Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh sáng 4/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu thực trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng.

Bà đề nghị bộ trưởng cho biết công tác dự báo, dự phòng vấn đề trên? Giải pháp ổn định môi trường sống khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới?

“Hiện nay biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không những gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, mà sạt lở ở khu vực miền núi phía Bắc cũng nghiêm trọng, lũ lụt ở miền Trung”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khanh cho hay.

Trước điều này, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo. Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cấp trang thiết bị, cùng tổ chức quốc tế đào tạo nhân lực để tăng khả năng dự báo.

“Khả năng dự báo của Việt Nam đã tiệm cận các nước trong khu vực, dự báo chính xác, đóng vai trò quan trọng trong chuẩn bị ứng phó”, ông nói.

Với tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường, có 4 nguyên nhân.

Đầu tiêu là do nền địa chất của vùng này được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ so với tất cả vùng đồng bằng khác. Theo quan sát, thì vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tự lún. 

“Chúng tôi còn đo được các phễu lún, có điểm lún khoảng 10 cm. Có nghĩa, do tự nền đất địa chất non trẻ của đồng bằng sông Cửu Long”, ông Khánh cho hay.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang). Ảnh: P.Thắng

Các nguyên nhân còn lại, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là do lượng phù sa giảm rất lớn; lấn chiếm bờ sông để xây dựng, nuôi trồng thủy sản; và đặc biệt là khai thác cát trái phép, gây ra sạt lở, sụt lún.

“Các mỏ khai thác cát đều được đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, ở đây là khai thác trái phép, tức là khai thác lậu, chúng ta không quản lý được, rất nguy hiểm. Tôi cũng được nghe địa phương báo cáo khai thác lậu là dùng vòi để hút cát vô tội vạ, gần bờ, rất nguy hiểm”, ông Khánh nói.

Không chỉ khai thác cát lậu, còn có tình trạng khai thác cát có phép nhưng lại vi phạm khi khai thác quá công suất, quá chiều sâu, thậm chí có mỏ khai thác gấp đôi chiều sâu cho phép. 

Nêu giải pháp, ông Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường được giao đánh giá trữ lượng cát, sỏi lòng sông của Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này để biết những vùng có thể khai thác và trữ lượng khai thác thế nào. 

Cạnh đó, rà soát, sắp xếp lại dân cư ở vùng có nguy cơ bị sạt lở. “Vùng nào nguy cơ cao, cảnh báo cao, phải thực hiện ngay quy hoạch, bố trí lại dân cư”, theo lời ông Khánh. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh giải pháp xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông; nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo. Bộ cung cấp bản tin thủy văn, cảnh báo, dự báo theo giai đoạn 10 ngày, 30 ngày.

Chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé bấm nút tranh luận. Theo bà Bé, dự báo, dự phòng là một vấn đề hết sức quan trọng để chủ động ứng phó kịp thời các biến động do ảnh hưởng của thiên tai. 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tới vấn đề này. 

Với các nguyên nhân làm gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, ngoài 4 nguyên nhân bộ trưởng nêu, bà Bé lưu ý, còn thêm nguyên nhân là “khai thác nước ngầm tràn lan”. 

“Đề nghị bộ có giải pháp quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay”, đại biểu đoàn Kiên Giang nêu.

Tuổi thọ mỏ khoáng sản tối đa 50 năm

Quan tâm thời gian khai thác các mỏ khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn đoàn Thái Bình) cho biết, một số chủ mỏ hiện nay muốn gia hạn thời gian cấp phép khai thác khoáng sản. 

“Quy định trước đây, thời gian cấp phép ngắn. Do vậy, khi hết thời hạn, chủ mỏ muốn gia hạn. Quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”, ông Thân hỏi.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian cấp phép khai thác mỏ tối đa là 30 năm và các mỏ được phép gia hạn nhiều lần nhưng không quá 50 năm. “Điều đó có nghĩa tuổi thọ một mỏ theo luật tối đa là 50 năm”, theo lời ông Khánh.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, sau thời gian khai thác 30 năm nếu các mỏ còn trữ lượng và chủ mỏ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, bảo vệ tài nguyên môi trường thì được gia hạn thời gian khai thác.

Cụ thể, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ phải làm hồ sơ đề xuất xin gia hạn. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền được phân cấp sẽ xem xét hồ sơ. “Theo quy định của pháp luật, khi chủ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì được gia hạn khai thác theo quy đinh”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói thêm. 

Hương Giang