Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Văn hóa, nghệ thuật chủ động hội nhập, lan tỏa các tác phẩm chất lượng đến bạn bè quốc tế

Thái Hải

Thứ năm, 08/08/2024 - 21:04

(Thanh tra) - Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam vào ngày 8/8.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV

Đồng chủ trì buổi làm việc có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng.

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết, trong các năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực trong sáng tác, vận động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu tác phẩm VHNT; tham gia chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng Nhân dân, đóng góp vào những thành quả chung, quan trọng của đất nước.

Theo ông Đỗ Hồng Quân, trong các năm qua, chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, tạo được sự quan tâm rộng lớn của công chúng, sức lan tỏa chưa nhiều. Một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ giúp việc, tham mưu gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư cho VHNT chưa tương xứng. Công tác VHNT nói chung và nhất là ở các địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng về kinh phí hoạt động. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng, chưa quan tâm đến vai trò, tính đặc thù của VHNT. Công tác xã hội hoá chưa mạnh, hiệu quả không cao.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Đỗ Hồng Quân cho biết, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng một số chương trình, đề án cụ thể trình cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn của các ban Đảng, Ban Chỉ đạo Đại hội, Đảng đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội bảo đảm đúng quy trình, quy định; chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm 2025...

Đối với các hoạt động chuyên môn, Liên hiệp và các Hội cần xem hoạt động sáng tác, sáng tạo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của Liên hiệp Hội và các Hội VHNT. Tiếp tục đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề, biên độ sáng tạo; quan tâm tính chuyên nghiệp để có nhiều tác phẩm kết tinh tài năng tâm huyết, có sức khái quát cao về sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định vai trò của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, VHNT tiếp tục được khẳng định là lĩnh vực quan trọng, là bộ phận cấu thành và đặc biệt tinh tế của văn hóa. VHNT đóng vai trò trong đáp ứng nhu cầu thiết yếu, khát vọng hướng đến chân, thiện, mỹ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở mới của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ảnh: PV

Trình bày một số giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa, VHNT, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa.

Tư duy này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là tư duy đúng, trúng và có sự chuyển biến kịp thời.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL quản lý lĩnh vực VHNT bằng công cụ pháp luật; có sự điều tiết hợp lý, hài hòa. Bộ cũng đang tiếp tục phát huy tính sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật nhưng vẫn tuân theo các quy định pháp luật hiện hành.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết các giải pháp khơi thông cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng, thực hiện vì sự phát triển của VHNT Việt Nam. Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, sau khi có được nhận thức chung trong nội dung phát triển VHNT và đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, khi Quốc hội thông qua, cùng với Bộ VHTTDL, vấn đề thực hiện sẽ do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các cơ sở đào tạo, địa phương…

Về Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng nhận định phải xác định rõ Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách. Văn nghệ sĩ giữ vai trò là những người sáng tạo. Để làm được những điều này, phải có cách thức tổ chức, vận hành, phát huy tiềm năng, dư địa ở một số lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn…

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương đã đạt được trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị phải quán triệt sâu sắc những nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, Nhân dân; bác bỏ những quan điểm sai trái của thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng vẫn tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT; quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ; phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ.

Việc đầu tư cho VHNT phải tránh dàn trải, có sự phân bổ hợp lý; chú trọng đến cơ sở hạ tầng để nâng tầm vị thế đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của Nhân dân. Công tác xã hội hóa nguồn lực phát triển VHNT cần được quan tâm theo hướng hoàn thiện các chính sách.

Ngoài ra, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo điều lệ; tham gia cùng các cơ quan quản lý trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển VHNT; nỗ lực đóng góp vào hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các giải pháp đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết thêm, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, văn hóa, VHNT cũng phải thể hiện sự chủ động hội nhập; có giải pháp lan tỏa các tác phẩm VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm chất lượng đến bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam; giúp Nhân dân các nước hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đón đọc ấn phẩm đặc biệt Thanh tra Xuân Ất Tỵ 2025

Đón đọc ấn phẩm đặc biệt Thanh tra Xuân Ất Tỵ 2025

(Thanh tra) - Đón chào năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt nền tảng vững chắc để đất nước bứt phá, ấn phẩm Thanh tra Xuân Ất Tỵ gồm 80 trang nội dung, đánh dấu chặng đường 80 năm vẻ vang của ngành Thanh tra Việt Nam, với những bài viết tập trung vào các vấn đề quan trọng, khẳng định Việt Nam đủ thế và lực bước vào kỷ nguyên mới.

TKBT

13:23 15/01/2025
Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Tác giả Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8, có tựa đề: 'Bóng Tình' với một sự cảm nhận về nhân tình thế thái, mối giao hòa cảm xúc giữa con người với con người, con người với cỏ cây hoa lá, con người với trời đất bao la mênh mông của vũ trụ...

Theo Minh Trang/PLVN

12:57 14/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm