Tháng 12/2016, bà Park Geun-hye bắt đầu bước vào con đường lao đao, lận đận khi Quốc hội Hàn Quốc tạm đình chỉ chức vụ vì cáo buộc dính líu tới bê bối tham nhũng, lạm dụng quyền lực.

Ngày 10/3/2017, bà chính thức bị phế truất và chỉ 20 ngày sau, bị bắt tạm giam. Đây được cho là những quyết định "thần tốc" về tính pháp lý đối với người đứng đầu Hàn Quốc, chuyện chưa từng xảy ra ở quốc gia này. Đây cũng là lần đầu tiên, một người đứng đầu Hàn Quốc bị buộc rời khỏi nhiệm sở khi chưa hết nhiệm kỳ.

"Việc bắt giữ là cần thiết, vì mọi bằng chứng cáo buộc đã rõ ràng, đồng thời cũng tránh để xảy ra nguy cơ tẩu tán bằng chứng khi người bị cáo buộc còn đang được tại ngoại", đại diện Tòa án Hình sự TP Seoul giải thích về lệnh bắt giam khẩn cấp đối với bà Park Geun-hye, đồng thời khẳng định "có nhiều dấu hiệu cho thấy trong thời gian được tại ngoại để chờ phán quyết của tòa án, cựu Tổng thống đã tìm mọi cách để hủy một lượng lớn giấy tờ liên quan đến những sai phạm của bà".

Là con gái của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee (bị ám sát vào năm 1979), năm 2012, bà Park Geun-hye trở thành người phụ nữ đầu tiên lên nắm giữ quyền lực cao nhất ở Hàn Quốc, nhưng rồi cũng trở thành Tổng thống đầu tiên bị phế truất, bắt tạm giam khi chưa hết nhiệm kỳ tại Hàn Quốc.

Sự nghiệp chính trị của bà bắt đầu bị sa lầy từ hồi giữa năm 2016, khi bạn thân là Choi Soon-sil bị phát hiện ra có nhiều hành vi sai phạm, mờ ám. Theo điều tra, bà Choi Soo-sil dù không đảm nhận chức vụ nào trong chính quyền ở Hàn Quốc, nhưng lại có tiếng nói quyết định phía sau hậu trường của Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc).

Tháng 1/2017, bà Choi Soon-sil bị bắt giữ với cáo buộc đã lợi dụng quyền lực của Tổng thống (người bạn thân trong suốt 40 năm qua) để vòi tiền của các tập đoàn lớn nhất ở Hàn Quốc, trong đó có Tập đoàn Samsung (đang dính líu tới bê bối tham nhũng, hối lộ), với số tiền lên tới hơn 70 triệu USD.

Choi Soon-sil (giữa), bạn thân của cựu Tổng thống Park Geun-hye, phải ra trước vành móng ngựa vì những sai phạm nghiêm trọng của mình. Ảnh: POOL/AFP

 

Trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc (kể từ năm 1987 tới nay), bà Park Geun-hye trở thành vị Tổng thống thứ 3 bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng, nhưng là Tổng thống đầu tiên bị phế truất, bắt giam khi chưa hết nhiệm kỳ. 2 cựu Tổng thống trước là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo cũng đã bị bắt giữ, bị kết án tù vì tội danh tham nhũng hồi thập niên 1990 của thế kỷ trước. Đó là chưa kể đến trường hợp của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người đã tự sát vào năm 2009 khi đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.

Việc bắt giam bà Park Geun-hye, theo nhiều nhà phân tích, được cho là sẽ chấm dứt một hệ thống các sai phạm nghiêm trọng của những người đứng đầu Hàn Quốc, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình thường xuyên của hàng triệu người Hàn Quốc, kéo dài dai dẳng suốt từ tháng 10/2016 đến nay.

Sau khi bà Park Geun-hye bị bắt giữ, đại diện Đảng Dân chủ đối lập cho rằng việc này thể hiện luật pháp của Hàn Quốc rất nghiêm minh, rằng tất cả mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm, cho dù người đó quyền cao chức trọng đến đâu.

"Chúng tôi hy vọng rằng quyết định lịch sử của Tòa án Hiến pháp sẽ chấm dứt chuỗi biểu tình dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Hàn Quốc, cũng như chấm dứt vụ bê bối tham nhũng, chính trị chưa từng có từ trước đến nay", đại diện Đảng Dân chủ cho biết thêm.

"Quy trình" phế truất bà Park Geun-hye

Ngày 3/11/2016, bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, bị bắt giữ vì cáo buộc "lũng đoạn" hậu trường phủ Tổng thống Hàn Quốc. Bà Choi Soon-sil bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, tầm ảnh hưởng của người bạn thân để gian lận, thông đồng, nhận hối lộ và ép buộc nhiều tập đoàn công nghiệp lớn ở Hàn Quốc phải tài trợ quỹ cho các quỹ đầu tư do bà Choi Soon-sil và con gái đứng tên, sau đó sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân.

Ngày 12/11/2016, hơn 1 triệu người tổ chức biểu tình ở nhiều thành phố trên khắp Hàn Quốc, yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye phải từ chức. Hơn 25.000 cảnh sát đã được huy động để giữ gìn trật tự cũng như phong tỏa mọi con đường dẫn đến Nhà Xanh, nơi làm việc của Tổng thống Park Geun-hye.

Ngày 6/12/2016, 8 lãnh đạo cao nhất của nhiều tập đoàn "khổng lồ" Hàn Quốc (trong đó có Samsung, Lotte, SK, LG) bị triệu tập thẩm vấn trước Quốc hội về những sai phạm trong thời gian qua của những tập đoàn này. Trong đó, vấn đề tập trung ở việc tài trợ bất hợp pháp cho 2 quỹ của mẹ con bà Choi Soon-Sil.

Ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua sắc lệnh tạm dừng chức vụ Tổng thống của bà Park Geun-hye.

Ngày 19/12/2016, bắt đầu diễn ra phiên xét xử bà Choi Soon-sil. Sau phán quyết của Tòa án Trung tâm TP Seoul, luật sư của bà Choi Soon-sil đã phủ nhận mọi lời buộc tội.

Ngày 3/1/2017, Tòa án Hiến pháp mở phiên tố tụng đầu tiên đối với Tổng thống Park Geun-hye.

Ngày 17/2/2017, người thừa kế Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng, hối lộ 40 triệu USD cho bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park Geung-Hye.

Ngày 10/3/2017, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra quyết định phế truất Tổng thống. Lần đầu tiên trong lịch sử chính trường Hàn Quốc xảy ra vụ việc như thế này.


5 cáo buộc bà Park Geun-hye phải đối mặt

1- Vi phạm dân chủ

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp khẳng định, bà Park Geun-hye đã "vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của người dân cũng như luật pháp của Hàn Quốc".

Theo điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2016, theo lệnh của Tổng thống Park Geun-hye, một cố vấn thân cận của Tổng thống đã chuyển cho bà Choi Soon-sil một loạt tài liệu thuộc hàng tối mật về việc đề cử các chức danh lãnh đạo cấp cao, kết luận những phiên họp của Chính phủ, kết quả chuyến thăm của các đoàn ngoại giao cũng như những cuộc gặp gỡ chính trị cấp cao không được công bố chính thức.

Sau khi có được số tài liệu hồ sơ tối mật này, bà Choi Soon-sil, dù không nắm giữ chức vụ nào cũng như không được giao quyền hành chính thức gì trong phủ Tổng thống, nhưng đã tự ý chỉnh sửa tài liệu, hoặc thậm chí còn ra chỉ thị yêu cầu các quan chức Nhà Xanh phải chỉnh sửa tài liệu cho phù hợp với quan điểm cá nhân của bà Choi Soon-sil. Chính vì thế, bà Choi Soon-sil đã dễ dàng bổ nhiệm cho những người mà bà cho là "thân cận" và sau đó tiếp tục giúp đỡ những người này giành được hàng loạt dự án công của Chính phủ.

2 - Lạm dụng quyền lực

Trong suốt nhiều năm liền, ngay cả khi trở thành Tổng thống, bà Park Geun-hye luôn tìm mọi cách che giấu thân thế của bà Choi Soon-sil cũng như che giấu mối quan hệ đặc biệt giữa 2 người. Ngay cả khi các nghị sĩ và các nhà báo muốn tìm hiểu về mối quan hệ này thì bà Park Geun-hye đã sử dụng quyền lực của mình để "dập tắt" mọi ý định "mọi móc" mối quan hệ bất thường của bà Park Geun-hye và bà Choi Soon-sil.

"Bà Park Geun-hye bị cáo buộc đã lạm dụng quyền lực của mình để bao che cho bà Choi Soon-sil thực hiện nhiều hành vi sai phạm cá nhân, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp, luật pháp và đạo đức công chức của Hàn Quốc" - Tòa án Hiến pháp khẳng định.

3 - Can thiệp thô bạo vào quyền điều hành các tổ chức kinh tế

Bà Park Geun-hye đã ép buộc nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có Samsung và Lotte phải "hào phóng" tài trợ cho các quỹ của bạn thân là Choi Soon-sil, đồng thời sử dụng quyền lực để "ép" nhiều công ty như Hyundai và KT phải ký hợp đồng có lợi cho các công ty do bà Choi Soon-sil đứng tên sở hữu.

"Bà Park Geun-hye đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, trực tiếphoặc gián tiếp, giúp đỡ cho người bạn thân của mình là Choi Soon-sil làm giầu bất hợp pháp, như vậy là vi phạm nghiệm trọng quyền tự quyết và tự do kinh doanh của các tổ chức kinh tế", phán quyết của tòa án nêu rõ.

4 - Vi phạm quyền tự do báo chí

Khi còn đương chức, bà Park Geun-hye đã có hành vi đe dọa một nhà báo của tờ "Segye Ilbo" vì đã điều tra chồng của bà Choi Soon-sil, do ông này lạm dụng quyền lực của Tổng thống để can thiệp vào một số công việc của Chính phủ. Tổng Biên tập "Segye Ilbo" sau đó cũng buộc phải từ chức do nhiều áp lực từ Chính phủ.

5 - Thờ ơ với sinh mạng người dân, không xứng đáng phẩm chất người đứng đầu Chính phủ

Vào năm 2014, thảm họa chìm phà Sewol xảy ra khiến 304 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh. Ngay sau khi thảm họa xảy ra, thay vì phải gác lại mọi công việc để trực tiếp chỉ đạo khắc phục thảm họa, bà Park Geun-hye lại "bình chân như vại". Nhiều nguồn tin cho biết, thời điểm đó, bà Park Geun-hye mặc dù biết thảm họa chìm phà xảy ra những vẫn đi làm đẹp, vì đã "trót hẹn" với cơ sở thẩm mỹ viện.

"Việc này thể hiện thái độ cực kỳ dửng dưng của bà Park Geun-hye đối với thảm họa quốc gia, đối với sinh mạng của hàng trăm người dân Hàn Quốc, trong đó phần lớn là học sinh. Đáng lẽ, trước việc này, bà Park Geun-hye phải "toàn tâm toàn ý" tìm mọi cách cứu chữa thảm họa, cứu giúp người dân, nhưng bà lại coi như đó không phải là trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ. Việc này là không thể chấp nhận được", phán quyết tòa án khẳng định.


Nhật Minh