Lớp học trong bệnh viện

Tôi tìm đến lớp học vào một ngày cuối tháng 4, ngày của những hân hoan về một thắng lợi vĩ đại của dân tộc, khi mà các bác sĩ trong khoa Vật lý trị liệu đang tất bật với những giáo án tập, phác đồ điều trị cho bệnh nhi của khoa.
 

Trong căn phòng chưa tới 16 m2  BS. Lê Thị Đào, phụ trách khoa Vật lý trị liệu vui mừng cho biết: Lớp học nơi đây giờ đã thật sự ra hình hài đúng nghĩa một lớp học rồi anh ạ, không còn cảnh học nhờ, học đậu như trước, vì đã được Ban giám đốc BV cho xây và mở rộng thành một phòng học riêng biệt. Bàn ghế, bảng đen và các dụng cụ hỗ trợ giảng dạy, học tập cho các em đã đầy đủ hơn trước rất nhiều.
 

Niềm vui như lời BS. Đào vừa khoe với tôi tuy khá giản đơn, nhưng tôi cảm nhận được nó lại là một cái gì đó rất lớn lao và hạnh phúc với tập thể đội ngũ y bác sĩ ở đây: Hạnh phúc bởi lẽ, lớp học đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ban Giám đốc BV, từ các bậc phụ huynh và từ Lãnh đạo UBND TP.
 

Theo lời BS. Đào, lớp học hình thành sau những ấp ủ rất lâu của chính chị và đội ngũ y BS trong khoa. Là người công tác nhiều năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, không ít lần, BS. Lê Thị Đào thấy những đứa trẻ tay chân quấn băng trắng, ngồi gò từng nét chữ, ê a học lại bài. BS. Đào biết chắc rằng, sau khi khỏi bệnh, các bé lại phải lao vào những ngày học bù để theo kịp lớp. Có bé nghỉ học lâu ngày, phải ở lại lớp. Những khi ấy, trong đầu BS. Đào đau đáu một câu hỏi: “Mình làm được gì cho những đứa bé tội nghiệp này?”.
 


Lớp học những ngày đầu còn khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất


Nghĩ là làm, ngay từ tháng 2/2009, BS. Đào với chức vụ trưởng đơn vị Trung tâm vật lý trị liệu đã trình bày ý tưởng và  được với Ban Giám đốc ủng hộ, đồng thời thông báo cho các khoa yêu cầu hỗ trợ hai BS Đào và Rành. 14 y, bác sỹ của Trung tâm vật lý trị liệu được huy động để biến căn phòng vốn là phòng giao ban công việc trở thành phòng học. Giường bệnh được tháo bỏ tấm đệm, thành chiếc bàn học. Chiếc bảng phân công lịch trực trở thành bảng giáo viên. BS. Rành sẽ là người trực tiếp đứng lớp.
 

BS. Đào tâm sự: Mục đích chính của lớp học này không gì khác là dạy chữ cho các em và chống tái mù chữ khi các em phải bỏ học quá lâu vì nằm viện. BS. Phạm Thị Rành, người trực tiếp đứng lớp nói: “Lớp học thường được bắt đầu từ 9 giờ - 11 giờ sáng và kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
 

Không ít phụ huynh có con nằm điều trị lâu dài, sau khi ra viện đã gọi điện về khoa cảm ơn rất nhiều và thông báo con họ đã theo học rất tốt tại trường nhờ được bù đắp những kiến thức đã rơi rụng trong quá trình nằm điều trị bệnh trước đây. Chúng tôi nghe mà thấy vui và ấm lòng. Vui bởi một lẽ đơn giản: Các cháu có thể tiếp tục được những ước mơ và khát vọng của mình”. 

Vừa làm công việc chuyên môn, vừa dạy cho các em, BS. Đào, BS. Rành đều phải cố gắng sắp xếp công việc của mình, không để các em vì công việc của các chị mà không học được, dù có ngày trong lớp học chỉ có vài em. “Mỗi ngày lên lớp, nhìn thấy các em nhỏ hồn nhiên vui đùa, học tập, tranh nhau kể chuyện cho cô giáo nghe là mình đã thấy vui rồi. Hạnh phúc đôi khi đến từ những điều rất nhỏ như thế anh ạ”, BS. Đào thổ lộ.
 

Ấp ủ lớn nhất mà BS. Đào chia sẻ với tôi là việc BS đang nghĩ đến chuyện, đề xuất với Ban Giám đốc để liên kết với ngành Giáo dục, chuyển lớp học “đặc biệt” này thành lớp học bài bản, có kiểm tra và thi cử đàng hoàng. Các em theo học tại các lớp này, nếu vượt qua các kỳ kiểm tra, coi như đã hoàn thành chương trình học như tại trường.
 

