Ngày 11/8, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu lý do Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo ông, việc xây dựng dự án luật này nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành.

Giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi, bộc lộ tồn tại, hạn chế.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Đ.X

Bộ trưởng dẫn chứng như phạm vi điều chỉnh chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xuyên suốt.

Hay việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn…

Do đó cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng luật, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là cấp thiết.

Ủy ban Thường vụ cũng đồng ý chủ trương là cần phải khẩn trương hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua vào kỳ 6 (tháng 10/2023), nên cần phải bổ sung vào chương trình.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự phiện họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Đ.X 

Qua xem xét hồ sơ, thấy còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn, Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới.

“Xong lúc nào thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lúc đó”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận.

Ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ yêu cầu hồ sơ phải bảo đảm bám sát Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ và Kết luận 19 của Bộ Chính trị là “phải ưu tiên chất lượng, không chạy theo số lượng”.

Quá trình hoàn chỉnh cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, bảo đảm yêu cầu kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra và khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hôi cũng lưu ý, dự án luật phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng, Quốc hội, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đất đai, quản lý Quỹ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; tiếp tục tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp…

Ngoài ra, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai…

Hương Giang