Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Những nguyên tắc đúng cho tới hôm nay

TS Ngô Quốc Đông

Thứ năm, 02/03/2023 - 21:51

(Thanh tra) - Kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam", nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn đàn khoa học được tổ chức tìm hiểu lại văn kiện quan trọng này của Đảng ta. Đề cương văn hóa có nhiều giá trị, song về ba nguyên tắc vận động văn hóa ở thời kỳ đó là dân tộc - khoa học - đại chúng vẫn đang là những giá trị định hướng đúng cho tới hôm nay.

Kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam". Ảnh: Tư liệu Báo Thanh tra

Nhiều người tự hỏi: Tính dân tộc là gì? Sẽ rất rộng và phức tạp nếu chúng ta mổ xẻ khái niệm này. Tuy nhiên, có thể hiểu đó là truyền thống, bản sắc và giá trị của cá nhân và cộng đồng. Đôi khi truyền thống, căn tính xuất phát từ vấn đề đời thường.

Ví như, không ít gia đình cho con du học bên Tây để mở mang tri thức, văn hoá. Cũng không ít bố mẹ ngạc nhiên khi con cái họ trở về với trình độ cao đã kèm theo tư duy, lối sống khác trước. Về nước, nhiều em ra thuê nhà ở ngoài, không còn quá gắn với các thành viên trong gia đình. Các em ăn đồ Tây và không thích đồ Việt, đôi khi còn chê cha mẹ lạc hậu… Rõ ràng, phụ huynh vẫn nhìn thấy con cái họ thành đạt, nhưng cảm nhận rõ chúng thật thay đổi khác xưa.

Tại sao? Vì bản thân con cái họ đã mang trong mình truyền thống văn hóa khác. Bản sắc thuần Việt đã thay đổi và khoác vào các em một hệ giá trị văn hoá khác từ môi trường du học. Điều này cho thấy các giá trị cũ và mới đang xung khắc với nhau, xảy ra xung đột văn hoá. Trong cuộc va chạm đó, không ít tính truyền thống, bản sắc của cá nhân, gia đình đã bị mai một.  Vậy tính dân tộc chính là bản sắc, căn tính, nếu mất nó, cá nhân hay cộng đồng sẽ biến đổi.

Có một sự biện chứng giữa tính dân tộc và tính khoa học khi phát triển văn hoá. Nếu dân tộc mà không khoa học thì dễ trở thành bảo thủ, lạc hậu. Ví như, trong một gia đình mà ông bà, cha mẹ cứ ôm những cái cũ những lễ nghi máy móc, gia trưởng, giáo điều và coi đó là giá trị duy nhất thì sớm hay muộn họ cũng biến thành kẻ lạc hậu trong con mắt của con cái. Bởi vậy, tính dân tộc vẫn cần phải chọn lựa khoa học.

Điều này có nghĩa là, bảo tồn văn hóa phải gắn với phát triển, hội nhập và tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp bên ngoài để làm giàu cho các giá trị văn hóa dân tộc. Ví như, những đứa trẻ Tây học, dù chúng có đi xe hơi, ăn đồ Tây nhưng vẫn lễ phép thưa gửi cha mẹ, kính trên nhường dưới. Khi về nhà không chê canh cà, rau muống cha mẹ nấu thì chúng đâu có xa lạ với người thân, họ hàng. Nếu nguồn lực du học này có đóng góp cho gia đình và cộng đồng thì tính dân tộc đã được phát huy một cách khoa học vì có chọn lựa. Ngược lại, những phụ huynh không nên xem giới trẻ là nông cạn, mất bản sắc bởi có những điểm tích cực của chúng người già vẫn nên học. Như vậy, tính dân tộc là nền tảng căn cước để hội nhập với bên ngoài, chứ tính dân tộc không nằm ngoài sự phát triển và giao thoa văn hoá. Muốn hội nhập cho đúng, gạn đục khơi trong mà vẫn còn bản sắc, buộc phải mang tính khoa học trong phát triển văn hoá là vậy!

Cuối cùng văn hóa phải mang tính đại chúng, có nghĩa là văn hóa phải được chấp nhận bởi cộng đồng và là sản phẩm đúc kết từ cộng đồng. Ví như có thời chúng ta xây dựng bản tái định cư cho bà con dân tộc thiểu số để họ sống tập trung với mong muốn giữ lại những bản sắc. Vì không nghiên cứu kỹ văn hoá của đồng bào, một số chương trình thất bại. Khi đồng bào dùng hết tiền và gạo tài trợ ban đầu của Nhà nước thì một số lại rời chỗ ở mới về với lối sống tập quán xưa, vì họ quen ở nhà sàn, quen đốt nương làm rẫy trên núi cao, vào rừng phát rẫy.

Rõ ràng văn hoá không chỉ được tạo ra bởi một chính sách hay một ý tưởng quản lý, mà được hình thành từ trong đời sống của cộng đồng. Chỉ có cộng đồng mới là nơi tạo bản sắc và biết giữ lại những bản sắc nếu có nguy cơ mai một.

Nếu như mỗi cá nhân hay cộng đồng tự đánh mất đi bản sắc, giá trị văn hóa của mình thì họ sẽ biến thành người xa lạ hoặc là thành viên của một nền văn hóa khác. Vậy mới thấy giá trị trong các nguyên tắc định hướng trong phát triển văn hoá của bản đề cương cách đây 80 năm không hề cũ, vẫn đúng trong bối cảnh hôm nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm