Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rủi may… “Quốc sách hàng đầu”!

Chủ nhật, 12/05/2013 - 08:37

(Thanh tra) - Dù còn 2 tháng nữa mới đến thời điểm các trường Mầm non công lập mở cửa tuyển sinh cho năm học mới, nhưng nhiều bậc phụ huynh ở các thành phố lớn giờ đã toát mồ hôi khi nghĩ đến viễn cảnh xin học cho con.

Nhiều năm liền phụ huynh chịu cảnh chen chúc, xô đẩy, thậm chí đến trường từ đêm trước để chờ giờ mở cổng ào vào nộp đơn xin học cho con, thậm chí xô đổ cả cổng trường. Cảnh ấy nào có gì đẹp, nó chẳng nói lên tính hiếu học của người dân, mà chỉ nói một cách phiền lòng là… “Quốc sách hàng đầu” chỉ là một cái tên nghe kêu nhưng thật ra là… kêu oai oái!

Trong quảng cáo, khuyến mãi người ra chơi trò bốc thăm lấy rủi may để được quà thưởng, cốt để bán cho được nhiều hàng… tồn kho. Người may mắn thì vui còn người hốt phải cái rủi cũng chả có gì để buồn. Nhưng giờ chuyện học hành mà cũng bốc thăm đầy tính rủi may thì quả là… chuyện bây giờ mới có!

Trong năm học này, chính quyền thành phố Hà Nội cam kết không để tái diễn cảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm trước cổng trường Mầm non. Và giải pháp hay ho là… phụ huynh rút thăm nhận chỗ học cho con cháu mình! Vậy là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường lại là ngày đầy tâm trạng sau khi trẻ Mầm non được dạy bài học khai tâm giống như “đánh số đề”!

Có chuyện bốc thăm tức là có chuyện 50 - 60% số trẻ đến tuổi bị truất quyền đến trường. Do “lực bất tòng tâm” nên chính quyền chỉ lo được có chừng ấy! Tổ chức cho phụ huynh học sinh bốc thăm không tạo thêm chỗ học, nó chỉ giúp các quan chức đỡ “ê mặt” khi phải nhìn những bức ảnh chụp các đám đông mệt mỏi trước cổng trường lúc 0 giờ. Nhẹ gánh chính quyền, nhưng nặng lòng người dân.

Trên các diễn đàn, phụ huynh tiếp tục kêu than “Ai bốc thăm trượt thì con phải nghỉ học ư?”. Có vị còn bỡn “Có bác nào hay trúng vé số không để em nhờ đi bốc thăm giúp con em?”. Những câu nói bỡn cợt trong chuyện đi học thật nghe khó lọt tai.

Hàng chục năm trời, “Quốc sách hàng đầu” chỉ tập trung lo phổ cập giáo dục tiểu học, rồi trung học cơ sở, còn giáo dục Mầm non thì bị bỏ rơi. Thậm chí, nó còn được chính thức đẩy sang cho người dân với chủ trương “xã hội hóa” để 80% trẻ Mầm non học ở các trường ngoài công lập, Nhà nước chỉ đảm nhận 20%, và đây là lý do để trong cả chục năm Nhà nước hầu như không bỏ tiền ra xây thêm trường Mầm non. Những trường và nhóm lớp tư thục, thậm chí “Mầm non xóm” là bến đỗ cuối cùng cho những người dân kém may mắn, cả khi bốc thăm lẫn bởi cảnh nghèo! “Quốc sách hàng đầu” lủng một chỗ lớn so với bảo hiểm y tế trẻ đến 6 tuổi được chữa bệnh miễn phí!

Trong nhiều lần, lãnh đạo ngành Giáo dục đã bày tỏ sự hàm ơn với hệ thống trường, nhóm lớp tư thục này, kèm theo đó là băn khoăn xót xa vì họ chưa được hưởng những chính sách đãi ngộ xứng đáng. Băn khoăn nhưng lại lãng quên việc trẻ thơ lần đầu đến trường bằng may rủi kiểu chơi số đề!


                                    Ziczac

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm