Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương: Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ “đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển”

Hương Giang

Thứ tư, 27/01/2021 - 21:33

(Thanh tra) - “Cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển. Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Mai Trực nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 27/1, tại Đại hội XIII của Đảng, ông Mai Trực, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ với khối lượng công việc rất lớn, tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước đây, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.

Nổi bật là đã rất chủ động, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và đã tạo ra bước đột phá.

Làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm"

UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức Đảng và trên 47.000 đảng viên; giám sát trên 183.000 tổ chức Đảng và trên 528.000 đảng viên.

Đồng thời, tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như: Công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực của đảng viên có chức quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách… trách nhiệm nêu gương…

“Trong đó, có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm”, ông Mai Trực cho biết.

Theo Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức Đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm, có cả những cán bộ giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu... với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.

Với công tác phòng, chống tham nhũng, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra những nơi, lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như: Cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước…

Qua đó, đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức Đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng…

Ông Mai Trực khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức Đảng, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; ngăn ngừa các nguy cơ của Đảng cầm quyền, đóng góp tích cực vào việc kiểm soát quyền lực, trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là phòng, chống việc lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Mai Trực, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế.

“Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu; có nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý kéo dài…”, ông Trực nói.

Kỷ luật phải nghiêm minh, trên tinh thần “trị bệnh cứu người”

Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, để góp phần tích cực hơn nữa vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, ông Mai Trực cho rằng, cần tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói - "là thanh bảo kiếm của Đảng" - nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, UBKT các cấp.

Ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", “không cần tham nhũng".

“Cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển. Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp”, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương nhấn mạnh.

Cấp ủy các cấp phải tăng cường giám sát chuyên đề, trong đó mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực, tập trung vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, dư luận xã hội quan tâm để chủ động nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm.

Ông Mai Trực lưu ý, xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, song, phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, làm tốt hơn.

“Công khai kết quả xử lý các vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát huy tối đa hiệu quả, tác dụng trong phòng ngừa, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh vi phạm, tạo đồng thuận và hiệu ứng tốt trong xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước”, ông Mai Trực nói.

UBKT các cấp cũng phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi trách nhiệm theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm tra Đảng đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, tương xứng, ngang tầm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền

Trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, đất nước, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề cập đến nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương công tác dân vận của Đảng.

Theo ông Lĩnh nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện chủ trương kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực sự là công bộc của dân, tận tụy phục vụ Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm cho cả hệ thống chính trị đặc biệt là chính quyền các cấp thực sự vì nhân dân phục vụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân. Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Các cấp chính quyền phải xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự xã hội, phục vụ nhân dân, lấy mục tiêu an dân trong các vấn đề chỉ đạo”, ông Lĩnh phát biểu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm