Trong 27 biểu hiện suy thoái, người dân dễ dàng nhận thấy sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên qua biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo vun vén cá nhân…

Nhận diện các biểu hiện suy thoái hoàn toàn không khó, thậm chí nó sừng sững, lồ lộ như quả núi trước mắt mình chứ có che đậy gì đâu, thậm chí như là một sự thách thức. Chính vì vậy, sự suy thoái này gây bức xúc trong nhân dân và làm giảm niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, nhiều vụ việc đã bị phát lộ trên báo giới. 

Vụ thứ nhất, vợ Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy

Đắc Lắc xây biệt thự trên đất nông nghiệp. Khi có thông tin cưỡng chế thì bà chủ cơ ngơi này đòi tự tử. Thử hỏi: Người vợ làm chủ xây cất một công trình khang trang, bề thế và tai tiếng chẳng lẽ người chồng lại không biết sao? Khi giải trình về nguồn tiền xây dựng, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắc Lắc thành thực tiết lộ là tiền được gom góp từ nhiều năm, trong đó có cả thu nhập từ chạy xe ôm! 

Vụ thứ hai, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai xây cất một biệt phủ mà nhân dân trong vùng không ngớt lời xầm xì…

Vụ thứ ba, Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sóc Trăng

cũng cho mọc lên một lâu đài khủng.

Giữa các nhân vật này có điểm chung: Xây dựng công trình kiên cố, hoành tráng trên đất nông nghiệp không phép. Sai phạm này đồng nghĩa với việc những người này tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, về xây dựng nói trên suy cho cùng cũng là hệ lụy của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nhận thức đến hành động.

Đành rằng sai thì phải sửa. Nhưng sửa như thế nào đang là vấn đề được nhân dân quan tâm. 

Công trình của Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sóc Trăng bị xử phạt 6 triệu đồng. Mức phạt như thế đã đủ sức thuyết phục chưa? Ở đây, cái sai thì to đùng, cách sửa sai thì bé tí tẹo. Sửa sai như thế càng gây bức xúc cho nhân dân. Người dân có quyền nghĩ: Chính quyền sở tại đã dung túng cho sai phạm “giơ cao đánh khẽ”. Với cách xử lý cái sai như thế thì nhiều người có điều kiện cũng muốn xây cất công trình trái phép trên đất nông nghiệp, chịu chi khoản tiền phạt để rồi được tồn tại.

Điều ngạc nhiên là cả 3 công trình nói trên chưa hề bị chính quyền buộc tháo dỡ hoặc bị cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu. Các VIP đã không gương mẫu và đã tạo ra tiền lệ xấu là chịu phạt, chịu chi để tồn tại. Điều này rất nguy hại bởi làm mất ổn định trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Với các chủ công trình thì họ đã tính trước các bước hợp thức hóa thủ tục tiếp theo.

Câu chuyện tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất của 3 VIP nói trên không phải là hiện tượng cá biệt mà ở trên mỗi tỉnh, thành phố, huyện, xã tình trạng xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp tuy mức độ và quy mô công trình ở mỗi nơi có khác nhau nhưng đều có điểm chung là chấp nhận nộp phạt để được tồn tại và tiến tới hợp thức hóa thủ tục. Những công trình sai phạm kiểu này là vật cản lớn khi tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu đẩy mức đền bù hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng lên cao, gây tốn kém tiền của cho các doanh nghiệp, cơ quan, Nhà nước. 

Thế Lữ