Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 04/04/2012 - 07:01
(Thanh tra) - Vàng Ma Chải là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Xã là nơi cao nhất trong các xã biên giới phía Bắc Việt Nam. Xã có 3 dân tộc sinh sống rải rác trên núi cao là Mông, Dao và Hà Nhì. “Cây ngô, cây sắn trồng trên núi dốc cũng phải mất nhiều công sức, huống chi là sự nghiệp “trồng” chữ.
Các cô giáo vượt khó bám bản vì sự nghiệp giáo dục ở vùng cao
Lớp học trên “cổng trời”
Mất 2 ngày trời đi bộ, vượt thung sâu lại leo dốc dựng đứng, chúng tôi mới tới được “cổng trời” Vàng Ma Chải, xã vùng cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Thế mà thầy giáo Nguyễn Văn Biên đã lên Vàng Ma Chải dựng trường mở lớp mầm non từ năm 1996.
Khi ấy, cả xã nhìn thầy như người ngoài hành tinh, bởi họ chỉ quen một khái niệm “thầy” duy nhất là... thầy mo. Còn “thầy dạy cái chữ” thì xa vời lắm, vì cái chữ không làm ra hạt ngô, củ sắn nên mọi người chẳng muốn nghe thầy nói về việc mở lớp học chữ.
Cả tháng sau, ở gò đất cao nhất ở xã, nơi mà gió cứ suốt ngày rít gào vo vo trên đầu bỗng hiện lên cái lớp tạm bằng tre nứa do thầy Biên lên rừng tìm về dựng.
Thầy Biên cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã phải dựng cái lớp tạm ấy bao nhiêu lần nữa, chỉ một trận gió to là cái lớp chon von của thầy nằm gọn dưới khe suối. Lớp học của thầy Biên được bà con gọi là tầng dốc thứ 14, bởi đường lên Vàng Ma Chải phải vượt qua 13 tầng dốc núi quanh co đến ghê người.
Có lớp rồi, thầy lại bắt đầu hành trình gian nan vận động bà con cho bọn trẻ đến lớp. Mọi cuộc họp xã, họp bản thầy Biên đều đến thuyết phục. Tối thầy lại lặn lội đến nhà trưởng bản trò chuyện, thuyết phục thêm. Phải hơn mười năm trời kiên trì thuyết phục, bà con ở Vàng Ma Chải mới hiểu ra và tự giác đưa lũ trẻ đến lớp để thầy Biên dạy cho biết cái chữ.
Đến nay, mặc dù cơ sở vật chất trường lớp còn nghèo nàn nhưng những lớp mầm non đã hiện diện ở 8 điểm bản của xã. Và những con chữ đã bắt đầu nảy chồi, đâm lộc.
Để biết thêm việc học hành của lũ trẻ trên “cổng trời” Vàng Ma Chải này, chúng tôi theo chân cô giáo Phạm Thị Thu, cô giáo mầm non cắm bản ở Sín Chải, mất nửa ngày trời xuyên rừng lên bản Sín Chải. Dọc đường đi, cô vui chuyện kể: “Bản Sín Chải hơn 60% là hộ nghèo, bà con tháng đói, tháng no nhưng lớp mầm non của bản không bao giờ vắng bóng học sinh”.
Lớp mầm non của Thu có 16 cháu, đứa nào cũng gọi cô Thu là mẹ. Bé Vàng Thị Sua 6 tuổi bi bô nói: “Mẹ Thu dạy con cái chữ và dạy may vá. Khi đói mẹ Thu cho con ăn bánh kẹo. Mẹ còn đến nhà giúp con đi lấy nước tận dưới chân núi”.
Chuyện thầy cô cắm bản
Người vùng Tây Bắc có câu: “Nhất biên phòng, nhì giáo viên cắm bản” để khẳng định sự vất vả của những người miền xuôi lên miền núi công tác. Quả thật, sự vất vả bám trường, bám lớp gieo chữ của các thầy cô giáo ở Vàng Ma Chải thì không đâu sánh bằng.
Đa số các bản của xã Vàng Ma Chải đều xa trung tâm, đường đến bản chưa có nên phải đi bộ cả ngày trời. Vì thế mà nhiều thầy cô giáo lên đây, quên cả tuổi thanh xuân để đeo đuổi sự nghiệp “gieo chữ”, đến đỗi nhỡ nhàng cả chuyện chồng con.
Điển hình như thầy Nguyễn Văn Biên, người giáo viên đầu tiên lên Vàng Ma Chải mở lớp mầm non. Mê mải bao năm trời với việc vận động bà con dựng lớp mở trường, đến lúc được việc mới giật mình chợt nhận ra là mình đã luống tuổi. Và cho đến tận lúc về hưu, thầy Biên vẫn chưa lập gia đình, đành về quê ở Phú Thọ nương nhờ tuổi già với người thân. Chẳng thế mà đến nay, câu chuyện tâm huyết của thầy Biên vẫn được các thế hệ thầy cô giáo ở Lai Châu kể cho nhau nghe với tấm lòng vừa kính trọng vừa pha lẫn nỗi xót xa.
Cô Bùi Thị Yến, giáo viên mầm non cắm bản Tả Phùng, người đã có hơn 4 năm công tác ở xã vùng cao Vàng Ma Chải. Theo quy định, sau 3 năm cô sẽ được luân chuyển về xã gần hơn, thế nhưng cô vẫn viết đơn tình nguyện xin ở lại. Cô tâm tình rất giản dị: “Vẫn biết là chuyển công tác về gần huyện sẽ thuận tiện cho chuyện lập gia đình nhưng ở bản Tả Phùng này tôi có đến 40 cháu học sinh mầm non gọi là mẹ. Vùng cao thì nơi nào cũng vất vả, nên tôi coi các cháu học sinh ở bản là gia đình lớn của mình.
Một cán bộ xã Vàng Ma Chải tâm sự, dân Vàng Ma Chải dù có đói ăn đến mấy cũng không để con em mình “đói” chữ. Bởi ông không chỉ biết được điều quan trọng của cái chữ đối với con em xã mình, mà còn thấu hiểu được cả tấm lòng và nỗi vất vả của các thầy cô giáo dưới xuôi đã cất công lên đây cắm bản để cùng ông và đồng bào gây dựng sự nghiệp “Trồng chữ, trồng người.”
Huấn Thiện
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước ra sức phấn đấu, cống hiến, thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 13/12, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát động thi đua năm 2025.
Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Thủ đô năm 2023, với sự tham gia của gần 3.000 người cao tuổi đến từ khắp các quận, huyện Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold. Đây là sân chơi giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng.
Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Chính Bình
11:00 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng