Để có được kết quả khả quan đó, ngay từ đầu năm nay, bên cạnh các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhanh ngành du lịch, dịch vụ, thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, tỉnh cũng đã có những giải pháp căn cơ trong thu ngân sách Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện.

Tập trung phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho ngành than phát triển ổn định, tăng số lượng tối đa, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; tăng cường sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá…

Quảng Ninh là địa phương đi đầu toàn quốc chủ động chỉ đạo thực hiện sớm chủ trương mở cửa du lịch. Để sớm đưa ngành công nghiệp không khói trở lại hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển và phục hồi nhanh nền kinh tế, tỉnh đã đi đầu trong việc không yêu cầu khách du lịch phải trình hộ chiếu vắc-xin, không cần xác nhận F0 đã khỏi bệnh, không phải xét nghiệm PCR hoặc test nhanh và không nhất thiết phải đi theo tour khép kín.

Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 và Đề án phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch...

Với sự quan tâm định hướng của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và những nỗ lực, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Quảng Ninh đã ngày một khởi sắc.

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Quảng Ninh đã nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; trong đó, phát triển mạnh các loại hình du lịch, như: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, đa dạng trải nghiệm và khai thác tốt loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...

Sau hàng loạt các chương trình, sự kiện du lịch như Carnaval Hạ Long 2022, Festival áo dài 2022, bước vào “mùa vàng du lịch” hè năm nay, Quảng Ninh ghi dấu ấn sâu đậm với du khách trong và ngoài nước khi tổ chức thành công sự kiện SEA Games 31 với 7 môn thi đấu tại địa phương. Cũng từ sự kiện quan trọng này, Quảng Ninh quảng bá sâu rộng về vùng đất, tiềm năng, du lịch của Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế.

Với các giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 6 tháng năm 2022, kinh tế của Quảng Ninh phục hồi nhanh chóng với những con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ 2021.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 28.671 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 24% cùng kỳ 2021. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt 22.221 tỷ đồng, có 10/16 khoản thu đạt và vượt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 14,72% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng ước đạt 1.179 triệu USD. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần cùng kỳ 2021; doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng...

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, kinh tế của Quảng Ninh đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Đây sẽ là “bước đệm” để tỉnh tạo đà bứt phá phát triển kinh tế trong thời gian tiếp theo.

Trọng Tài