Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Bình đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong năm 2016. Với nỗ lực quyết tâm của mình, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Trên các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

Ngành Thanh tra đã bám sát định hướng, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình - kế hoạch thanh tra và đạt được nhiều kết quả tích cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC); tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC có hiệu lực pháp luật; phát huy vai trò tham mưu và triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; công tác xây dựng ngành được chú trọng; quan hệ phối hợp nội bộ và giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trật tự kỷ cương trong quản lý Nhà nước…

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại của ngành Thanh tra như việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế; chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao, chưa huy động được ý kiến phản biện, góp ý chuyên sâu của các chuyên gia trong lĩnh vực thanh tra; trong giải quyết KN, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại nên kết quả còn hạn chế; việc giải quyết còn chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết; việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa quyết liệt; tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi; việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết KN,TC tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2017 và những năm tới, ngành Thanh tra cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém. “Công tác thanh tra phải công minh, chính trực, khách quan. Qua thanh tra phải phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm tiêu cực lãng phí, lợi ích nhóm theo tinh thần là không có vùng cấm, không ngại va chạm vì bất kỳ áp lực nào mà bẻ cong pháp luật. Góp phần phòng ngừa, khắc phục sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước để hoàn thiện thể chế pháp luật nói chung và thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thanh tra rất nặng nề, nhất là trong việc phát hiện và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm pháp luật và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các bất cập, thiếu sót trong hoạt động quản lý Nhà nước; tham mưu xử lý tốt tình hình KN,TC và tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Cần tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tập trung tăng cường công tác thanh tra, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết KN,TC.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra tổ chức triển khai thực hiện một cách khoa học, linh hoạt và hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2017, bảo đảm theo đúng yêu cầu và nội dung định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thanh tra chuyên đề một số lĩnh vực; chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về tiếp công dân, giải quyết KN,TC năm 2016.

Thứ hai, làm tốt công tác tham mưu, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là tăng cường công tác phát hiện, phối hợp xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành Thanh tra. Tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan trong ngành và giữa ngành Thanh tra với các bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, phòng, chống tham nhũng; kịp thời giải quyết các kiến nghị, tham mưu đề xuất cơ quan thanh tra trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, ngành Thanh tra cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, công tác cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, do vậy, ngành Thanh tra cần tập trung xây dựng nội ngũ cán bộ thanh tra trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết; rà soát, hoàn thiện tổ chức thanh tra, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, rèn luyện kĩ năng tổ chức, quản lý, đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phương Hiếu - Trần Hải