Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn

PV

Chủ nhật, 24/10/2021 - 16:14

(Thanh tra)- Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khi ngành Y tế đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì người dân được lợi. Ảnh: MH

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (BộY tế) cho biết, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện, như 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đến nay, đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Một thành tựu nữa của ngành Y tế khi thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế.  Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, chuyển đổi số trong ngành Y tế càng trở nên cấp thiết. Không chỉ tiết kiệm cho người dân về thời gian, chi phí khi được hẹn khám chữa bệnh tại các bệnh viện... mà còn là một trong các mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát, hỗ trợ xác định vùng nguy cơ dịch Covid-19 và đối tượng có nguy cơ nhanh chóng, kịp thời...

Theo đại diện các bệnh viện, nền tảng số giúp bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, quản trị, quản lý bệnh viện; các hệ thống phần mềm về công nghệ thông tin, quản trị bệnh viện được cập nhật tại các bệnh viện và cơ sở từ hồ sơ sức khỏe điện tử đến các hồ sơ bệnh án điện tử được liên thông.

Bên cạnh đó, ngành y tế đang triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu y tế toàn dân. Theo đó, mỗi người dân có một mã số định danh y tế duy nhất chính là mã số bảo hiểm xã hội. Người dân khi đi khám chữa bệnh chỉ cần cung cấp mã số bảo hiểm xã hội của mình, bác sỹ sẽ truy vấn cơ sở dữ liệu y tế toàn dân để có đầy đủ thông tin của người dân cũng như thông tin quá trình khám bệnh chữa bệnh trước đây, các yếu tố nguy cơ… của bệnh nhân một cách nhanh chóng, chính xác.

Tầm nhìn tới năm 2030 mà ngành Y tế đặt ra là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, khi ngành Y tế đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì người dân được lợi. Đặc biệt, người dân được tiếp cận dịch vụ y tế được nhanh chóng, thuận tiện dễ dàng hơn thông qua tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, ,sẽ giảm phiền hà cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục suốt đời thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử. Đồng thời được tư vấn sức khỏe tốt hơn, hiệu quả hơn thông qua các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo các chuyên gia y tế, chuyển đổi số trong ngành Y tế thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở y tế và người dân, người bệnh. Tuy vậy, thực tế công tác này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, khiến cho kết quả, hiệu quả nhiều hoạt động chưa đạt kỳ vọng.

Dù đạt nhiều thành tích nhưng cũng có thể thấy hiện nay quá trình chuyển đổi số trong ngành Y tế chưa đáp ứng kỳ vọng bởi trình độ của một số cán bộ chưa thể đáp ứng.

Chia sẻ tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Y tế: Làm gì để người dân được lợi?” mới đây, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế chưa hoàn thiện, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật; nguồn nhân lực công nghệ thông tin y tế còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng…

Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 5349/QĐ-BYT về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bước đầu đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Quảng Bình….

Tuy nhiên, ông Trần Quý Tường cho biết, thời gian qua, nhiều ứng dụng khác nhau đã được triển khai để phục vụ tức thời cho hoạt động chống dịch cụ thể, theo tính chất chống dịch gấp rút tại từng thời điểm, do vậy chưa kịp thời liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các ứng dụng.

Đáng lưu ý,  các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai mã định danh y tế, cho nên việc xác định hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trên hệ thống gặp nhiều khó khăn.

Khả năng kết nối liên thông dữ liệu giữa hồ sơ sức khỏe điện tử và HIS, EMR còn hạn chế do thiếu các tiêu chuẩn kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế.

Thời gian tới, khi thống nhất tập trung thành 1 ứng dụng phục vụ phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức liên thông, dữ liệu đầy đủ, việc triển khai ứng dụng số trong phòng chống Covid-19 sẽ có hiệu quả hơn”, ông Trần Quý Tường cho biết thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm