Ngày 4/4, công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân.

Hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh, thành được chọn phỏng vấn ngẫu nhiên trong năm 2016. Chỉ số PAPI thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

Hài lòng hơn với dịch vụ y tế và giáo dục

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (Cecodes), trong 6 chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất so với năm 2011.

Báo cáo PAPI cho thấy, chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh: 32% người khảo sát cho biết dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”, cao hơn so với tỉ lệ 23% năm 2015.

Người dân chấm điểm chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, TP có mức chênh lệch lớn.

Ví dụ, Sóc Trăng đạt 8,16 điểm trong khi Gia Lai chỉ đạt 1,9 điểm, theo thang điểm từ 1 - 10.

Một xu hướng tích cực ghi nhận được trong năm 2016 đó là số người cho rằng cần phải đưa hối lộ để tiếp cận dịch vụ y tế công cộng cấp quận/huyện giảm từ 43% năm 2015 xuống 39% năm 2016.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải chi trả ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ bệnh viện tuyến huyện/quận còn khá phổ biến.

Ở hơn một nửa tỉnh, TP, tỷ lệ người dân đồng tình với nhận định tích cực “không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận” chỉ trong khoảng 27 - 51% (tăng nhẹ so với năm 2015 là 48%).

Trong lĩnh vực giáo dục công, dù ghi nhận những đánh giá tích cực, nhưng vấn đề “bồi dưỡng” giáo viên tiểu học công lập vẫn là thách thức lớn ở nhiều tỉnh, TP.

Ở một nửa các tỉnh, TP, tỷ lệ người dân cho biết không phải chi thêm tiền để con em mình được quan tâm hơn dao động từ 22 - 62%.

Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng

Nhìn chung, người dân hài lòng hơn với các thủ tục đăng ký cấp giấy phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã/phường cho giấy tờ tùy thân.

Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đạt điểm thấp nhất trong số bốn loại dịch vụ hành chính công PAPI đo lường.

Điều đáng chú ý, chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công năm 2016 có xu hướng giảm điểm. Tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng lên trong năm 2016.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhận xét, “kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy một bức tranh đa chiều. Một mặt, cung ứng dịch vụ công được cải thiện bền vững trong suốt 6 năm qua. Mặt khác, hầu hết các tỉnh, thành có thể làm tốt hơn để cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước".

Khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng, cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực Nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.

Kết quả PAPI đưa ra thống số, hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến trong khi quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ Nhà nước “ổn định” ở mức thấp: Chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác.

Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25,6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (23,7 triệu đồng).

 “Vị thân” khi tuyển dụng nhân lực ngày càng trầm trọng

Cũng theo ông Giang, đa số người dân trên phạm vi toàn quốc cho rằng, hiện trạng vi thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Xu thế ổn định ở mức thấp ở chỉ tiêu “quan hệ cá nhân với người có chức, có quyền mới xin được việc trong khu vực công là không quan trọng”.

Trong suốt 6 năm, từ 2011 - 2016, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số này chỉ dao động từ 1 điểm đến 1,3 điểm trên thang điểm từ 0 đến 5.

Theo báo cáo PAPI 2016, mục tiêu “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” rất khó đạt được khi thân quen và lót tay vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công.

Từ kết quả khảo sát, báo cáo PAPI đưa ra khuyến nghị, để tăng cường hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, các cấp chính quyền cần giám sát và giảm thiểu các hành vi nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công.

Cùng với đó ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi qua các hành vi như vòi vĩnh khi làm thủ tục hành chính, sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân và nhận “lót tay” trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công.

Việc huy động người dân và toàn xã hội vào phòng, chống tham nhũng cần sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước, các tổ chức và báo chí. Các cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được thực thi đầy đủ và hiêu quả để người dân có động lực tham gia phòng, chống tham nhũng.

Trách nhiệm giải trình với người dân vẫn còn hạn chế

Năm 2016, khoảng 22% người trả lời trên cả nước cho biết họ tìm gặp trưởng thôn/tổ trưởng dân phố khi có bức xúc với gia đình, hàng xóm hoặc cán bộ chính quyền (tăng khoảng 3% so với năm 2015). Tỷ lệ này dao động từ 4% ở Thái Bình đến 51% ở Quảng Nam.

Có tới 85% số người đã tìm gặp trưởng thôn/tổ trưởng dân phố đánh giá những cuộc gặp đó đem lại kết quả. Số người tìm gặp những cán bộ từ cấp xã trở lên, đặc biệt là cán bộ dân cử thấp hơn nhiều.

  Thảo Nguyên