QH dành trọn ngày 13/6 để thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Cho ý kiến dự thảo luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy nêu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN quy định tại chương 6 của dự thảo là chương mới với một số quy định tiến bộ.

“Như quy định về việc xin từ chức tại Khoản 1, Điều 89 dự thảo là quy định mở, mang tính khuyến khích nhưng rất cần thiết. Mặc dù từ chức là một chuyện bất đắc dĩ nhưng trong rất nhiều trường hợp và việc nên làm, thể hiện lương tâm của người cán bộ, công chức nhận trách nhiệm và rút lui trong danh dự, đồng thời cũng là cách để nguồn nhân lực được bố trí hợp lý hơn”.

Tuy nhiên, theo nữ ĐBQH đoàn Đà Nẵng, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay, thì việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là vấn đề nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai.

“1 dây trách nhiệm” khó chỉ ra ai có trách nhiệm thực sự

Bà đưa ra lý do, đầu tiên là sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm những việc mà người đó không có quyền quyết định.

“Thực tế cho thấy, không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn cấp phó của mình và có thể một số nhân sự quan trọng khác cũng vậy”, ĐBQH giả sử, người đứng đầu có quyền đề cử cấp phó của mình, chịu trách nhiệm về việc đề cử đó thì trong hai hành vi đề cử và trách nhiệm quyết định đề bạt, hành vi nào chịu trách nhiệm cao hơn?.

Theo ĐBQH đoàn Đà Nẵng, hành vi đề bạt thì người phải chịu trách nhiệm là quan chức cấp trên.

“Không hiếm trường hợp nhân sự đề bạt là do ý muốn của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ là hợp thức hóa ý đồ của cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mở cho tệ nạn chạy chức, chạy quyền phát triển. Nhưng trong nhiều trường hợp áp đặt chế độ trách nhiệm cho người có hành vi đề bạt là hết sức rủi ro”.

Phân tích rõ hơn, bà Thúy cho hay, người có thẩm quyền đề bạt cán bộ thường không có điều kiện để theo dõi hoạt động hàng ngày của người được mình đề bạt nên khó có thể yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm. Thêm vào đó, không ít người có thẩm quyền đề bạt chỉ biết về cán bộ qua hồ sơ và ý kiến tham mưu của người làm công tác tổ chức.

“Nhiều trường hợp, có cả 1 dây trách nhiệm vì thế rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự”, bà Thúy tóm lại.

Cũng theo ĐB, phạm vi liên đới trách nhiệm khó có thể xác định được một cách rõ ràng, ví dụ ở cấp phòng, công chức tham nhũng thì trưởng phòng phải chịu trách nhiệm, nhưng phòng lại thuộc sở.

“Vậy giám đốc sở có phải chịu trách nhiệm không? Hay bao nhiêu phòng xảy ra tham nhũng thì giám đốc sở mới phải chịu trách nhiệm”, bà Thúy băn khoăn, đó là chưa nói đến cơ chế song trùng trực thuộc, vừa có thủ trưởng theo chiều ngang, vừa có thủ trưởng theo chiều dọc.

Quy trách nhiệm phải trên cơ sở quyền hạn, hành vi

Một lý do nữa được ĐB nêu ra là cơ chế tập trung quan liêu chậm được khắc phục. Khi tham nhũng xảy ra, trách nhiệm có thể dính đến các cấp rất cao, mà việc áp đặt trách nhiệm pháp lý do các quan chức cao cấp là rất khó khăn.

“Khi QH chất vấn về những bê bối xảy ra ở một bộ phận nào đó thì vị Bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm và các vị ĐBQH có vẻ như hài lòng với câu trả lời này, nhưng rồi hết năm này qua năm khác vẫn chưa thấy vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì cả”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra.

Từ những khó khăn trên, theo bà Thúy, việc xác lập chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng cần được giải quyết trong tổng thể của các nỗ lực nhằm cải cách hệ thống hành chính nhà nước nói chung.

Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn, phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian.

Cho nên, nữ ĐB đề nghị, trước mắt cần quy định theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà những người đứng đầu đang có.

Ngoài ra, trách nhiệm chỉ xác lập được trên cơ sở hành vi, mà rõ ràng nhất là hành vi kiểm tra, giám sát các công chức cấp dưới, hành vi ban hành các văn bản trong lĩnh vực hành chính có khả năng tạo cơ hội cho nhóm lợi ích tham nhũng.

“Áp đặt trách nhiệm tràn lan, không căn cứ vào hành vi như dự thảo luật chỉ mang đến những kết quả ngược lại”, bà Thúy thẳng thắn, có khi chỉ khuyến khích những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị che dấu tham nhũng.

Đề nghị có danh hiệu “dũng sỹ diệt tham nhũng”

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho hay, cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác PCTN, đặc biệt là những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Góp ý về tên gọi của luật, ông Việt cho hay, cử tri và nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành Luật Phòng trừ tham nhũng. “Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống”, ông Việt lý giải.

ĐB cũng góp ý luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác PCTN bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong PCTN.

“Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng”, ông Việt đề nghị.

Hương Giang