Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Cẩn trọng với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch

Thứ năm, 16/11/2017 - 22:50

(Thanh tra)- Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Thủ đô đã cơ bản được khống chế khi có tới 5.042/5.243 ổ dịch đã trải qua 14 ngày không ghi nhận thêm ca bệnh mắc mới. Hà Nội cũng đã trải qua 11 tuần liên tiếp ghi nhận số ca mắc SXH liên tục giảm. Mừng là vậy nhưng người dân Thủ đô lại đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch do tiêm phòng không đầy đủ.

Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh đầy đủ. Ảnh: Thùy An

Bệnh SXH cơ bản được khống chế

Mặc dù dịch SXH đã giảm mạnh nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng cũng như người dân chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch. Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh giám sát và triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống SXH. Người dân vẫn cần thường xuyên vệ sinh nơi ở, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt và tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế, chính quyền trong các hoạt động phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 36.345 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Trong tuần từ ngày 6 đến 12/11, Hà Nội ghi nhận 490 trường hợp mắc SXH; cụ thể, 19 quận, huyện có số mắc giảm và 11 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước. Như vậy, dịch bệnh SXH có xu hướng giảm mạnh.

Sởi có nguy cơ lan thành dịch

Tuy nhiên, số ca bệnh sởi đang tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Tuần qua ghi nhận thêm 10 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 189, trong đó 63 trường hợp dương tính với sởi (tăng 61 ca so với năm 2016) và 1 ca tử vong.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi, hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông - Xuân, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Cũng theo ông Hạnh, trên địa bàn Hà Nội, khu vực xuất hiện bệnh nhân sởi năm nay rất rộng, rải rác tại 53 xã, phường của 24/30 quận, huyện, thị xã. Theo chu kỳ, dịch sởi xuất hiện từ 3 đến 5 năm/lần. Do vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, nguy cơ dịch sởi sẽ quay lại sau vụ dịch năm 2014 khiến hơn 140 trẻ tử vong.

Còn theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số bệnh nhân mắc sởi rải rác tại 24 quận, huyện và có xu hướng tăng trong các tuần gần đây với trung bình là 4-5 bệnh nhân/tuần. Trong số các trường hợp mắc sởi có 30% chưa đến tuổi tiêm chủng, 70% đã đến tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ. 

Điều đáng nói là rất nhiều trẻ mắc sởi do chưa tiêm phòng như Bệnh viện Saint Paul gần đây ghi nhận 17 ca mắc sởi đều do chưa tiêm vaccine, trong đó một số trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Còn Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 2 tháng gần đây mỗi tháng tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi mắc sởi, chủ yếu ở độ tuổi dưới 9 tháng cũng chưa đến tuổi tiêm phòng.

Kịp thời cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc sởi

Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn gửi các đơn vị trong và ngoài công lập thuộc ngành Y tế Hà Nội yêu cầu tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi theo quy định của Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế để chủ động trong công tác khám và điều trị cho người bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác khám và điều trị bệnh sởi; tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Hướng dẫn người dân tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi cho trẻ để phòng bệnh.

Ngay tại khoa khám bệnh cần tổ chức khám, sàng lọc, phát hiện kịp thời, cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc sởi hoặc xác định mắc sởi theo đúng quy trình, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Do vậy, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố đối với trẻ dưới 5 tuổi. Đồng thời, sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hằng tuần cho đối tượng trẻ dưới 5 tuổi bị muộn, chậm so với lịch tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin phòng bệnh sởi thay vì 1 tháng/lần như hiện nay.

Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tiêm vaccine đầy đủ

Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi, hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vaccine sởi -rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây, vì thế không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ…

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm