Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát chia sẻ: Hiện nay chúng tôi có tổ tuyên vận hàng tháng họp triển khai để nâng cao nhận thức cho bà con. Đặc biệt chúng tôi có hương ước, quy ước, tảo hôn sẽ bị xử lý như thế nào cho nên hiện nay nhận thức của bà con đã được nâng cao.

Nhức nhối nạn tảo hôn

Cặp vợ chồng Sùng A Vảng và Giàng Thị Sía ở thôn Phù Lao Chải, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát về ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Khi được hỏi tại sao lại không đi đăng ký kết hôn mà về ở với nhau thì anh Vảng và chị Sía đều cho biết, cán bộ xã bảo chưa đủ tuổi nên luật chưa cho phép.

Hai người về ở với nhau khi anh Vảng và chị Sía vừa học xong lớp 7, bản thân còn rất trẻ, chưa đủ sức lao động nên cuộc sống ở riêng hết sức khó khăn. Căn nhà tuềnh toàng không có tài sản gì có giá trị. Đứa con nhỏ của 2 vợ chồng năm nay đã được gần 2 tuổi, do sức khỏe yếu nên bé hay bị ốm, sốt cao, cơ thể gầy còm.

Tình trạng kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi quy định như anh Sùng A Vảng và Giàng Thị Sía là chuyện không phải hãn hữu trong thời gian qua ở huyện Bát Xát. Mặc dù chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, kể cả sử dụng hình thức xử phạt hành chính, tuy nhiên, do hầu hết các hộ gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc xử phạt chỉ còn mang tính hình thức. Cá biệt, có nhiều trường hợp, chính quyền xã đến tuyên truyền, vận động nhưng chỉ đến ngày hôm sau là các cặp đôi này trốn vào rừng, dựng lán lén lút chung sống với nhau như vợ chồng.

Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo huyện Bát Xát cho biết, nhiều năm qua, huyện đã xem việc phòng chống nạn tảo hôn là một cuộc chiến bởi nó hết sức phức tạp và rất dễ tái diễn nếu công tác tuyên truyền không thường xuyên. Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách.

Ngày 30/10/2017, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để triển khai thực hiện chỉ thị này, những năm qua, huyện vùng cao Bát Xát đã ban hành 24 văn bản, chỉ đạo kịp thời đối với công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. 

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Bát Xát đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại hội nghị, họp thôn, sinh hoạt Đảng, đoàn thể, các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các nhà trường… được gần 450 buổi với trên 25.000 lượt người tham gia. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã bằng tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Dao; in và cấp phát 390 áp phích, 600 tờ rơi, 310 cuốn sổ tay tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và luôn sâu sát với cơ sở nên từ đầu năm 2021 đến nay, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể của huyện Bát Xát đã kịp thời phát hiện 36 trường hợp chưa đến tuổi kết hôn nhưng có ý định chung sống hoặc đã chung sống với nhau như vợ chồng. Sau khi được chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đến vận động, tuyên truyền, phân tích, thuyết phục thì 29 trường hợp đã đồng ý dừng việc kết hôn để đợi khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Đơn cử, tại xã A Mú Sung, đầu năm 2021, trên địa bàn có 2 cặp sống chung với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. “Ngay sau khi nắm được thông tin, xã đã chỉ đạo cán bộ thôn phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống tận gia đình gặp các em để tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, những hệ lụy xã hội khi tảo hôn. Sau khi lắng nghe và thấu hiểu, em gái đã tự về nhà bố mẹ. Tuy nhiên, vẫn còn 1 trường hợp tảo hôn do 2 gia đình ở gần, thường xuyên qua lại nên chưa chấm dứt hẳn được tình trạng này”, ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung cho biết.

Hay ở xã Sàng Ma Sáo, trước đó cũng có nhiều trường hợp trai gái chưa đến tuổi kết hôn nhưng bỏ học về nhà ở với nhau. Khi nắm được thông tin, lãnh đạo xã cũng đã rất quyết tâm để tuyên truyền cho bà con hiểu.

Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo chia sẻ: Hiện nay chúng tôi có tổ tuyên vận hàng tháng họp triển khai để nâng cao nhận thức cho bà con. Đặc biệt chúng tôi có hương ước, quy ước, tảo hôn sẽ bị xử lý như thế nào cho nên hiện nay nhận thức được.

Chị Lý Thị Dì và anh Lầu A Hòa ở xã Sàng Ma Sáo thành vợ, thành chồng khi mới 15 tuổi. Sinh con sớm, thiếu kiến thức chăm sóc bản thân, đời sống thiếu thốn, nên người vợ thường xuyên đau ốm. Gia đình bốn miệng ăn, tiền học của 2 con, tiền thuốc thang chữa bệnh đều trông cả vào mảnh ruộng và khoản tiền đi làm thuê thời vụ của người chồng. Vì thế, sau khi được cán bộ địa phương đến giảng giải và phổ biến những kiến thức liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, về những kỹ năng chăm con… hai vợ chồng anh Lầu A Hòa mới nhận ra những điều không đúng.

Kiên quyết xóa bỏ nạn tảo hôn

leftcenterrightdel
 Giáo viên của nhiều trường học ở huyện Bát Xát luôn tìm cách trò chuyện, tuyên truyền với học sinh về vấn nạn tảo hôn. Ảnh: Yên Phú 

Có thể thấy, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn thời gian qua trên địa bàn huyện Bát Xát đều là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp thu các tri thức văn hóa, đồng thời các chế tài xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm là những nguyên nhân khiến nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền các cấp, thời gian qua nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phòng và chống tình trạng tảo hôn. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền và các đoàn thể của huyện Bát Xát đã chủ động xây dựng quy ước chung của thôn, bản, như quy định về không tảo hôn, kết hôn sớm; phát huy hiệu quả các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương vùng cao.

Xây dựng các mô hình như “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Không cưới tảo hôn”, "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”, Đội Tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước ngăn chặn tập tục lạc hậu này trên địa bàn.

“Chúng tôi tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh nhất là lứa tuổi lớp 8, lớp 9. Đối với những thanh thiếu niên không đi học mà ở nhà thì chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền để các em nắm được Luật Hôn nhân và Gia đình”, ông Lý Việt Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát cho biết.

Dù từng bước ngăn chặn được tình trạng tảo hôn nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống cho bà con nhưng nguy cơ vẫn luôn tái diễn nếu như việc tuyên truyền không thường xuyên. Do đó chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm về tảo hôn theo quy định của pháp luật, kết hợp với xử lý theo hương ước, quy ước; tăng cường tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, những hệ lụy mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… ở nhà trường để ngăn chặn tình trạng bỏ học về lấy chồng.

Đặc biệt, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức từ chính các bậc phụ huynh để có sự quan tâm hơn đến công tác giáo dục con cái, nhất là giai đoạn bắt đầu trưởng thành cần kịp thời giáo dục, uốn nắn các em.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể, huyện Bát Xát đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ngăn chặn và xóa bỏ thành công tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Yên Phú