Nghe thu nhập sắp tăng thêm thì công chức, viên chức (CCVC) tại TPHCM đều tỏ ra phấn khởi, tuy nhiên, với cuộc sống tại TPHCM đắt đỏ như hiện nay thì mức tăng thêm này chỉ mới giúp CCVC tạm đủ sống, chứ chưa thật sự tương xứng với công sức đóng góp của họ cũng như đóng góp của TPHCM cho cả nước. Việc tăng thêm lương này cũng khó hy vọng chấm dứt ngay được nạn tham nhũng. 

Mới đủ sống cho bản thân

Bác sĩ N.A (làm việc tại một bệnh viện, được trả lương ngân sách từ quận 12), hiện hưởng mức lương bậc 5, hệ số 3,66. Sau khi trừ các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN, số tiền thực lĩnh là 4.258.410 đồng/tháng. Ngoài ra, bác sĩ N.A còn được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề 40% (tương ứng 1.900.000 đồng/tháng). Như vậy, bác sĩ N.A nhận tổng cộng 6.150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, để có mức thu nhập này, N.A đã phải trải qua hơn 12 năm làm việc vất vả, chứ những bạn trẻ mới vào thì lương chỉ được một nửa mức này.

Bác sĩ N.A nhẩm tính, nếu sắp tới được tăng thêm tối đa 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ, thì lương sẽ tăng thêm khoảng 3.800.000 đồng, nâng tổng mức lương hằng tháng được gần 10.000.000 đồng.

“Thật sự khi biết TPHCM  được quyết tăng lương cho CC-VC, tôi rất phấn khởi, vì thu nhập từ lương của mình sắp tăng lên. Tuy nhiên, sau khi nhẩm tính, thấy với cuộc sống, chi phí đắt đỏ như hiện nay thì mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng chỉ mới tạm đủ sống cho bản thân và lo cho hai con nhỏ ăn học, chứ thật ra không để dành được gì” - bác sĩ N.A chia sẻ.

Dĩ nhiên không phải CC-VC nào cũng có thêm khoản phụ cấp ưu đãi nghề như bác sĩ N.A. Chị L.H - Phó Giám đốc một trung tâm thuộc huyện Hóc Môn - với 17 năm công tác, dù lương đã bậc 6 với hệ số 3,99, song lương hiện nay mỗi tháng của chị L.H chỉ gần 5.000.000 đồng (sau khi trừ đóng các khoản BH), ngoài ra không còn khoản nào khác.  

Chị L.H chia sẻ: “Mức lương hiện nay của tôi không khác gì lương công nhân làm ở các nhà máy. Thỉnh thoảng, muốn mua sắm gì, tôi phải xin thêm ba mẹ. Nếu sắp tới lương tăng 1,8 lần, thì lương của tôi có thể được khoảng 9 triệu đồng/tháng. Với mức này, bản thân tôi thì sống đủ, chứ lo cho cả gia đình thì không thấm đâu vào đâu. Cuộc sống đâu phải chỉ đủ sống cho bản thân, mà còn phải lo toan cho gia đình, con cái, hỗ trợ phụng dưỡng bố mẹ già, rồi ai đi làm mà không mong muốn tích lũy để sau này sửa chữa nhà cửa, thay thế phương tiện đi lại”.

Đó là những CC-VC  có thâm niên công tác lâu năm và có bậc lương cao. Còn khi PV khảo sát một số cán bộ CC-VC (có hệ số lương từ 2,34 đến 3,33, công tác từ 2-9 năm) đang làm việc tại UBND phường Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân), phường Tân Quý (Q.Tân Phú), phường 22 (Q.Bình Thạnh)… thì dù họ phải làm việc cật lực, suốt ngày tối mặt với đống hồ sơ giấy tờ, tiếp người dân đến làm thủ tục, song lương lại bèo bọt chỉ 3-4 triệu đồng/tháng.

Để đảm bảo cuộc sống gia đình, nhiều CC-VC sau giờ làm việc phải nhận thêm một số mặt hàng may, thuê gia công ở nhà hoặc bán hàng online để tăng thu nhập… Sắp tới, nếu lương tăng lên 1,8 lần thì những CC-VC này cũng chỉ được khoảng 5-7 triệu đồng.

“Nếu sòng phẳng mà nói với công việc ngập đầu, áp lực nhiều, trách nhiệm nặng nề như hiện nay thì mức lương tăng 1,8 lần vẫn chưa tương xứng với công sức đóng góp của chúng tôi” - một cán bộ công chức quận Bình Tân nói.


Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng lương cao gấp 1,8 lần hiện nay cho công chức, viên chức TPHCM chỉ mới đủ sống cho bản thân. Ảnh: M.Q
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng lương cao gấp 1,8 lần hiện nay cho công chức, viên chức TPHCM chỉ mới đủ sống cho bản thân. Ảnh: M.Q

Tạo tiền đề để tiến tới đẩy lùi tham nhũng

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - cho rằng, hiện nay đối tượng CC-VC TPHCM làm việc rất vất vả, vượt quá công suất. Việc thành phố được tăng lương lên tối đa 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ sẽ giúp CC-VC thành phố có điều kiện tốt hơn.

“Việc tăng lương sẽ khiến áp lực kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống của CC-VC sẽ giảm bớt đi. Tuy nhiên, nếu bảo mức tăng này có đủ không thì chắc là chưa đủ, vì cuộc sống ở TPHCM khá đắt đỏ và họ đi làm còn phải lo cho gia đình, con cái”. Theo luật sư Trần Quốc Minh (đoàn luật sư TPHCM), năng suất lao động của TPHCM so với bình quân cả nước gấp 2,7 lần; công chức, người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước tại TP có năng suất gấp rưỡi những nơi khác; bình quân một cán bộ ở thành phố phải phục vụ khoảng 700 người dân (mức trung bình của cả nước là 340 người)…

Với năng suất lao động cao và đóng góp của thành phố cho cả nước nhiều, thì việc tăng lương 1,8 lần cũng chỉ tạm chấp nhận được, chứ chưa giúp CC-VC thật sự yên tâm về cuộc sống, để cống hiến hết mình. Và như vậy thì cũng khó hy vọng chấm dứt ngay được tình trạng cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu, may ra chỉ hạn chế được phần nào thôi. Bởi để cán bộ không còn tiêu cực, tham nhũng, thì mức lương phải cao hơn nữa, đảm bảo họ có thể chăm lo cho gia đình, con cái có cuộc sống tốt hơn.

Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng - Viện Trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, việc tăng lương cho CC-VC sẽ phần nào loại đi những nhũng nhiễu. Ví dụ như ở nước ngoài, lương CC-VC tương đối khá nên vấn đề tham nhũng không có nhiều. Mình cũng nên hướng đến một hành chính công với tinh thần sẵn sàng phục vụ và lành mạnh.

Theo TS Trần Quang Thắng, tham nhũng là do yếu tố lỗ hổng từ ngân sách cũng như tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình chưa thể hiện rõ. Khi đưa vào cơ chế đặc thù, thì trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải có những giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sắp xếp đúng người đúng việc sẽ đưa đến hiệu quả kinh tế trước mắt. “Một khi anh đã có cơ chế đặc thù thì sẽ giải quyết tham nhũng hiệu quả” - TS Trần Quang Thắng nhấn mạnh.

PGS-TS Phan An, Viện Khoa học-Xã hội vùng Nam Bộ: Không nên tăng lương cào bằng cho công chức, viên chức

Nếu không có cơ chế đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ CC-VC, chuyên gia, nhà khoa học, thì TPHCM khó có thể thu hút được người lao động có trình độ, kinh nghiệm để phát triển đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian tới. Thực tế hiện nay có nhiều yếu tố là rào cản, là điểm nghẽn, do đó một số nơi có những người tài, người tâm huyết đã ra đi vì chế độ đãi ngộ về tiền lương, thu nhập thực tế không thỏa đáng. Hay nói cách khác, chúng ta đã chảy máu nhiều chất xám từ bộ máy nhà nước ra doanh nghiệp, kinh tế tư nhân. Chúng ta muốn giữ những người có tâm huyết, có tài năng đó ở lại trong bộ máy của chúng ta thì cần phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương cao như thế nào cho hợp lý mới là đáng bàn. Không nên tăng lương cào bằng, mà nên dựa vào từng vị trí, công việc, ngành nghề để xét tăng lương (có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng). Những vị trí cán bộ CC-VC chưa đáp ứng năng lực phải loại bỏ ngay để giúp bộ máy tinh gọn, hiệu quả.Bảo Chương ghi

Tiến sĩ Trần Quang Thắng (Viện Trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM): Nên trả lương cho chuyên gia, nhân tài theo từng dự án và tính hiệu quả

Ngoài vấn đề TPHCM được quyết định tăng lương cho CC-VC không quá 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ, thì TPHCM cũng được chủ động tự quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP. Chế độ tăng lương, thu nhập sẽ giúp TPHCM dễ hơn trong việc thu hút nhân tài, nhất là những chuyên gia, tài năng đặc biệt. Ai muốn vào làm việc ở thành phố thì anh phải có năng lực đặc sắc, phải giỏi hơn cả người thành phố nữa thì thành phố sẽ rất hoan hô và có đãi ngộ xứng đáng. Sẽ hợp lý và hài hòa nhất là thành phố trả thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học theo từng dự án và tính theo hiệu quả của những dự án đó. 

Theo Huyền Trân - Minh Quân/LĐO