Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Như con đò nhỏ khua nước ven sông…

Chủ nhật, 18/11/2012 - 16:34

(Thanh tra) - Mộc mạc và sâu lắng, cô gần như không nói bất cứ điều gì về bản thân ngoài việc nói về những học trò nhỏ thân thương. Cô là vậy, hơn 30 năm cần mẫn, chăm bẵm từng búp chồi non trên những đụn cát bỏng cháy cuả vùng đất khát Phan Rang, Ninh Thuận. 30 năm theo nghiệp phấn trắng, cô gắn trọn cuộc đời cho ngôi trường mà mình đã từng theo học bằng tình yêu thuỷ chung và trọn vẹn. Cô là nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị, giáo viên Sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi, TP. Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị

Trọn vẹn một tình yêu

Đấy là điều tôi có thể cảm nhận được khi ngồi trò chuyện với cô ngay tại khuôn viên của trường. Cô say mê nói về mái trường, nơi mình đã từng theo học rồi trở về gắn bó trọn cuộc đời mình, mắt cô rực sáng niềm vui và hạnh phúc khi nói về những lứa học trò thân yêu. Gần ba tiếng ngồi cùng cô, nhưng tôi thật sự không sao khắc hoạ được chân dung về người giáo viên chỉ nghĩ đến học sinh này. Cô không muốn mình lên báo, cô không thích những gì phô trương. Với cô, hạnh phúc lớn nhất có lẽ là việc ngày ngày được đứng trên bục giảng, được thấy những đôi mắt trong veo, sáng ngời hạnh phúc của bao lứa học trò. Cô khiến tôi lúng túng, nhưng lại cho tôi một góc nhìn khác về cô.

Thấy và hiểu, để rồi bất chợt tôi nhớ đến 4 câu thơ trong bài thơ “Lời ru của thầy” của nhà thơ Đoàn Vị Thượng “Mỗi nghề có một lời ru/Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này…/Thầy ru hết cả mê say/Mong cho trọn ước mơ đầy của em” mà thấy lòng vui lạ. Tôi vui bởi đã hiểu, với cô khúc “hát ru” ấy mới chính là điều cô muốn nói.

Xuất thân từ một gia đình nề nếp, có nhiều người theo nghiệp giáo, nên cô hiểu và trân trọng cái đẹp, cái thanh tao mà nghề giáo mang lại. Cô yêu nghề giáo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nên sau khi tốt nghiệp THPT cô đã chọn nghề giáo để theo đuổi. Hơn 30 năm dạy học, dẫu có nhiều những thăng trầm, gian khó và đổi thay tác động vào cuộc sống, thế mà cô vẫn gắn bó, không từ bỏ ước mơ của cuộc đời. Rất nhiều những người bạn của cô đã phải dang dở giấc mơ nghề giáo vì cuộc sống quá khó khăn. Nhưng bằng một tình yêu gần như là vô bờ với học trò, với mái trường mà cô đã có biết bao gắn bó, cô đã chia ngọt sẻ bùi, vững lòng bước qua.

Nói về nghề giáo ba mươi năm trước, ai cũng hiểu cuộc sống của giáo viên khó khăn đến nhường nào. Rất nhiều người vì không thể xoay sở với cuộc sống mà phải nuốt nước mắt bỏ nghề, rồi Cô tâm sự: Ngày trẻ cũng như mọi người, cũng đôi lần giao động, cũng đôi lần cảm thấy áp lực của cuộc sống cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai… Nhưng cứ mỗi lần lòng chùng xuống, tôi lại nghĩ đến những học trò nghèo, nhớ đến hai câu thơ từ bài thơ “Bụi Phấn” của nhà thơ Đoàn Vị Thượng “Cái bục giảng không cao nhưng đã có đôi người vấp té/Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay” để quyết tâm vượt qua cái khó khăn. Để rồi sau những tháng ngày gian khó với bục giảng, phấn trắng, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhị đã tôi luyện cho mình sự kiên định và tình yêu nghề bất diệt. Cô dần trở thành đầu tàu trong đội ngũ giáo viên của nhà trường với những phương pháp sư phạm ưu tú, lối dạy sinh động và trở thành giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi có tiếng toàn tỉnh, không biết bao nhiêu bằng khen dành tặng cho cô, ghi nhận sự cống hiến mà cô đã dành trọn cuộc đời cho giáo dục.