Những mảnh đời chờ sẻ chia

Theo chân BS. Rành ghé thăm lớp học, chúng tôi thât sự ngạc nhiên  khi thấy không khí ở đây thật vui tươi, những tiếng líu lo của các em khi đọc những âm ngữ tiếng Anh do cô Huỳnh Thị Ngọc Bình (giáo viên quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) giảng dạy. Nhìn những đôi mắt sáng long lanh, đầy mơ ước của các em, tôi không thể tin đó là những cháu bé đang phải nằm điều trị dài ngày tại đây vì những căn bệnh nan y.
 

Nhìn các em học mà tôi thầm trách, số phận thật nghiệt ngã làm sao, khi sớm gieo vào các em những căn bệnh nan y. Có không ít gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, không thể làm việc được do bệnh của trẻ "gắn" chặt với máy chạy thận mỗi tuần 2 - 3 lần. Có những gia đình đã đổ vỡ vì người chồng hoặc vợ nản lòng, mệt mỏi, không chịu đựng được bất hạnh, khó khăn nên đã lặng lẽ bỏ đi.
 

Chị Nguyễn Thị Thùa, mẹ em Phạm Quốc Cảnh, quê Long An là một ví dụ. Cảnh nhập viên năm 2007 với chứng suy thận mãn, điều trị suốt 2 năm bệnh của Cảnh không mấy thuyên giảm nhưng gia sản của gia đình gần như đã bán sạch. Cuối năm 2008 chị Thùa may mắn xin được chân phụ bếp cho bếp ăn từ thiện của BV vừa để có cơm cho con ăn mỗi ngày, vừa để có thêm ít tiền lo thuốc thang, chạy chữa cho con.
 


Bác sĩ Rành đang kiểm tra kiến thức các cháu.


Trường hợp của em Nguyễn Hoàng Bi, con của chị Nguyễn Thị Hương, quê Kiên Giang lại bi đát hơn nhiều. Hoàng Bi bị suy thận mãn hơn 2 năm nay. Cách đây nửa năm, buồn cảnh gia đình, bế tắc trong cuộc sống, cha của Bi đã bỏ đi không để lại một lời nhắn. Không có tiền ăn, mẹ con Bi hàng ngày xếp hàng xin cơm từ thiện.
 

Tuy cuộc sống khó khăn và mờ mịt về tương lai như vậy, nhưng khi nghe bệnh viện mở lớp học cho các cháu, phần lớn phụ huynh và các cháu đều rất hào hứng tham gia và bé Bi, bé Cảnh là những học sinh đầu tiên đăng ký lớp học.
 

Anh Đặng Văn Việt, bố của em Đặng Việt Triều, quê Kiên Giang nói: “Không thể tin rằng khi đã vào đến bệnh viện với căn bệnh suy thận mãn phải điều trị dài ngày, con tôi vẫn còn có cơ hội được hòa mình vào không khí học hành. Lúc chưa mắc bệnh, cháu đang học lớp 4 và học rất giỏi, viết chữ đẹp. Điều trị hơn một năm, tôi kiểm tra kiến thức thấy cháu quên nhiều. Đang lo lắng thì nghe tin lớp học ra đời, vậy là ngay lập tức tôi đăng ký cho cháu học, giờ kiểm tra, thấy cháu đỡ hơn trước rất nhiều. Đúng là một giấc mơ có thật”.
 

Trong lớp học tôi ghé thăm hôm đó, có Hoàng Bi đi học. Đôi mắt em thâm quầng, da xạm đen vì biến chứng, tay chi chít vết sẹo do phải lọc máu thường xuyên nhìn có vẻ yếu ớt, khiến ai cũng phải chạnh lòng. BS. Rành nói: “Khi hay tin về lớp học này, mẹ con Bi đã đến xin học từ những ngày đầu tiên”.
 

Nhắc đến ý tưởng mang đậm tính nhân văn từ việc mở lớp dạy học cho các cháu bệnh nhi, BS. Đào nhớ lại: Hồi mới mở lớp học, khi xuống khoa điều trị bệnh nhi Thận - Tiết niệu thông báo, tôi thấy các em vui lắm. Dù trên từng khuôn mặt của các em là sự đan xen giữa vui tươi và vẻ mệt mỏi do bệnh tật giày vò.
 

Tiếp nối câu chuyện, BS. Rành kể: “Dạy các em thích lắm, các em rất ham học. Thường thì 9 giờ mới bắt đầu học, nhưng nhiều em đến từ 8 giờ, ngồi chờ ngoài cửa lớp! Ngày đầu tiên, khi tất cả các bé đứng lên đồng thanh “chúng con chào cô ạ”, mình vui không tả xiết”.
 

Và chính từ niềm vui bình dị ấy mà từ sau ngày lớp học ra đời đến nay dù rất vất vả với hàng núi công việc, nhưng mỗi khi nhắc về lớp học đặc biệt ấy, tập thể đội ngũ y bác sĩ khoa vật lý trị liệu, BV Nhi Đồng 2 TP.Hồ Chí Minh lại nhìn nhau cười hạnh phúc. Họ hạnh phúc vì đã đơm thêm cho đời nhiều bông hoa hy vọng và ước mơ.

 Anh Tú