Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhọc nhằn con chữ Đồng Nghê

Chủ nhật, 18/11/2012 - 17:11

(Thanh tra) - Học trò: Chiều thứ bảy "đội" mây leo núi về bản, sáng thứ hai "cõng" sương, vác gạo, măng, rau… xuống núi đến lớp. Thầy cô giáo: Tuần 2 lần cưỡi "ngựa sắt", phi cả trăm cây số đường núi, vượt hàng chục con dốc đến trường. Chuyện dạy, học chữ ở xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc, Hoà Bình, thật nhọc nhằn, gian khó.

Giờ học môn Địa lý của học sinh lớp 9. Ảnh: Hồng Bài

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở (gọi tắt là PTBT) Đồng Nghê là 1 trong 2 trường PTBT của tỉnh Hoà Bình. Trường cách trung tâm huyện Đà Bắc gần 100km đường núi. Năm học 2012 - 2013, trường có 108 học sinh, trong đó có 69 em học bán trú. Học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc Mường, Tày, Dao.

Thầy Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường PTBT Đồng Nghê cho biết: Các em học sinh bán trú ở cách trường từ 5 - 9km. Bản Lài, Đăm, Ấm nằm trên dãy núi đá có độ cao trên 1.000m, đường đi hiểm trở. Nhất là vào mùa mưa, lũ núi, lũ quét thường xuyên xảy ra. Mùa Đông thì giá rét, có những đợt rét kéo dài 15 - 20 ngày, nhiệt độ xuống dưới 5oC. Các thầy cô giáo ở đây, ngoài nhiệm vụ dạy chữ cho học sinh còn là người mẹ, người anh, người chị chăm lo, đùm bọc các em học sinh từ bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón các em đến trường, chỉ bảo các em cách giặt, phơi quần áo, gập chăn màn… tạo môi trường sống hoà đồng, ấm áp, thân thiện giữa giáo viên với học sinh, làm cho các em cảm nhận được lớp học, mái trường là ngôi nhà, là gia đình của các em.

Học sinh chuẩn bị bữa cơm trưa. Ảnh: Hồng Bài

Hình ảnh chúng tôi ấn tượng nhất ở Trường PTBT Đồng Nghê là cảnh sinh hoạt của các em học sinh. Đúng như thầy Vũ Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng nói: "Nhiều em ngày đầu đến trường chưa biết giặt quần áo, chưa biết nấu cơm, đêm nằm còn khóc nhớ bố mẹ. Nay các em đã tự làm được, làm thành thạo mọi công việc, tự chăm sóc bản thân mình. Các em học sinh phải tự lập từ tuổi 12".

Tan học, hơn 11 giờ. Từng tốp, ít thì 2 em, nhiều thì 4 em ríu rít, tất bật, mỗi người một việc: Bổ củi, nhổ rau, rửa rau, vo gạo, nhóm bếp. Cơm sôi, nhấc xuống lại bắc nồi canh rau, canh măng lên bếp. Nhà bếp chỉ rộng hơn 10m2, vách che bằng tấm ván, mái lợp lá cọ mà có tới 20 cái bếp. Lúc đun nấu, các em cứ ghé vai vào nhau, cười nói râm ran. Loáng một cái cơm canh đã chín. Bữa cơm không mâm, không bát đựng canh. Tất cả chỉ có hai cái nồi, nồi cơm, nồi canh. Bữa cơm rất đạm bạc, kham khổ; một nắm rau cải, hoặc rau rừng làm canh, không mì chính; một bốc muối gừng để trên vung. Nhóm nào khá thì có ít tép, cá khô.

Bữa ăn của học sinh còn rất đạm bạc. Ảnh: Hồng Bài


Em Đặng Thị Huyền, dân tộc Dao, học sinh lớp 9 cho biết, nhà Huyền ở bản Dăm, cách trường gần 10km. Hàng tuần vào chiều thứ bảy, em đi bộ về nhà. Sáng thứ hai dậy từ lúc 4 giờ chuẩn bị gạo, rau, củi xuống núi đến trường. Mỗi lần về nhà, bố mẹ cho Huyền 5 kg gạo, 10.000 đồng. Tuần nào nhà bán được ngô, bố mẹ cho Huyền 15 - 20.000 đồng.

