Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

An Giang: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản

Cảnh Nhật

Thứ năm, 03/10/2024 - 13:35

(Thanh tra) - UBND tỉnh An Giang đã giao các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, chủ động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông; tăng cường phòng ngừa, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản…

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh An Giang kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh vật liệu cát sông đợt 1 năm 2024. Ảnh: congan.angiang.gov.vn

Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm

An Giang là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đầu tiên dòng Mê Công chảy vào địa phận Việt Nam (được tách thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu). Phía Đông Bắc của tỉnh giáp Đồng Tháp, phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100km, phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang và phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ.

Trên cơ sở kết quả công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản nhóm tờ Đồng bằng Nam Bộ (tỷ lệ 1: 200.000), nhóm tờ Hà Tiên - Phú Quốc (tỷ lệ 1:50.000), kết quả công tác thăm dò khoáng sản và điều tra bổ sung cho thấy, trong diện tích tỉnh An Giang đã phát hiện được 108 điểm khoáng sản.

Theo UBND tỉnh An Giang, khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm vật liệu xây dựng thông thường. Do nguồn tài nguyên khoáng sản có hạn nên công nghiệp khai khoáng không thuộc ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và vùng lân cận.

Năm 2021, thực hiện quyết định của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam kiểm tra 10 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 940 triệu đồng; Sở TNMT ban hành 6 quyết định xử phạt với tổng số tiền 176 triệu đồng.

Sau khi có thông báo kết quả kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở TNMT và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại theo kết luận của đoàn kiểm tra.

Tháng 2/2024, Sở TNMT đã thành lập đoàn kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật đối với tất cả các dự án khai thác đá xây dựng còn lại trên địa bàn tỉnh (5 dự án) của 4 đơn vị: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty TNHH MTV TM Nhà hàng Khách Sạn Hòa Bình, Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang, Công ty TNHH MTV 622. Đoàn đã hoàn tất kiểm tra, xác minh và hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất xử lý các tồn tại, vi phạm.

UBND tỉnh An Giang cho biết, đến nay tất cả các khu mỏ khoáng sản cát sông (trừ các khu mỏ mở mới theo cơ chế đặc thù giao cho nhà thầu thi công các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc) đã được cơ quan chức năng của Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các tồn tại, vi phạm.

Đối với các khu mỏ khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã được Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, đề xuất xử lý các tồn tại, vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Để tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản cát lòng sông, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Chỉ thị số 15/2011/CT-UBND ngày 10/11/2011, Chỉ thị số 1495/CT-UBND ngày 29/6/2020. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.

UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh do Phó Giám đốc Sở TNMT làm trưởng đoàn. Các thành viên gồm: Công an tỉnh, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Giao thông vận tải và Đội Thanh tra an toàn số 7.

Tại các huyện, thị xã, thành phố (địa bàn có khoáng sản cát sông), thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện do Trưởng Phòng TNMT làm trưởng đoàn. Thành viên là Công an huyện, Chi cục Thuế, Phòng Hạ tầng - Kinh tế, Đội Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải đóng trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn cũng thành lập tổ kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông; các bãi, vựa, điểm bán vật liệu xây dựng có chứa cát sông trên địa bàn…

Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh ngoài việc kết hợp kiểm tra 2 đợt/năm, khi nhận được tin báo của người dân hoặc khi phát hiện các điểm nóng đều tổ chức kiểm tra để xử lý theo quy định. Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, tổ kiểm tra cấp xã thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, tuần tra để phát hiện, xử lý các vi phạm. Riêng Thanh tra Sở TNMT thực hiện việc giám sát, kiểm tra 2 đợt/năm theo kế hoạch hoặc đột xuất khi có tin báo hoặc theo ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền…

Báo cáo tình hình thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2019 - 2023 cho thấy, các sở, ngành và địa phương đã kiểm tra, xử lý 850 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng (khai thác trái phép và vận chuyển không hóa đơn nguồn gốc hợp pháp); tịch thu 5 ghe gỗ, 2 tàu hút và 2.065m3 cát do vận chuyển không có hóa đơn nguồn gốc hợp pháp.

Về hoạt động khai thác cát sông được cấp phép, UBND tỉnh An Giang cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh giám sát, kiểm tra 2 đợt/năm đối với các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát sông. Qua kiểm tra, phát hiện một số trường hợp vi phạm, đã lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Liên quan hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra đối với 16 giấy phép khai thác cát sông được cấp, gia hạn sau ngày 1/7/2011 đã hết hạn và 12 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực. Theo Kết luận thanh tra số 1522/KL-TTCP ngày 6/7/2023 của Thanh tra Chính phủ, lĩnh vực khoáng sản có 7 nội dung còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm