Theo phát biểu khai mạc hội thảo của Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, là quốc gia thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ thực thi các nội dung được quy định trong Công ước và các Nghị quyết của Hội nghị Các quốc gia thành viên, trong đó có Nghị quyết về Cơ chế đánh giá được thông qua tại Hội nghị Các quốc gia thành viên lần thứ 3 họp tại Qatar tháng 11/2009. Đây là năm đầu tiên chúng ta xây dựng Báo cáo Quốc gia về thực thi Công ước, đồng thời nội dung Báo cáo lại phục vụ cho việc đánh giá của các chuyên gia quốc tế đối với việc thực thi Công ước của Việt Nam. Vì vậy, hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và chất lượng báo cáo, ảnh hưởng tới hoạt động đối ngoại của Nhà nước. Trong những năm tiếp theo, việc xây dựng thường niên Báo cáo Quốc gia về thực thi Công ước vừa là thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên vừa là một công cụ mạnh giúp cho các cơ quan Nhà nước có thể rà soát, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tham nhũng, mức độ hoàn thiện của thể chế PCTN và hiệu quả của các giải pháp PCTN đã được triển khai.

Kế hoạch xây dựng Báo cáo Quốc gia thực thi Công ước năm 2011 do ông Nguyễn Quốc Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (TTCP) trình bày khẳng định: Việt Nam là nước được đánh giá việc thực thi Công ước trong năm 2011 - năm thứ hai của chu trình đánh giá đầu tiên cùng với 40 quốc gia thành viên khác. Việc hoàn thành xây dựng Báo cáo Quốc gia phục vụ cho việc tham gia của Việt Nam vào cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước theo Nghị quyết của Hội nghị Các quốc gia thành viên.

Lộ trình xây dựng Báo cáo Quốc gia thực thi Công ước được xây dựng trong kế hoạch gồm 7 bước: Dịch thuật, nghiên cứu, xác định toàn bộ yêu cầu của Báo cáo, phân loại câu hỏi theo các nhóm nội dung; trả lời các câu hỏi của Bản danh mục tự đánh giá bằng song ngữ Việt - Anh theo mẫu; lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan; phê duyệt nội dung báo cáo chính thức; nộp, gửi Báo cáo Quốc gia cho Ban Thư ký Hội nghị Các quốc gia thành viên Công ước; tiếp nhận và xử lý các phản hồi và yêu cầu, đề nghị từ phía Ban Thư ký Hội nghị Các quốc gia thành viên Công ước và chuyên gia các nước đi đánh giá; bảo vệ Báo cáo Quốc gia.

Dự kiến phân công trả lời các câu hỏi cho chu trình đầu tiên với 2 chương về hình sự hóa và hợp tác quốc tế chủ yếu dành cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Ngân hàng Nhà nước. TTCP là đầu mối cung cấp thông tin và là cơ quan chủ trì.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hào, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN băn khoăn: Trong bản phân công nhiệm vụ trả lời câu hỏi có trên 80% sẽ do Bộ Công an trả lời và chủ trì phối hợp trả lời. Ban Chỉ đạo Bộ Công an sẽ cố gắng hoàn thành theo tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai việc xây dựng Báo cáo thực thi Công ước, Bộ Công an đề nghị nghiên cứu thêm để có được sự góp sức của các bộ, ngành khác trong việc trả lời các câu hỏi, cần bám sát thêm vào kế hoạch thực hiện Công ước của Chính phủ ban hành nhằm san sẻ công việc ra với các cơ quan khác.

Ông Lê Văn Minh, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ một số khó khăn khi thực hiện, trong đó có yêu cầu về song ngữ Anh - Việt. Thực tế, sẽ khó khăn khi sử dụng thuật ngữ hay hành văn. Do vậy, đề nghị các bộ gửi báo cáo, tài liệu, câu trả lời về TTCP để biên tập thành dự thảo báo cáo và dịch chuyển sang tiếng Anh.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chia sẻ: Liên quan đến một số câu hỏi pháp luật về PCTN trong lĩnh vực tư, chúng ta có đủ thiết chế sử dụng trong lĩnh vực này, chỉ có cách gọi là khác nhau. Đồng thời, khi thực hiện báo cáo đánh giá, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã thực hiện việc xây dựng báo cáo việc thực thi Công ước và có những ý kiến phản biện để trả lời câu hỏi thẳng thắn, khách quan và đạt hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu tại hội thảo thống nhất cần có sự phối hợp giữa TTCP và các bộ, ngành trong việc xây dựng Báo cáo Quốc gia thực thi Công ước Liên hợp quốc về CTN. Đồng thời, các bộ, ngành sẽ cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc xây dựng báo cáo. Các đại biểu cũng đề nghị TTCP rà soát, phân công một số câu hỏi giúp giảm gánh nặng cho Bộ Công an.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng đánh giá cao ý kiến của các bộ, ngành và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thông báo các thông tin cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu. Trong thời gian rất ngắn, cần san sẻ nhiệm vụ trả lời các câu hỏi, đặc biệt là san sẻ sự “quá tải” của Bộ Công an, đề nghị thành viên trong Nhóm Thường trực, đề nghị Bộ Tư pháp và Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN phối hợp trả lời câu hỏi. Phó Tổng Thanh tra cũng đề nghị các đơn vị dự kiến phải trả lời các câu hỏi nhanh chóng triển khai và báo cáo tiến độ thực hiện trong thời gian tới. Về dịch thuật, các đơn vị phụ trách trả lời câu hỏi cần chủ động trong việc dịch thuật song ngữ với các báo cáo và các nguồn tài liệu bảo đảm chuẩn các ngôn ngữ chuyên ngành.
                                                                      Thúy Nhài - Hoàng Long