Em Đặng Văn Huy, học sinh lớp 7 kể: Năm đầu vào lớp 6, tối ngủ nhớ mẹ khóc đến sáng. Muốn trốn học về nhà nhưng không biết đường. Huy nấu cơm, ăn chung với 2 bạn cùng bản cùng học lớp 6. Mới đầu không biết nhóm lửa, không biết đun nấu nên cơm bữa sống, bữa khê, canh bữa mặn, bữa nhạt. Được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo, giờ Huy đã biết làm mọi việc. Huy khoe: "Mỗi lần về nhà, cháu nấu cơm, canh cho cả nhà, ai cũng khen ngon".

Thầy Giang cho biết: Đồng Nghê là xã nghèo, khó khăn nhất tỉnh Hoà Bình. Nhưng đồng bào ở đây rất chăm lo đến việc học chữ của con cái. Nhiều gia đình có 2 con cùng học một trường. Để con yên tâm học tập, hàng tuần bố, mẹ đem gạo, rau, đu đủ xuống tận trường cho con. Các em rất ham học. Đã nhiều năm không có học sinh bỏ học giữa cấp. Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu đã tổ chức kiểm tra phân loại học lực học sinh, từ đó lập kế hoạch dạy phụ đạo cho những em học yếu. Trường cũng thành lập Ban Quản lý bán trú, duy trì nề nếp, chế độ liên lạc với phụ huynh học sinh. 

Tối, các em cùng nhau học bài ngay tại phòng ngủ. Ảnh: Hồng Bài


Trong cái khó của trò, việc làm, tình cảm, tinh thần trách nhiệm của thầy, cô giáo ở Trường PTBT Đồng Nghê đã toả sáng, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào. Em Bàn Văn Tâm, học sinh lớp 8 là học sinh ngoan, chăm chỉ học tập, nhưng giữa học kỳ em Tâm bất ngờ bỏ học. Cô giáo Đinh Thị Thu Hà đã đi bộ gần 10km, vượt núi lên bản Lài, đến nhà em Tâm. Đến nhà, cô giáo Hà mới biết, gia đình Tâm nghèo, không đủ gạo, tiền cho con đi học. Cô Hà đã thuyết phục bố mẹ Tâm, động viên Tâm trở lại lớp. Tâm được thầy cô giúp đỡ gạo, tiền, quần áo. Biết chuyện, bố mẹ Tâm, bà con người Dao bản Lài rất cảm động, kính phục tấm lòng của các thầy cô giáo.

Em Sa Văn Chuyền, học sinh lớp 6, nhà ở bản Nghê, những ngày đầu đến ở bán trú, vì không quen lại nhớ nhà nên khóc, Ban Giám hiệu đã phân công giáo viên đón Chuyền về ngủ chung, ăn chung. Nay Chuyền đã hoà đồng với bạn khu nội trú.

Không ít trường hợp, vì mưa bão các em ở bản Lài, Đăm không về nhà lấy gạo được, Ban Giám hiệu tổ chức nấu cơm cho các em ăn. Đồng thời phát động toàn thể giáo viên, mỗi tháng trích 20.000 đồng (320.000 đồng/tháng) làm quỹ giúp đỡ học sinh nghèo. Tận dụng đất quanh trường, giáo viên, học sinh đã trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh.
 

Ngoài giờ học, các em trồng rau xanh cải thiện bữa ăn. Ảnh: Hồng Bài

Về khó khăn của trường, thầy Hiệu trưởng cho biết: Mới được thành lập nên trường còn nhiều khó khăn. Trường chưa có nhà hiệu bộ, thiếu nhà ở cho giáo viên, học sinh bán trú; chưa có nhà ăn, nhà bếp. Đặc biệt, là trường PTBT, học sinh được hưởng chế độ, quyền lợi theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay giáo viên, học sinh ở đây vẫn chưa được hưởng chính sách này.

Dù còn bộn bề khó khăn, nhọc nhằn, nhưng với tấm lòng nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, sự nghiệp "trồng người" ở Đồng Nghê, vùng quê nghèo khó này sẽ vơi đi nỗi nhọc nhằn và đơm hoa kết trái.


Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm