Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng trong thời gian qua.

“Trong lần lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ (tháng 10/2018), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nằm trong top có nhiều phiếu tín nhiệm cao. Kết quả đánh giá như vậy rất đúng mức. Tháng 10/2017, QH phê chuẩn bổ nhiệm ông Lê Minh Khái giữ chức vụ Tổng Thanh tra. Từ đó đến nay, dù mới, nhưng rõ ràng, Tổng Thanh tra đã giải quyết được rất nhiều việc nên được đại biểu (ĐB) QH ghi nhận”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Đi đúng hướng, có trọng tâm

+ Ông đánh giá cao mặt công tác nào của Thanh tra Chính phủ nói riêng và ngành Thanh tra nói chung?

- Tôi thấy, Thanh tra Chính phủ đang đi đúng hướng, không đi tràn lan như trước đây, mà có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vụ nóng, vấn đề rất bức xúc mà người dân đòi hỏi. Cho nên, người dân và ĐBQH đều đánh giá rất cao.

Nét nổi bật đầu tiên là công tác thanh tra có nhiều chuyển biến tích cực khi kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm minh các sai phạm, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

Tiếp đó là công tác giải quyết đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC). Không phải chỉ mình Thanh tra Chính phủ mà thanh tra các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung giải quyết và giải quyết đến cùng, xem xét đến cùng vấn đề nên người dân thỏa mãn hơn.

Rồi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là luật cực kỳ khó, Thanh tra Chính phủ đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH để trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp 6, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đất nước.

Một vấn đề nữa, công tác xây dựng nội bộ không còn những bức xúc. Trước đây, trong Thanh tra Chính phủ, công tác tổ chức, cán bộ còn có vấn đề này, vấn đề khác thì đến nhiệm kỳ này đã được khắc phục một cách căn bản. Có lẽ, vì công tác tổ chức cán bộ tốt nên việc thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả rất tốt như vậy.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện những đánh giá, ghi nhận của ĐBQH đối với sự cố gắng của toàn ngành và người đứng đầu ngành Thanh tra. Đây cũng là động lực để Tư lệnh ngành Thanh tra tiếp tục cố gắng hơn nữa trên các mặt công tác, đặc biệt là trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC.

+ Phải chăng, trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC còn có điều làm ông băn khoăn, lo ngại?

- Đúng vây! Hiện nay, KN, TC của người dân vẫn rất nhiều và còn nhiều vụ khiếu kiện bức xúc đông người vượt cấp kéo lên Trung ương. Trong khi đó, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp hầu hết đều chưa đạt được yêu cầu.

Luật đã quy định rõ, người đứng đầu cấp xã, huyện, tỉnh, sở, ngành phải trực tiếp tiếp dân. Nhưng hầu như các địa phương, các ngành có tiếp dân theo quy định đâu, thường cấp trưởng giao cho cấp phó, cấp phó lại giao cho cấp phòng, cấp phòng giao cho cán bộ chuyên môn, nên người dân không tin tưởng.

Cũng chính do lãnh đạo cơ sở không tiếp dân, giải quyết triệt để KN, TC nên người dân mới dồn lên Trung ương, mới đổ về Thanh tra Chính phủ. Vì vậy, cần phải quan tâm giải quyết hơn để vừa giảm tải ở Trung ương, vừa lấy niềm tin của người dân.

Xử nghiêm người đứng đầu không chịu tiếp dân

+ Từ nghị trường QH, vấn đề này cũng được nhiều ĐB đặt ra, theo ông cần phải làm gì để người dân không kéo lên Trung ương khiếu kiện vượt cấp, bức xúc?

- Luật pháp phải được thực hiện nghiêm minh, phải làm sao thực hiện nguyên tắc “trên nóng, dưới cũng phải nóng” chứ không thể “trên nóng, dưới lạnh”.

Thanh tra Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương, người đứng đầu các đơn vị tiếp dân, giải quyết KN, TC theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Ngay từ cơ sở, khi nhận được đơn KN, TC của người dân phải tập trung giải quyết.

Anh là người đứng đầu các cấp ở địa phương, người đứng đầu của ngành thì phải lo cho dân, giải quyết việc của dân. Giả sử, Thanh tra Chính phủ đứng ra giải quyết thì chỉ đạo thực hiện cuối cùng vẫn là người đứng đầu của địa phương đó, đơn vị đó chứ không thể ai đó xuống làm thay được.

Chúng ta phải hết sức cương quyết, xử lý nghiêm minh, có chế tài rất cụ thể từ phê bình, khiển trách, thậm chí xử lý hành chính để yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch các địa phương thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC.

+ Theo ông, có nên công khai nơi làm tốt, nơi làm không tốt việc tiếp dân, giải quyết KN, TC để người dân “chấm điểm”, cũng như là một tiêu chí để đánh giá cán bộ hay khi lấy phiếu tín nhiệm?

- Tôi rất đồng ý điều này. Kết quả tiếp dân, giải quyết KN,TC phải là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác, là căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm, xem xét bổ nhiệm cán bộ.

Trung ương vừa ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Anh là người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà không nêu gương, không tiếp dân đến nơi đến chốn, không có trách nhiệm với những đề đạt, nguyện vọng của nhân dân thì không thể được.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang