Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 19/04/2011 - 08:11
(Thanh tra)- Đã gần 4 tháng hết thời hạn xóa lò gạch thủ công theo quy định của Chính phủ, song huyện Đan Phượng, Hà Nội vẫn tồn tại 130 trường hợp vi phạm. Trong khi chính quyền địa phương tỏ ra chần chừ, thiếu quyết liệt thì người dân lại phải “gánh” nhiều hậu quả do ô nhiễm môi trường từ những lò gạch thủ công này…
Người dân lại phải 'gánh' nhiều hậu quả do ô nhiễm môi trường từ những lò gạch thủ công này
Chưa xóa được lò gạch theo thời hạn
Có mặt tại xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội chúng tôi chứng kiến cảnh mái nhà phủ một lớp màu xám, cây cối xung quanh vàng úa. Người dân ở khu vực cho biết đó là hệ quả của các “máy sản xuất khói” ngày đêm hoạt động ở cảng Tiên Tân. Do hít thở bầu không khí ngột ngạt cùng sức nóng từ các lò gạch xả ra, người dân sinh sống ở đây hay mệt mỏi, ốm đau, còn cây cối vàng úa, héo rũ. Người dân kiến nghị với chính quyền và phản ứng gay gắt lại với các chủ lò gạch. Nhưng, không hiểu vì sao các lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động?
Tương tự, tình trạng “công trường gạch” với sự góp mặt của hàng trăm “máy sản xuất gạch” tại bãi bồi giữa lòng sông Hồng (cũng thuộc địa phương này) vẫn hoạt động mà không chịu sự quản lý từ phía chính quyền địa phương.
Chị Hoa, người có thâm niên 5 năm gánh gạch ở khu vực bãi bồi thuộc xã Hồng Hà cho biết: “Chỉ vì miếng cơm, manh áo nên phải làm nghề này chứ hít nhiều khói lò cảm thấy tức ngực, khó thở. Ngay cả ở trong làng, mặc dù cách bờ mấy trăm mét, những hôm gió lớn, khói lò gạch ùa vào không chịu nổi mùi hoi khói”.
Báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) huyện Đan Phượng cho thấy, hiện nay, trên địa bàn huyện còn tồn tại gần 130 vỏ lò gạch thủ công lẽ ra phải giải tỏa dứt điểm trước ngày 31/12/2010. Riêng, xã Hồng Hà tới 88 vỏ lò, xã Liên Trung 40 vỏ lò. Hầu hết các chủ lò gạch ở đây nhận thầu khoán đất để sản xuất nông nghiệp, nhưng lợi dụng sự buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền địa phương trong thời gian dài, họ chuyển mục đích sang đun đốt gạch thủ công - ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng TN&MT huyện Đan Phượng cho biết.
Đùn đẩy trách nhiệm?
Các cấp chính quyền ở huyện Đan Phượng biết rõ tác hại từ khói lò gạch thủ công ảnh hưởng tới sức khỏe và sản xuất nông nghiệp của nguời dân. Trước năm 2010, một số xã trên địa bàn huyện đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa lò gạch thủ công, nhưng sau giải tỏa, lò gạch thủ công lại mọc lên, thậm chí còn nhiều hơn. Đơn cử, tại xã Liên Trung, vào năm 2008 và 2009, UBND xã đã tổ chức các đợt cưỡng chế giải tỏa lò gạch, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại 40 vỏ lò, nhiều hơn trước gấp 3 lần.
Một cán bộ UBND xã Liên Trung cho rằng, sở dĩ xã chưa xóa được lò gạch thủ công, vì phải chờ phân định lại mốc giới khu vực giáp ranh với huyện Mê Linh; thiếu kinh phí phục vụ việc giải tỏa vì lò gạch nằm giữa bãi sông Hồng; tài sản giải tỏa quá lớn, nhiều trường hợp xã không đủ thẩm quyền xử lý cần có sự hỗ trợ của huyện... Tương tự, xã Hồng Hà cũng gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong triển khai xử lý giải tỏa lò gạch thủ công. Vì vậy, đến thời điểm này, xã mới cơ bản lập xong các biên bản vi phạm, xây dựng kế hoạch cưỡng chế giải tỏa.
Ông Nguyễn Đức Nam cho biết, huyện Đan Phượng đã ban hành nhiều văn bản triển khai xóa lò gạch thủ công nhưng chưa tạo được sự chuyển biến, trách nhiệm này thuộc về chính quyền xã Hồng Hà và xã Liên Trung. Theo ông Nam, đến thời điểm này, việc xác định mốc giới giữa huyện Đan Phượng và huyện Mê Linh đã xong, tồn tại lớn nhất ở đây là tinh thần và sự thiếu quyết liệt của chính quyền sở tại. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng thừa nhận, việc xóa lò gạch thủ công vẫn “dậm chân tại chỗ” có phần trách nhiệm của huyện. Theo ông Hoàng, quan điểm của huyện Đan Phượng, xã Hồng Hà và xã Liên Trung phải xóa lò gạch thủ công trước mùa mưa bão năm 2011. Huyện sẽ bố trí lực lượng và phương tiện hỗ trợ để thực hiện. Trong trường hợp xã Hồng Hà và xã Liên Trung không dẹp hết lò gạch thủ công gây bức xúc ở cơ sở sẽ kỷ luật người đứng đầu chính quyền xã đó.
Rõ ràng, việc chần chừ và thiếu quyết liệt trong xóa lò gạch thủ công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, trong lúc huyện với xã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì những vi phạm mới phát sinh ngày một nhiều. Hiện thời hạn xoá lò gạch thủ công theo qui định đã qua gần 4 tháng, nếu huyện Đan Phượng không xử lý quyết liệt sẽ tạo tiền lệ xấu trong chấp hành quy định của pháp luật.
H. Minh - N. San
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
T.Thanh
13:44 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 12/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh “bí ẩn” khiến nhiều người mắc và tử vong ở Congo, trường hợp có diễn biến mới sẽ đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
12:08 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài