Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Chây ỳ” không thực hiện kết luận thanh tra: Khó xử lý

Thứ ba, 25/07/2017 - 08:28

(Thanh tra)- Chiều 24/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra là thiếu các biện pháp hữu hiệu, các chế tài cụ thể để xử lý các đối tượng “chây ỳ” không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra…

Khởi tố các vụ thanh tra chuyển thấp mà không có phản hồi

Theo Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện, công tác thanh tra là khâu quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước. Sau 6 năm thi hành Luật Thanh tra 2010, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều vi phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ rất lớn, quyền lại chưa tương xứng. Ông Diện chỉ ra, hiện việc phối hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra của thanh tra các cấp, các ngành bộc lộ nhiều bất cập.

“Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý. Tuy nhiên, tỷ lệ khởi tố các vụ việc này còn thấp mà không có phản hồi lý do”, ông Diện nói.

Đáng chú ý, quyền xử lý vi phạm đối tượng “chây ỳ”, không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách Nhà nước chưa được bổ sung cho thanh tra.

“Pháp luật về thanh ra chưa có một chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các yêu cầu từ phía các chủ thể thanh tra ngoài biện pháp là báo cáo với cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra bao che cho đối tượng thanh tra thì việc xem xét, xử lý đối tượng thanh tra là rất khó khăn”, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Hàng nghìn hồ sơ chứng thực chưa xác định được tính hợp pháp

Đồng tình, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc thực hiện kiến nghị theo kết luận thanh tra tại một số đơn vị là đối tượng thanh tra chưa nghiêm túc, vẫn nể nang, chiếu lệ, chung chung.

Ông dẫn chứng qua thanh tra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Cục này đã phát hiện loạt sai phạm và đã kiến nghị xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được báo cáo “hồi âm số phận” hàng loạt hồ sơ chứng thực.

Theo kết luận thanh tra, từ 10/4/2015 đến 31/8/2016, Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ chứng thực trên 29 nghìn hồ sơ yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch, chủ yếu từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để sử dụng ở nước ngoài.

“Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ đã không tuân thủ nghiêm túc quy định về lưu trữ hồ sơ chứng thực chữ ký của người dịch (trong thời hạn 2 năm) dẫn đến hậu quả không có căn cứ để xác định tính chính xác của chữ ký người dịch, tính hợp pháp của việc chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ đối với số lượng lớn hồ sơ”, kết luận thanh tra chỉ ra.

Từ 1/7/2011 đến 5/2017, Bộ Tư pháp tiến hành 124 cuộc thanh tra theo kế hoạch (68 cuộc thanh tra hành chính, 56 cuộc thanh tra chuyên ngành). Qua đó, ra quyết định thu hồi hơn 1,1 tỷ đồng, xử lý vi phạm hành chính hơn 531 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Tư pháp cho hay, tất cả các cá nhân, tổ chức có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra đều bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm, trong đó có cả các cán bộ giữ vị trí là Cục trưởng, Chi cục trưởng. Cụ thể, các cơ quan thi hành án dân sự đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 25 công chức; 4 cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 4 cán bộ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo; 2 cán bộ bị miễn nhiệm chức vụ.

Trong thời gian chưa thực hiện quy trình nêu trên, yêu cầu Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ dừng ngay tất cả các hoạt động chứng thực chữ ký người dịch, trừ trường hợp chứng thực chữ ký của người tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân. Cục này đã yêu cầu báo cáo kết quả liên quan đến việc xử lý, kiểm điểm, khắc phục sai sót, vi phạm trước ngày 30/1/2017.

Cần quy định chế tài cụ thể

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng đồng ý với đánh giá, việc xử lý sau thanh tra còn thiếu cơ chế rõ ràng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả, giảm vai trò của công tác thanh ta.

Từ thực tiễn, Bộ Tư pháp kiến nghị, hoàn thiện Luật Thanh tra theo hướng quy định chế tài cụ thể trong việc xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra.

Cùng với đó, quy định cụ thể tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, xây dựng tính hệ thống, liên kết của cơ quan thanh tra cấp dưới với cơ quan thanh tra cấp trên; quy định rõ trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với kết luận thanh tra…

“Cũng cần tăng cường công tác thanh trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ; làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm, thiếu trách nhiệm”, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện đề xuất thêm giải pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra.

Tiếp thu các kiến nghị, ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình thực hiện Luật có những bất cập, điểm vướng cần phải hoàn thiện. Thanh tra Chính phủ sẽ có đánh giá, báo cáo tổng kết để làm sao thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động thanh tra hiện nay.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm