Báo cáo trước UBTVQH, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho hay, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

“Nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật làm giảm niềm tin

Theo các ý kiến đánh giá, trong năm 2019, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bổ trợ tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đi cùng với nhiều kết quả nổi bật, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này “làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN”, Uỷ ban Tư pháp nêu rõ.

“Tình trạng này còn làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; là vấn đề cần được Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Uỷ ban Tư pháp đề nghị TTCP, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phát huy được vai trò nòng cốt trong PCTN của các đơn vị chuyên trách.

“Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an; Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao, trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật”, bà Nga nói.

Bênh cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử.

Trong đó có những trường hợp rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận. Điển hình, trường hợp nữ đại úy Công an TP Hà Nội có hành vi gây mất trật tự và cư xử không đúng mực tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

“Đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho QH kết quả công tác kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước”, bà Nga phát biểu.

Quan tâm đến vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các bộ, ngành hay tiếp xúc với người dân như tài nguyên môi trường, lao động - thương binh - xã hội, xây dựng… cần rà soát thanh lọc đội ngũ thanh tra.

“Cử tri lý luận thế này, không thiếu gì người mà lựa chọn người đã từng có dư luận, biểu hiện vòi vĩnh người dân để làm ở bộ phận này”, bà Hải cho hay. Cũng theo bà, trong cơ quan thanh tra, tìm cán bộ cho bộ phận tiếp công dân thì “rất khó”, nhưng tìm cán bộ đi thanh tra, kiểm tra các đơn vị lại “tương đối dễ, bảo đảm trình độ chuyên môn”.

“Có phải là chọn việc không?”, Trưởng Ban Dân nguyện nói và cho rằng, cần phải luân chuyển cán bộ như thế nào để lựa chọn người vừa hồng, vừa chuyên để làm công tác thanh tra hiệu quả hơn.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

 

Tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm” sẽ chuyển sang thủ đoạn tinh vi hơn

Về kết quả công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần vào công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, theo đánh giá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 66.516 tỷ đồng (tăng 158% so với năm 2018), 1.799ha đất, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 75 vụ, 149 đối tượng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng. Còn Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra…

“TTCP đã tiến hành thanh tra và công khai kết quả thanh tra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng; Kiểm toán Nhà nước kết thúc và công khai kết quả kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một số dự án BT, BOT… nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận”, bà Nga nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan thẩm tra, kiến nghị xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít kiến nghị xử lý hình sự. Nhất là qua hoạt động kiểm toán Nhà nước và theo phản ánh của dư luận là chưa tương xứng, có biểu hiện “hành chính hóa quan hệ hình sự”.

Một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm, nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước.

“Cử tri cho rằng, để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng”, bà Nga nhấn mạnh và đề nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch ủy ban các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng và cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm.

Việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN đã nói từ lâu, nhưng đến bây giờ mới thành hiện thực và người dân mới tin và ghi nhận.

“Nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt, nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay đã xử lý được nhiều vụ”, bà Nga nói thêm và dẫn chứng vụ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn…

Tuy nhiên, “việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh lưu ý và nhắc đến vụ ông Nguyễn Bắc Son. Theo ông, cử tri rất quan tâm khi ông Son nhận 3 triệu đô la nhưng mới nộp 500 triệu đồng, thì không biết bao giờ mới thu hồi được số tài sản còn lại.

Uỷ ban Tư pháp còn cảnh báo, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

 

“Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn, và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, bà Nga nhấn mạnh.

Từ các vụ tham nhũng lớn, cần rút ra bài học quản lý cán bộ

Qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua (vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG; vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam; dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; vụ việc liên quan đến việc thực hiện các dự án BT tại tỉnh Khánh Hòa...), Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, PCTN, để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo QH tại Kỳ họp tháng 10/2020.


Xử tham nhũng “vặt” chưa nhiều nên còn tràn lan?

Quan tâm đến tham nhũng “vặt” vì báo cáo kiến nghị cử tri 2 kỳ liên tiếp đã nêu, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, “chưa bao giờ các vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt được quan tâm, nhận diện, chú trọng và nâng lên một bước như thời gian qua”; đồng thời dẫn Chị thị số 10 của Thủ tướng đã nhận diện rất rõ ràng thế nào là nhũng nhiễu, vòi vĩnh, đặc biệt quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị, cơ quan nếu xảy ra hành vi nhũng nhiều.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, việc xử lý hành vi tham nhũng vặt chưa đủ sức răn đe. “Đếm ra có bao nhiêu cán bộ bị xử lý về hành vi tham nhũng vặt thì chưa có nhiều, có phải chính vì vậy mà tham nhũng vặt còn tràn lan?”, bà Hải nói.

Theo bà Hải, “tham nhũng lớn tập trung ở một nhóm người, nhưng tham nhũng “vặt” ảnh hưởng tất cả ngành, lĩnh vực và mọi người người dân có thể giám sát, nhận diện được kết quả hàng ngày, hàng giờ thông qua thực hiện thủ tục hành chính”. Từ đó, bà mong các cơ quan vào cuộc để đẩy lùi tham nhũng, làm người dân tin tưởng hơn vào công cuộc PCTN.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách.


22 cán bộ tư pháp có hành vi tham nhũng

“Trong kỳ báo cáo đã khởi tố 22 cán bộ tư pháp có hành vi tham nhũng trong quá trình giải quyết vụ án”, báo cáo thẩm tra nêu rõ và dẫn chứng cơ quan điều tra đã xử lý một số điều tra viên vi phạm trong hoạt động điều tra.

Viện KSND các cấp đã xử lý 40 công chức, người lao động vi phạm, so cùng kỳ năm 2018 nhiều hơn 12 công chức, người lao động (khiển trách 33 người, cảnh cáo 3 người, buộc thôi việc 3 người, hạ bậc lương 1 người).

TAND các cấp đã xử lý kỷ luật 34 công chức TAND địa phương do có hành vi vi phạm (trong đó, buộc thôi việc 4 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp, khiển trách 26 trường hợp).

Cơ quan thi hành án dân sự xử lý 24 trường hợp (khiển trách 12; cảnh cáo 10; buộc thôi việc 2) và 8 trường hợp cán bộ, công chức thi hành án dân sự bị khởi tố bị can.


Hương Giang