Liên quan đến loạt bài: “Nguyên Giám đốc Sở Y tế “qua mặt” Chủ tịch UBND tỉnh”, phóng viên Báo Thanh tra có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XII.

 - Gần đây dư luận “nóng lên” về việc nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình đồng ý cho cấp dưới tuyển dụng 3.721 trường hợp cán bộ y tế.  Đặc biệt, một số cán bộ Trạm y tế các xã thuộc huyện Đông Sơn làm việc 7 tháng nay không có lương, do quá bức xúc họ đã làm đơn “cầu cứu” đến Chủ tịch UBND tỉnh để đòi quyền lợi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết những việc làm thời ông Bình đúng sai đã được Thanh tra kết luận, chỉ rõ rồi, không thể chối cãi được. Căn cứ vào kết luận Thanh tra, việc sai phạm cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm túc, không trừ một ai cả, kể cả những người đã về hưu. Về hậu quả vụ việc, tỉnh phải đứng ra giải quyết cho rõ ràng, ổn định tình hình. Đặc biệt, những người được ký hợp đồng, biên chế đúng phải được trả lương để họ ổn định cuộc sống. Không thể có chuyện người lao động đi làm mà lại không có công, chờ tuyển dụng biết đến bao giờ, cơ quan chức năng phải điều tra, giải quyết dứt điểm việc.

- Dưới thời ông Bình làm Giám đốc Sở Y tế, ông đã bổ nhiệm thừa nhiều lãnh đạo cấp phòng, làm quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm không trong quy hoạch; bổ nhiệm, thuyên chuyển 6 công chức, viên chức khi tỉnh đã có “lệnh” tạm dừng tuyển dụng ... Theo ông có động cơ tham nhũng trong vấn đề này hay không và xử lý như thế nào ?

 Những trường hợp này phải xác định mức độ vi phạm, xét xét từng trường hợp cụ thể, nếu mà vi phạm nhưng tiêu chuẩn vẫn đảm bảo được thì có thể chấp nhận làm quy trình bổ nhiệm lại. Trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn, mà lọt lưới vào những vị trí đó thì phải xử lý. Xử lý cái người bổ nhiệm đã đành rồi, nhưng phải xử lý những người không đủ tiêu chuẩn để ngồi vào ghế đó, do lý do này lý do khác được vào vị trí đó thì không công nhận việc bổ nhiệm này. Kể cả trong 3.721 trường hợp được ông Bình đồng ý tuyển dụng vào ngành y tế, cơ quan chức năng phải kiểm tra xem những trường hợp nào đã thỏa đáng, khách quan thì chấp nhận, còn trường hợp nào thiếu trong sáng hay có tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu đến mức hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vi phạm ở mức độ hành chính thì xử lý hành chính. Ngoài ra, phải xem vụ việc này có nằm trong trường hợp “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét” hay không? Vét thì vét bao nhiêu, mức độ nào, hậu quả ra sao, phải làm rõ để trả lời công khai, minh bạch trước công luận, mang lại sự công bằng cho mọi người. Chứ không thể để cho mọi người bỏ ra một khoản tiền “chạy chọt”, khi đi làm lại không có lương rồi ra về với bàn tay trắng. Như thế là không công bằng.

 - Mặc dù chưa có quyết định thành lập bệnh viện Ung bướu nhưng ông Bình đã bút phê vào rất nhiều hồ sơ xin việc, giới thiệu bằng miệng rồi chuyển cho người được cơ cấu là Giám đốc và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thu hồ sơ và cho học việc không lương. Ông hiểu vấn đề này như thế nào ?

Trong điều kiện hiện nay, người cần việc thì rất nhiều, nhưng vị trí việc làm thì ít nên mới sinh ra chạy chọt, tiêu cực. Tất cả đều có giá của nó cả, mọi lĩnh vực đều có việc trao đi, đổi lại, chứ không phải đơn giản, khách quan. Mình phải hiểu như thế, cho nên mới có trường hợp bệnh viện chưa thành lập đã có đội quân “cầm đèn chạy trước ô tô” xuất hiện, lũng đoạn tình hình. Rõ ràng các trường hợp “bút phê” của ông Bình đều có động cơ, lợi ích thúc đẩy. Nếu không có lợi ích, động cơ thì người ta đâu có làm cái điều mà nó phi lý như thế. 

Tất cả những vấn đề báo chí đã nêu, thanh tra đã kết luận, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa phải vào cuộc xác minh, làm rõ cụ thể từng trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm, giải quyết đến nơi đến chốn. Từ đó, xem xét mức độ vi phạm, nếu nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật.

 - Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn này.

 

Văn Thanh (thực hiện)