Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Kiên
Thứ năm, 12/09/2024 - 20:32
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công lãnh đạo các huyện, thành phố trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Nước trên sông Đà (đoạn thành phố Hoà Bình) khi Thuỷ điện Hoà Bình xả lũ. Ảnh minh hoạ: Minh Nguyễn
Những ngày qua, tại Bắc Bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Dự báo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục có mưa nhỏ, đến mưa vừa trong những ngày tới; các hệ thống sông, suối, đê kè trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã chịu nhiều tác động từ mưa lũ, nhất là mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.
Để ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình, ngày 12/9, UBND tỉnh Hoà Bình ban hành công điện, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, UBND các huyện, thành phố trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao (sạt lở, lũ quét, lũ ống…), đặc biệt là các khu vực ngoài bãi sông khi có lũ; kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa người dân quay lại nơi ở cũ khi chưa đủ điều kiện an toàn để bảo đảm tính mạng của Nhân dân.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ suối trên lưu vực các sông: Sông Đà, sông Bùi, sông Bôi, sông Bưởi, sông Lạng, sông Mã… và các sông, suối trong khu vực; có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và các cơ sở hạ tầng xung quanh khi xảy ra mưa lũ lớn khiến nước sông, suối lên nhanh, gây mất an toàn.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Trong đó, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp III trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Tăng cường công tác tuần tra tại các tuyến đê cấp III trên địa bàn thành phố Hòa Bình, phát hiện sai phạm, ảnh hưởng đến an toàn đê điều; kiểm tra các vị trí xung yếu khi Công ty Thủy điện Hòa Bình thực hiện đóng, mở cửa xả lũ; phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình xử lý nghiêm các vi phạm đê điều theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo an toàn đê điều.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo, tổ chức bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, các lực lượng đóng chân trên địa bàn, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu, để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Công an tỉnh triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các địa phương, Công ty Thủy điện Hòa Bình và các chủ hồ chứa, thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Sở Giao thông vận tải triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết thiên tai, kịp thời dự báo, cảnh báo thiên tai cho các địa phương, cơ quan liên quan biết để phòng chống, ứng phó.
Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với mưa lũ và các tình huống bất thường gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ".
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Thái Hải
17:17 21/12/2024(Thanh tra) - Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội đã chính thức lên tiếng về việc bị xử phạt hành chính liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại, dịch vụ, văn phòng và chung cư (Dự án Samsora Primer).
Đông Hà
18:36 20/12/2024Đông Hà
16:24 20/12/2024Ngọc Giàu
15:29 19/12/2024Bùi Bình
20:46 18/12/2024T.Thanh
Văn Thanh
Ngọc Giàu
Trần Quý
Thái Hải
Hương Giang
Gia Khiêm
Nam Dũng
Đông Hà
Thùy Dương
Lê Hữu Chính