham gia của báo chí, của người dân và đặc biệt là sự quyết tâm của cả hệ thống thì tôi tin, chắc chắn tham nhũng “vặt” sẽ giảm. Còn bao giờ được như các nước khác thì vẫn còn là sự hi vọng.

+ Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (Thực hiện)