Nói về cô, thầy Nguyễn Huệ Khải, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cô Nhị thật sự là một tấm gương cho nhiều thế hệ giáo viên noi theo. Bởi ngoài một niềm đam mê với nghề, phương pháp sư phạm và chuyên môn vững vàng, cô còn hết lòng vì học sinh. Tôi cũng là học sinh của cô hồi trước nên tôi hiểu tình yêu của cô dành cho ngôi trường và học trò lớn đến nhường nào. Cô không hoa mỹ, sống bình dị và dành trọn những gì tốt đẹp nhất cho học sinh và nhà trường. Với tôi, cô thật sự là một nhà giáo có một không hai của tỉnh nhà”.

Nguyện làm con đò nhỏ…

Bản thân tôi không quan trọng những gì đạt được, tôi chỉ quan tâm học sinh mình học được những gì, các em thấy vui khi được học tập và lĩnh hội những kiến thức mới hay không. Đó thật sự là điều đáng tự hào. cô giáo Thanh Nhị nói thêm: “Trong hàng ngàn, hàng vạn giáo viên đang cần mẫn hết lòng vì học sinh trên cả nước. Trong cái mông mênh và rộng lớn ngoài kia, tôi thấy mình chỉ là một con đò nhỏ khua nước ven sông”.

Cô là thế, đã nguyện suốt đời là một con đò chở chữ cho học sinh, nhưng cũng chỉ xem mình là một con đò chấp chới ven sông. Sự bình dị và nhẹ nhàng với mọi thứ danh lợi phù hoa, càng khiến cho cái bóng của cô đổ dài theo năm tháng chở che, bao bọc và trở thành người mẹ hiền mẫu mực đối với nhiều thế hệ học sinh.

Nói về cô giáo của mình, chị Trần Mỹ Lệ, (học sinh niên khoá 1987 - 1990) không khỏi xúc động, chị tâm sự: “Tôi thấy mình thật sự may mắn khi được là học trò của cô. Cô không chỉ là một nhà giáo, nhà sư phạm, mà còn là một người mẹ mẫu mực. Cô sống tất cả vì học sinh bằng tình thương yêu vô tận. Những học sinh nghèo như tôi ngày xưa, cô đặc biệt quan tâm và chia sẻ những khó khăn. Cô giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về lẽ sống, giúp chúng tôi biết quan tâm mọi người nhiều hơn, và quan trọng là cô cho chúng tôi niềm tin về tương lai từ chính khả năng của mình.

Và như một thứ hương thơm diệu kỳ, sự yêu thương ấy ngày càng lan toả đến khắp mọi người. Để rồi những lứa học sinh đã ra đi và trưởng thành như tôi đều quay trở lại đóng góp, giúp sức cho các học sinh nghèo khác. Điều đó tôi nghĩ nó đến và được dẫn dắt bởi một trái tim nồng ấm yêu thương nơi cô giáo Nhị.

Thật vậy, xuất phát từ tình yêu thương học sinh, yêu ngành, yêu nghề của mình, ba mươi năm qua, cô thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư để gửi trọn vẹn tâm huyết vào những trang giáo án, những phương pháp giảng dạy thích hợp để học sinh có thể tiếp thu một cách nhanh nhất. Cô trở thành giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh suốt nhiều năm liền và chính thức được công nhận nhà giáo ưu tú năm 2008. Danh hiệu mà chính bản thân cô cũng không bao giờ nghĩ đến.

Tuy nhiên, chính thầy Khải (học trò) vì quá khâm phục và trân trọng những điều cô đã làm cho nhà trường, và đóng góp ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận, một tay thầy đã phải làm mọi thứ để gửi hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu này cho cô. Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng, cô thật sự là một tấm gương nhà giáo sáng ngời cho nhiều thế hệ giáo viên trẻ noi theo.

Chia tay cô khi nắng đã nhạt nhoà, những suy nghĩ về cô vẫn còn rất nhiều chiều cảm xúc, nhưng ấn tượng về sự bình dị nơi cô là điều tôi cảm nhận rõ nhất. Cô cười chào tôi bằng nụ cười hiền hậu rồi dắt chiếc xe đạp cũ kỹ ra về. Bóng cô đổ dài theo bóng nắng, như che chở...


    Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”

(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), ngày 12/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ ra mắt trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”.

Thái Hải

20:36 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm