Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự còn có đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.
|
|
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ |
Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!” .
Tiếp thu lời dạy của Người, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.
Trong vòng 3 tháng, từ ngày 04/4/1949 đến ngày 06/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này. Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nguyễn Tuân…
Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giảng dạy tại trường, ông để lại bút tích trong Sổ Ghi cảm tưởng của lớp học như sau: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
Các học viên sau khi tốt nghiệp nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.
Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ. Năm 1949, chúng ta có khoảng mười tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và trên 40 nghìn người làm báo…
Thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên, học viên của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta.
Năm 2019, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành Văn hóa, “địa chỉ đỏ” Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.
Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của di tích nhân kỷ niệm 75 năm thành lập trường và hướng đến 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Địa điểm thành lập Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từ nguồn vốn xã hội hoá và được giao trọng trách chủ đầu tư.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, sau 6 tháng 22 ngày bất kể thời tiết nắng mưa thất thường, công việc tu bổ, tôn tạo đã hoàn tất và hôm nay tất cả chúng ta vui mừng hiện diện ở đây, cùng nhau chứng kiến giờ phút công trình được đi vào sử dụng, với mong muốn phục vụ rộng rãi công chúng và nhân dân cả nước.
Giờ đây, bên Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất lịch sử Tân Thái, một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng trên cơ sở những ghi chép và tư liệu để lại về một giảng đường tre nứa trên đồi và ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày “Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946-1954” và “Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - 1949”. Nổi bật không kém là “quảng trường mini” rộng 200m2, với bức phù điêu cao gần 3m rộng gần 8m hy vọng sẽ là một điểm nhấn ấn tượng tạo cảm xúc cho khách tham quan.
“Để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, tôi đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa, hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của “Thủ đô gió ngàn” thập kỷ 50 của thế kỷ trước ở thời hiện đại”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nói.